100% tàu của công ty Tokyu Railways, Nhật Bản chạy bằng năng lượng xanh
Nhiều quốc gia phát triển tàu chạy năng lượng sạch
Năm 2017, Ấn Độ là nước đầu tiên trên thế giới cho ra mắt tàu hỏa chạy bằng năng lượng mặt trời tại thủ đô New Delhi, một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Chiếc tàu hỏa DEMU công suất 1.600 mã lực, gồm 6 toa, mỗi toa gắn 16 tấm pin mặt trời trên nóc để cung cấp năng lượng cho các thiết bị chiếu sáng ở trên tàu thay thế cho việc dùng máy phát chạy bằng diesel. Các toa này cũng được trang bị pin dự trữ dành để dùng vào ban đêm.
Cũng trong năm này, Hà Lan đạt được cuộc cách mạng xanh khi tuyên bố 100% các chuyến tàu điện chạy bằng năng lượng gió. Công ty Đường sắt Quốc gia Hà Lan (NS) cho biết, một cối xay gió chạy trong một giờ có thể cung cấp năng lượng cho một đoàn tàu đi được 120 km. Hiện tại, NS đang khai thác khoảng 5.500 chuyến tàu mỗi ngày.
Tại Nhật Bản, từ đầu tháng 4/2022, Công ty đường sắt hàng đầu Nhật Bản Tokyu Railway chỉ sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo khác để cung cấp năng lượng cho hoạt động vận hành tàu điện của mình. Mạng lưới tàu của Tokyu kéo dài hơn 100km, phục vụ 2,2 triệu người mỗi ngày bao gồm công nhân, nhân viên văn phòng và học sinh. Thậm chí, các máy bán đồ uống tự động, màn hình camera an ninh và hệ thống chiếu sáng tại các tuyến đường sắt này đều sử dụng năng lượng xanh.
Tokyu là công ty đường sắt đầu tiên ở Nhật Bản đạt được mục tiêu khí thải CO2 bằng 0. Mức giảm khí thải của công ty này tương đương với lượng khí thải trung bình hàng năm của 56.000 hộ gia đình Nhật Bản.
Theo Công ty Điện lực Tokyo, các nguồn năng lượng tái tạo để vận hành tàu Tokyu bao gồm thủy điện, địa nhiệt, năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Năm 2050, đường sắt Việt Nam 100% sử dụng điện, năng lượng xanh
Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2019 của Bộ GTVT, ngành GTVT phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2, dự báo tăng trung bình 6 - 7%/năm và đạt gần 90 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành, vận tải đường thủy chiếm 10%; hàng không chiếm 6%; đường sắt không đáng kể. Do hiệu suất phát thải CO2 thấp, đường sắt là một phương tiện di chuyển quan trọng có tính bền vững, thân thiện với môi trường.
Mục tiêu đến năm 2050, đường sắt Việt Nam 100% sử dụng điện, năng lượng xanh (Ảnh minh họa)
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 876/QĐ-TTG phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT (gọi tắt là Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh). Mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Trong đó, riêng đối với ngành đường sắt, giai đoạn 2022 – 2030, nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại; đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa;
Xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh;
Khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2040, dừng từng phần sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Từng bước đầu tư mới và chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh; chuyển đổi 100% trang thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh tại các nhà ga.
Bên cạnh đó, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các tuyến đường sắt hiện hữu đáp ứng hoàn toàn việc chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa, sử dụng năng lượng xanh.
Quyết định số 876/QĐ-TTG cũng chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp để hiện thực hoá các mục tiêu cụ thể tại chương trình, bao gồm: xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch; chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh và áp dụng với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường sắt, thủy nội địa, tàu biển hoạt động tuyến nội địa, tàu bay. Trong đó, yêu cầu phương tiện giao thông đường sắt thực hiện chương trình chuyển đổi đầu máy, toa xe có động cơ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện hữu; ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TP. Hồ Chí Minh với Cần Thơ; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP. Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Cùng với đó, cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến, ga đường sắt hiện có, cơ bản đáp ứng việc chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh. Thí điểm xây dựng một số đoạn tuyến đường sắt mới đáp ứng việc chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh tiến tới đầu tư xây dựng, phát triển toàn bộ các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa đáp ứng cho phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; xây dựng quy định, tiêu chí nhà ga xanh và triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi toàn bộ nhà ga theo tiêu chí xanh.