Đại diện nhiều cơ quan quản lý và các chuyên gia cho biết, cơ hội phát triển xe điện đang rất rộng mở và sẽ tiếp tục có những chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển loại phương tiện này.
Nhiều ưu đãi lớn về thuế, phí
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn (thứ 8 từ phải qua) và Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên (thứ 9 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Tạ Hải
Tại hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức ngày 20/10, đề cập những chính sách thuế dành cho phương tiện xanh trong tương lai, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Chính sách thuế xuất, nhập khẩu (Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính) cho biết, hiếm có ngành nào được hỗ trợ nhiều về chính sách thuế như ngành công nghiệp ô tô.
“Quá trình phát triển đối với xe điện quá nhanh. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn với loại xe điện, xe tự hành, trình lên cơ quan thẩm quyền Nghị định FTA hài hòa các quy định giữa các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ông Phạm Minh Thành, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam”
Đối với xe điện, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội rất nhiều văn bản ưu đãi về thuế, phí.
Trong bộ linh kiện của xe điện nhập khẩu về đều được áp mức thuế 0%, trong khi nếu là ô tô xăng nhập khẩu nguyên chiếc, mức thuế áp dụng thông thường là 70%.
Xe xăng kết hợp năng lượng điện (xe xăng lai điện) hoặc năng lượng sinh học hiện cũng được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe chạy xăng, dầu.
Gần đây, Bộ Tài chính cũng trình, ban hành những văn bản trong đó giảm đáng kể mức tiêu thụ đặc biệt của ô tô chạy pin so với xe chạy xăng, dầu. Xe điện cũng có ưu đãi rất cao về lệ phí trước bạ, giảm 100% đối với 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.
“Với những chính sách trên, tôi tin sẽ góp phần khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều về chính sách thuế, phí. Đối với các trạm sạc, nếu đầu tư tại các địa bàn được ưu đãi cũng sẽ nhận được nhiều chính sách về đầu tư xây dựng trạm sạc”, bà Ngọc cho biết.
Đưa chính sách khuyến khích vào luật
Liên quan đến vấn đề quy hoạch trạm sạc, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường & Hợp tác quốc tế (Cục đường bộ VN) cho biết, Chính phủ đang giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương phát triển hạ tầng sạc trên các đường quốc lộ và các đô thị.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống trạm sạc trên mạng lưới đường bộ mà Bộ GTVT quản lý như đường quốc lộ, đường cao tốc còn đường địa phương, đường đô thị sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm.
“Chúng tôi đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là một kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc. Dự kiến tháng 9/2023, Cục Đường bộ VN sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Toàn cho biết thêm.
Tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được phê duyệt từ năm 2014 nhưng hiện mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đề xuất sửa đổi chiến lược chiến lược phát triển công nghiệp ô tô phù hợp mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh ngành Giao thông vận tải.
Khi được hỏi, dự thảo Luật Đường bộ sửa đổi đang được xây dựng, có chính sách mới nào nhằm khuyến khích phát triển xe điện không, ông Đỗ Công Thủy, Trưởng phòng vận tải và quản lý phương tiện người lái (Cục Đường bộ VN) cho biết, trên cơ sở Quyết định 876 của Thủ tướng, Bộ GTVT và Cục Đường bộ VN sẽ nghiên cứu lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh để đưa vào dự thảo luật.
Điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang xe điện
Trao đổi bên lề hội thảo, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình Đào tạo Kỹ thuật ô tô (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng: “Một điều rất may mắn là ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam phụ thuộc vào động cơ đốt trong không nhiều. Các doanh nghiệp vẫn còn ở mức đơn giản nên việc chuyển đổi từ sản xuất xe xăng sang xe điện đang rất thuận lợi. Các nhà sản xuất có thể coi đây là thời điểm vàng để chúng ta chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Thị trường ô tô đang bước vào thời kỳ bùng nổ và người dân sẽ có nhu cầu mua xe rất cao. Đây cũng là cái thời điểm rất tốt để người tiêu dùng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Với những điều kiện hội tụ như trên cộng với lợi thế về nguồn năng lượng điện tái tạo rất lớn để đưa vào phục vụ cho hệ thống xe điện thì sự phát triển xanh trong giao thông sẽ vô cùng tiềm năng.
