Ảnh hưởng của áp suất đến an toàn khi vận hành xe

22/06/2011

Đảm bảo áp suất lốp xe là nhân tố có tác động đáng kể đến độ bền của lốp, an toàn khi vận hành và mức tiêu thụ nhiên liệu của xe.

Việc kiểm tra đảm bảo áp suất lốp xe cần thực hiện thường xuyên trước mỗi hành trình đưa xe vào tham gia giao thông vì áp suất lốp là nhân tố có tác động đáng kể đến độ bền của lốp, an toàn khi vận hành cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu của xe.

Khi áp suất lốp quá cao so với quy định, chỉ có phần giữa của lớp ta lông tiếp xúc với mặt đường dẫn đến tình trạng tiếp xúc kém và lớp ta lông ở giữa sẽ bị mòn rất nhanh (hiện tượng này sẽ trở lên trầm trọng hơn khi xe chuyển động trên đường cao tốc do vận tốc góc của bánh xe khi đó rất lớn).


Ba tình trạng của lốp: thiếu hơi, đủ hơi, thừa hơi.

Nếu áp suất lốp quá cao sẽ làm cho lốp dễ bị hư hỏng (nhất là khi xe chở quá tải và tình trạng kỹ thuật của lốp không đảm bảo). Ngoài ra, áp suất lốp quá cao còn gây quá tải đối với lò xo và giảm chấn của hệ thống treo và do vậy sẽ ảnh hưởng đến độ êm dịu chuyển động và tính an toàn.

Khi áp suất lốp quá thấp (so với quy định của nhà sản xuất), khung lốp bị xẹp và vai lốp bị mòn rất nhanh. Sự biến dạng của lốp sẽ làm tăng mạnh nhiệt độ bên trong lốp (có thể làm cho lớp ta lông bị bong khỏi lớp khung lốp). Khi chuyển động trên đường cao tốc, kết hợp với nhiệt độ cao trên bề mặt lốp (do ma sát của lốp với mặt đường) sẽ làm cho lốp dễ bị hư hỏng. Áp suất lốp thấp cũng tác động đáng kể đến độ ổn định lái.

Hơn nữa, khi áp suất lốp quá thấp, lốp không duy trì được sự tiếp xúc tối ưu với bề mặt đường nên sẽ làm tăng sức cản lăn.

Nếu hiểu những chiếc lốp xe, bạn có thể kéo dài tuổi thọ và đảm bảo an toàn khi vận hành xe.

Tác giả: Phòng VAR - VR