Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải

15/04/2014

Ngày 12 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 08/CT-TTg về các giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ký văn bản số: 1067/ĐKVN về việc thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Văn bản này yêu cầu các đơn vị đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải trong cả nước tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 08 đến tất cả các cán bộ, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm và các khách hàng của đăng kiểm; tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp trọng tâm dưới đây:

1. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và thủ trưởng các đơn vị đăng kiểm:

a. Nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải; chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam trong trường hợp để xảy ra các vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu trong lĩnh vực, đơn vị được phân công theo dõi, chỉ đạo, quản lý. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

b. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị 08 trong lĩnh vực, đơn vị được phân công theo dõi, chỉ đạo, quản lý. Thời gian hoàn thành: tháng 4 năm 2014.

c. Theo chỉ đạo của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, tích cực và chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức đợt tuyên truyền và giáo dục pháp luật về công tác đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải. Thời gian hoàn thành: Quý II năm 2014.

d. Theo sự phân công của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Phó Cục trưởng làm việc với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố để phối hợp tổ chức kiểm tra các đơn vị đăng kiểm do địa phương quản lý và các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa, đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

e. Các Phó Cục trưởng được phân công hoàn thành việc xây dựng dự thảo Quy hoạch hệ thống các trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải trên cả nước và Đề án nâng cao chất lượng, chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm. Thời gian hoàn thành: tháng 5 năm 2014.

2. Các phòng, trung tâm tham mưu giúp việc Cục trưởng của Cục Đăng kiểm Việt Nam:

a. Khẩn trương thực hiện việc rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện các quy định và các thủ tục hành chính về công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải; khắc phục những kẽ hở trong văn bản quy phạm pháp luật và trong thủ tục hành chính, quy trình thực hiện công việc dẫn đến tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác đăng kiểm an toàn kỹ thuật phương tiện. Thời gian hoàn thành: Quý II năm 2014.

b. Tham gia rà soát, đóng góp ý kiến xây dựng Quy hoạch hệ thống các trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải trên cả nước theo đúng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực; và Đề án nâng cao chất lượng, chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm. Thời gian hoàn thành: tháng 5 năm 2014.

c. Lập kế hoạch và tổ chức đợt đào tạo cập nhật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho toàn bộ đội ngũ đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm. Thời gian hoàn thành: Quý III năm 2014.

d. Tổ chức thực hiện và kiểm soát chặt chẽ công việc đăng kiểm do các đơn vị đăng kiểm trong cả nước thực hiện ở tất cả các khâu: thẩm định thiết kế; chứng nhận sản phẩm công nghiệp; đánh giá và công nhận năng lực của cơ sở sản xuất, chế tạo, thử nghiệm, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị giao thông vận tải; giám sát kỹ thuật phương tiện chế tạo mới và nhập khẩu; kiểm tra, đánh giá phương tiện trong quá trình sử dụng. Phát hiện kịp thời các vấn đề không phù hợp để đề xuất các biện pháp xử lý và hành động khắc phục, phòng ngừa cần thiết; đề nghị xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm của tập thể và cá nhân. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

đ. Theo chỉ đạo của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải, Công an, Cảng vụ, cơ quan điều tra tai nạn giao thông trong việc kiểm soát tình trạng kỹ thuật các phương tiện giữa hai kỳ kiểm định; tham gia điều tra, làm rõ các nguyên nhân kỹ thuật có liên quan đến công tác kiểm định của phương tiện giao thông vận tải trong các vụ tai nạn giao thông. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

e. Phòng Chất lượng xe cơ giới:

Tập trung thực hiện tốt việc kiểm định xe cơ giới nhập khẩu và chế tạo trong nước, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các quy định về kiểm soát tải trọng xe. Tăng cường công tác phòng chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác đăng kiểm theo lô các phương tiện nhập khẩu hoặc chế tạo trong nước. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

g. Phòng Kiểm định xe cơ giới:

Hoàn thiện hệ thống camera giám sát, truyền dữ liệu từ tất cả các Trung tâm đăng kiểm về Cục Đăng kiểm Việt Nam, đồng thời, chuyển dữ liệu về Thanh tra Bộ Giao thông vận tải để thường xuyên giám sát. Thời gian hoàn thành: Quý II năm 2014.