“Lộ trình thì Chính phủ đã có những mốc chuyển đổi xe xăng sang điện. Tôi cho rằng, lộ trình sẽ có những bước chuyển giai đoạn. Nói về xe điện chúng ta có những sự lựa chọn khác nhau cho từng giai đoạn. Tùy từng giai đoạn sẽ có hỗ trợ chính sách để đến năm 2050 tôi tin rằng chúng ta có thể hoàn thành chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện”, ông Phúc nhận định.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Kathleen Dematera Contreras - Trưởng nhóm chính sách giao thông (Mạng lưới không khí sạch Châu Á) cho hay, kinh nghiệm của các nước như Thái Lan, Hà Lan, Indonesia, Ấn Độ đều có điểm giống Việt Nam là chia lộ trình thành 2 giai đoạn, gồm giai đoạn thứ nhất là chấm dứt sản xuất - lắp ráp - nhập khẩu xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch (trước năm 2030 - 2040); giai đoạn thứ hai là 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh (mốc năm 2050).
Điểm khác là một số nước đưa ra lộ trình sớm hơn. Như Thái Lan đề ra lộ trình đến năm 2030, 100% phương tiện công cộng phải dùng năng lượng xanh, đến năm 2035 toàn bộ xe bán ra thị trường Thái Lan là xe điện. Với Indonesia, họ thành lập hẳn một ủy ban thuộc Chính phủ để điều phối lộ trình xe điện, với mục tiêu rất sớm, là đến năm 2025 phải có 25% số phương tiện giao thông đường bộ là xe điện.
Việt Nam là thị trường hấp dẫn tiêu thụ xe điện
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Tạ Hải
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng, với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân và tăng trưởng kinh tế cao nhưng lượng xe điện sử dụng vẫn đang còn rất thấp, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn và chắc chắn sẽ là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ xe điện.
Nhờ điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi với nhiều nắng, nhiều gió, bờ biển dài và có nhiều sông, Việt Nam cũng là nước có nhiều lợi thế phát triển năng lượng tái tạo, nhất là nguồn cung cấp điện xanh như: Điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nguồn nhân lực vừa thông minh vừa cần cù, có nhiều kiến thức về tin học, phần mềm có thể đáp ứng được yêu cầu của quá trình sản xuất xe điện cũng như linh kiện, phụ tùng, phần mềm điều khiển.
“Với sự quyết tâm của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để vươn lên trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng xe điện, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường trong tương lai”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhận định.
GS. TS. Lê Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội):
Đòi hỏi nhiều nguồn lực khác nhau
Đối với các trường đại học, đặc biệt các trường đại học kỹ thuật, hiện nay đã có các chương trình đào tạo liên quan đến ô tô điện và đang định hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng phương tiện dùng điện trong tương lai.
Đối với nguồn nhân lực, tôi tin rằng, đến năm 2030, đội ngũ kỹ sư riêng về ô tô khi ra trường chắc chắn đủ khả năng để đáp ứng được việc chuyển đổi sang sử dụng phương tiện dùng điện.
Tuy nhiên, phát triển phương tiện dùng điện cần đến nhiều nguồn lực khác, không chỉ riêng con người, mà phải gồm cả các nguồn lực đến từ tất cả các ngành nghề khác nhau của xã hội, chứ không phải chỉ mỗi ngành giao thông.
Các chiến lược phát triển xe điện, tôi nghĩ rằng, cần tận dụng mọi nguồn lực của xã hội thay vì tập trung vào ngành giao thông, vì như thế sẽ rất dễ xây dựng một chiến lược mà khó có thể triển khai.
Ông Đào Công Quyết (Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam):
Cần nguồn cung cấp điện đảm bảo
Do đặc thù Việt Nam, hầu hết các gia đình không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà, trong khuôn viên của gia đình mình, trong khi sạc tại nhà là một hình thức sạc phổ biến cho xe điện. Tiêu thụ điện để sạc cho xe điện đòi hỏi nguồn cung cấp điện của Việt Nam phải tăng lên rất nhiều.
Để phổ cập xe điện hóa đến khách hàng, giá xe cũng là 1 yếu tố quan trọng. Ở thời điểm năm 2020, chi phí trực tiếp sản xuất ra xe thuần điện cao hơn 45% so với xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ được thu hẹp lại còn khoảng 9%.
Đặc biệt, ưu đãi của Chính phủ đóng một vai trò quan trọng tác động tới sự chuyển đổi xe điện hóa. Bên cạnh đó, phải có chính sách thuế phí và lộ trình phát triển xe điện hóa…
Ông Vũ Thắng (Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VINFAST):
Cần quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc
Trong quá trình xây dựng trạm sạc chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bộ KH&CN đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống, thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.
Một số khó khăn khác như về vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, nguồn điện cũng như mức độ cung cấp điện không đồng đều…
Hiện nay, chúng tôi đang tập trung vào sản xuất trạm sạc cho ô tô điện. Với xe máy, việc sạc tại nhà đơn giản nên chưa tích hợp chung với ô tô.
Trong tương lai, VinFast sẽ phát triển trạm sạc để có thể tích hợp cả xe ô tô và xe máy điện.