Doanh nghiệp ủng hộ lắp đặt hộp đen trên ô tô

16/08/2011

Ngày 2/8/2011, tại Cần Thơ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị vận tải phía Nam với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp vận tải nhằm quán triệt nội dung các văn bản liên quan đến hoạt động quản lý vận tải.

Quy định về việc lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên ô tô tiếp tục là tâm điểm thảo luận của Hội nghị.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải phía Nam đã chủ động lắp đặt thiết bị này. Công ty Mai Linh đã lắp hộp đen cho 100% phương tiện; hàng loạt hãng vận tải hành khách có số lượng xe từ 10 chiếc trở lên như Phương Trang, Sơn Tùng, Thành Bưởi, xe khách Vinh Quang, Doanh nghiệp tư nhân Rạng Đông, Trần Đặng Sinh caphe, v.v. cũng thực hiện quy định này.

Ông Trần Vinh Quang - Giám đốc Công ty Vận tải Đại An (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết: "Năm 2010, đơn vị đã tiến hành lắp đặt thiết bị định vị cho tất cả 10 xe container hiện có. Kể từ khi lắp đặt hộp đen, chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể kiểm soát được toàn bộ tình hình hoạt động của xe đang chở hàng bên ngoài như thế nào". Ngoài việc giám sát lộ trình của xe, thiết bị này còn giúp doanh nghiệp hạn chế tình trạng tài xế vi phạm Luật GTĐB, chạy không đúng chỉ tiêu mà công ty đã giao cho từng tài xế...

Cùng quan điểm, ông Hoàng Anh - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Anh (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng: "Nhờ có thiết bị định vị mà những chuyến hàng quan trọng luôn được theo dõi, giám sát chỉ đạo tài xế liên tục, đảm bảo tiến độ và an toàn hàng hoá cho khách hàng". Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh, vì sóng di động ở nhiều vùng, nhiều nơi vẫn còn "chập chờn" nên có những thời điểm, nhiều đầu xe nằm ngoài tầm kiểm soát. Một trong những giá trị mà các doanh nghiệp đầu tư hộp đen rất quan tâm là kiểm soát được tình trạng tiêu hao nhiên liệu không rõ nguyên nhân. Giám đốc một doanh nghiệp vận tải cho biết, từ khi gắn hộp đen, lượng nhiên liệu thất thoát giảm đi trông thấy, ước chừng 4 triệu đồng/xe/tháng. 60% chi phí xăng "tiết kiệm" được Công ty thưởng cho tài xế, 40% lượng xăng còn lại được tính vào phần khấu hao đầu tư thiết bị cho Công ty.

Ông Tạ Công Thuận - Giám đốc Công ty Sản xuất hộp đen Vinh Hiển cho hay, trong số khoảng 10.000 hộp đen mà Công ty Vinh Hiển đã bán ra, giá rẻ nhất là 200 USD/hộp đen, cộng thêm chi phí vận hành hệ thống khoảng 50.000 đồng/hộp đen/tháng thông qua việc đăng ký một tài khoản (account). Hiện nay, một số doanh nghiệp có phương tiện chở hàng thuê bằng xe container, xe tải tham gia kinh doanh vận tải chỉ có trên 5 chiếc, nhưng cũng tự giác thực hiện lắp đặt hộp đen từ rất sớm như: Công ty Vận tải Đạt Phong, Doanh nghiệp Vận tải Hưng Phú, Công ty TNHH Xây dựng vận tải Phú Vân Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Sơn Lâm, Công ty Vận tải hàng hóa Kim Hiệp...

Đối với các doanh nghiệp lớn như Mai Linh, Phương Trang, Thuận Thảo... với hàng trăm đến hàng ngàn đầu xe thì việc đầu tư một hệ thống hộp đen cũng gặp khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Linh - Giám đốc Công ty Định vị Tiên Phong (Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, thị trường GPS ở Việt Nam hiện nay đang thiếu sự kết nối, các công ty đầu tư dàn trải từ A – Z với chi phí đầu tư cao, nên chăng cần có hệ thống máy chủ đầu mối chung tiếp nhận và xử lý dữ liệu GPS, sẽ vừa giúp doanh nghiệp GPS giảm chi phí đầu tư vào máy chủ, từ đó giảm chi phí vận hành cho các đơn vị thuê máy chủ. Nếu có được một nhà cung cấp máy chủ riêng, thì các doanh nghiệp có thể thuê, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: "Việc lắp đặt thiết bị này là một trong các điều kiện bắt buộc khi xem xét để cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Doanh nghiệp chỉ được cấp giấy phép kinh doanh vận tải khi đã được kiểm tra và đảm bảo các xe ôtô kinh doanh vận tải đã được lắp hộp đen hợp quy. Với các trường hợp đã có giấy phép kinh doanh vận tải, doanh nghiệp phải có văn bản cam kết cụ thể lộ trình lắp đặt trình cơ quan quản lý căn cứ điều kiện thực tế của doanh nghiệp để xem xét chấp thuận. Trước khi Luật GTĐB quy định phải lắp đặt hộp đen, đã có một số doanh nghiệp vận tải lớn lắp đặt thiết bị loại định vị vệ tinh (GPS). Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị đang được sử dụng này sẽ phải tích hợp thêm một số tính năng khác mới đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật được quy định. Bởi vì, những tính năng mà doanh nghiệp đang sử dụng mới hướng tới mục đích quản lý hiệu quả khai thác chứ chưa chú ý đến mục tiêu ATGT".

Tác giả: (Theo Báo Bạn đường)