Thực hiện chặt chẽ công tác giám sát trực tiếp, giám sát qua hệ thống camera, hậu kiểm các hoạt động nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện và đề nghị xử lý theo đúng quy định các trường hợp xe cơi nới, cải tạo để tăng sức chở bất hợp pháp. Tập trung thực hiện thành công Đề án Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

h. Phòng Tàu biển, Tàu sông và Trung tâm Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng và an toàn:

Tăng cường chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm tra, đánh giá các tàu chở khách, tàu chở hàng nguy hiểm, tàu cao tốc, tàu nhiều tuổi, tàu có tình trạng kỹ thuật hạn chế và tàu hoạt động tuyến quốc tế. Cương quyết không cấp hoặc đề nghị Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm của các tàu không đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, an ninh hàng hải và lao động hàng hải. Cương quyết chống tiêu cực, những nhiễu trong công tác đăng kiểm tàu biển và tàu sông. Tập trung thực hiện thành công Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo-Mou vào cuối năm 2014, và Đề án Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Quy trách nhiệm và đề nghị xử lý nghiêm đăng kiểm viên, đánh giá viên, nhân viên nghiệp vụ và quy trách nhiệm người đứng đầu liên quan đến khiếm khuyết dẫn đến việc tàu bị lưu giữ PSC. Thời gian thực hiện: thực hiện thực hiện thường xuyên.

i. Phòng Công nghiệp:

Nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá và chứng nhận các loại máy, vật liệu và trang thiết bị sử dụng trong chế tạo và sửa chữa phương tiện, thiết bị giao thông vận tải; tăng cường vai trò kiểm soát đối với hoạt động chứng nhận sản phẩm công nghiệp do các đơn vị đăng kiểm trong cả nước thực hiện, phát hiện và đề xuất xử lý thích đáng các vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu. Thời gian thực hiện: thực hiện thực hiện thường xuyên.

k. Phòng Tổ chức cán bộ:

Tham mưa đề xuất Cuc trưởng thực hiện thường xuyên công tác luân chuyển, bố trí hợp lý cán bộ, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm nhằm ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, lưu ý đối với những người làm công tác đăng kiểm tàu biển, phương tiện thủy nội địa và đăng kiểm theo lô phương tiện nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước. Theo dõi, kịp thời phát hiện gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ cán bộ, nhân viên đăng kiểm, đặc biệt là trong công tác chống tiêu cực, nhũng nhiễu để đề xuất các hình thức khen thưởng, động viên thỏa đáng. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

Hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế trả lương, thưởng nhằm khuyến khích người lao động nâng cao chất lượng công việc, chống vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, trình ký ban hành. Thời gian hoàn thành: tháng 5 năm 2014.

l. Bộ phận kiểm soát, giám sát chuyên ngành của Cục:

Tăng cường công tác kiểm soát, giám sát thường xuyên và đột xuất, đặc biệt lưu ý việc hậu kiểm các phương tiện vừa mới hoàn thành kiểm định để có biện pháp hiệu quả nhằm kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý nghiêm các sai phạm của trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm trong thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm của người đứng đầu; đề nghị đình chỉ hoạt động của các trung tâm đăng kiểm không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực hoặc có vi phạm nghiêm trọng trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

3. Các đơn vị đăng kiểm trong cả nước:

a. Hoàn thành việc rà soát, trang bị bổ sung để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực của đơn vị đăng kiểm. Thời gian hoàn thành: Quý II năm 2014.

b. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ; giám sát chặt chẽ hoạt động hàng ngày của đơn vị; cương quyết chống các hành vi vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác kiểm định. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

c. Tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện, thiết bị giao thông vận tải theo đúng quy định. Cương quyết dừng hoạt động giám sát kỹ thuật tại các cơ sở sản xuất, chế tạo, thử nghiệm, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị giao thông vận tải không tuân thủ đầy đủ các quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và hệ thống quản lý. Không cấp, thu hồi hoặc đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm của các phương tiện không đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

d. Tất cả các đơn vị đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải phải duy đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của khách hàng, người dân về công tác đăng kiểm. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

đ. Làm tốt công tác nghiệp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác đăng kiểm phương tiện đến các tổ chức, cá nhân liên quan đến thiết kế, chế tạo phương tiện và hoạt động kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện các quy định của pháp luật liên quan bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện và phòng chống các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác đăng kiểm. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

4. Các đăng kiểm viên, đánh giá viên và nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm:

Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ, nhân viên đăng kiểm; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; chủ động và tích cực trong công tác phòng, chống vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác đăng kiểm. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên.

5. Giao đồng chí Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Cương chỉ đạo bộ phận kiểm soát, giám sát chuyên ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các phòng, trung tâm và các đơn vị đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải trong cả nước, định kỳ tổng hợp báo cáo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Chi tiết văn bản Chỉ thị của Thủ tướng và Chỉ đạo của Cục trưởng xin mời nhấn vào đây.

Tác giả: Phòng HTQT - VR