Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xe đạp điện bán hàng lậu

18/11/2015

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện còn vi phạm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ linh kiện, phụ tùng lắp ráp.

Theo Tổng cục Cảnh sát- Bộ Công an, thời gian qua,do nhu cầu tiêu thụ xe đạp điện trong nước tăng cao, nhiều công ty, cơ sở sản xuất, lắp ráp xe đạp điện đã nhập khẩu linh kiện giá rẻ từ Trung Quốc về để tự sản xuất, lắp ráp để bán ra thị trường…

Đáng lưu ý, phần lớn các công ty, cơ sở sản xuất, lắp ráp, buôn bán hoạt động không đủ các điều kiện theo quy định của Nhà nước như sản xuất không có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật do Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cấp; các linh kiện phụ tùng lắp ráp, sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Trước thực trạng trên, Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu (C74) kiểm tra làm rõ. Ngay sau đó, C74 đã lập kế hoạch phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và Chi cục Quản lý thị trưởng các tỉnh: Hà Nội, Nam Đinh, Thái Bình tiến hành đợt “tổng kiểm tra”.

Tại các địa phương, Đoàn công tác đã kiểm tra đồng loạt đối với 8 cơ sở sản xuất, lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện gồm: Công ty TNHH Công nghệ Sonik Việt-Sing; Công ty TNHH NIJIA Việt Nam; Công ty CP sản xuất xe đạp điện Việt Nam; Công ty CP kinh doanh XNK Gia Ân; Công ty TNHH xuất nhập khẩu xe điện ROVER; Công ty TNHH BOOMBIKE Việt Nam; Công ty CP xe đạp, xe máy Thái Bình; Công ty CP Vina Thái.

Đoàn công tác cũng tiến hành kiểm tra 6 cửa hàng kinh doanh buôn bán xe đạp điện, xe máy điện trên địa bàn Hà Nội gồm: 3 Cửa hàng thế giới xe điện và 3 cửa hàng thegioixedien.vn.

Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện các công ty, cơ sở sản xuất này có các hành vi vi phạm không có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp trong việc sản xuất, lắp ráp hoàn thiện 6.987 xe đạp điện, xe máy điện để chuẩn bị lưu thông trên thị trường; sản phẩm không có tem, phiếu chứng nhận hợp quy khi lắp ráp, xuất xưởng, bày bán; kinh doanh không đúng địa điểm đăng ký trên giấy phép kinh doanh; sản phẩm hàng hóa nhập lậu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Sau khi kiểm tra, C74 và các lực lượng đã thống nhất lập biên bản vi phạm, đồng thời yêu cầu các công ty và các cửa hàng dừng ngay việc lưu thông đối với các sản phẩm xe đạp điện, xe máy điện chưa được cấp Giấy chứng nhận hợp quy, các sản phẩm nhập lậu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo C74 chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Chi cục Quản lý thị trường: Hà Nội, Nam Đình, Thái Bình để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

Khoản 5, Điều 19, Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.

Khoản 1, Điều 6, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013: Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Khoản 1, Điều 17, Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013: Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 1.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

k) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Khoản 4, Điều 17, Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013: Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tịch thu phương tiện vận tải đối hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

Tác giả: Theo baohaiquan.vn,