Từ ngày 1/1/2022, tất cả ô tô lắp ráp hay nhập khẩu mới về Việt Nam đều phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) với các yêu cầu khắt khe hơn. Lộ trình này đã được đặt ra từ sớm, cho thấy tầm nhìn và chiến lược của lãnh đạo đất nước trong việc chung tay cùng toàn cầu bảo vệ môi trường.
Thực tế, nhiều hãng xe kinh doanh tại Việt Nam "chạy" trước chuẩn, thậm chí còn đẩy mạnh phát triển xe "xanh". Trên thế giới, xe thuần điện đang tỏ ra chiếm ưu thế. Tuy nhiên xe nào thực sự "xanh" trong điều kiện sử dụng tại Việt Nam, phù hợp với đặc điểm về giao thông, hạ tầng, thói quen sử dụng… lại cần đi tìm câu trả lời riêng.
Xe thuần điện tại Việt Nam không "sạch" như tưởng
Xe động cơ đốt trong sử dụng xăng dầu, chắc chắn sẽ phát thải khí CO2. Để có nguồn nhiên liệu ấy, quá trình chế biến và vận chuyển cũng phát thải CO2.
Trong khi đó, xe thuần điện (BEV - xe sử dụng pin) phát thải CO2 bằng 0 trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên để tạo ra nguồn điện ấy cũng như để tạo ra chiếc xe BEV thì lại thải ra môi trường nhiều CO2, do trong cơ cấu nguồn năng lượng điện tại Việt Nam thì điện từ than đá và khí đốt vẫn chiếm tỉ trọng cao.
Trong cơ cấu điện năng sản xuất toàn quốc năm 2020, nhiệt điện than đóng góp tỷ trọng lớn nhất 50%, đứng thứ 2 thuộc về nguồn thủy điện chiếm 29,5% và thứ ba là nhiệt điện khí chiếm 14%. Điện mặt trời chỉ chiếm 4,4%, nhập khẩu chiếm 1,2%, còn lại 1% từ dầu và năng lượng tái tạo khác. Ước tính đến 2030 thì điện từ nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm cao.
Mặc dù xe BEV không trực tiếp đốt xăng dầu trong động cơ nhưng nguồn điện được sản xuất ra lấy chủ yếu từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Và do đó, xe BEV không chắc đã "sạch" bằng xe động cơ đốt trong.
Như vậy, xe thuần điện cho cảm giác "xanh" tuyệt đối từ góc độ người dùng cuối, song xét trên tổng thể tác động với môi trường trong điều kiện tại Việt Nam thì vẫn phát thải ra CO2, thậm chí nhiều hơn so với xe động cơ đốt trong.
Ô tô hybrid - Lựa chọn phù hợp tại Việt Nam
Hiện nay, Toyota là hãng có doanh số xe điện hóa cao nhất thế giới, đã phát triển và đưa vào sử dụng đồng thời cả 4 loại là HEV, PHEV, BEV và FCEV (xe điện pin nhiên liệu). Tuy nhiên việc sử dụng sản phẩm nào, ở đâu lại phụ thuộc vào điều kiện của mỗi nước để từ đó có lựa chọn phù hợp cho mục tiêu giảm phát thải ra môi trường.
Cụ thể, hãng xe Nhật Bản đã bán ra 16 triệu xe điện hóa. Theo Toyota, trong số này thì xe hybrid không sạc ngoài (HEV) đạt 1,91 triệu xe, tăng gần 3% so với năm 2019 dù ảnh hưởng của đại dịch. Xét theo đặc điểm của Việt Nam, Toyota cũng đã đưa xe hybrid tới người dùng trong nước và ghi nhận những tín hiệu rất tích cực.
Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho thấy, lượng xe điện hóa (HEV, PHEV và BEV) ở Việt Nam hiện chiếm rất ít. Năm 2019 mới là 140 xe, năm 2020 tăng lên 900 xe và hết quý I/2021 là 600 xe điện hóa. Trong số này, hầu hết xe HEV, trong khi lượng xe PHEV và BEV chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Ưu điểm của xe hybrid là tiết kiệm nhiên liệu, mức khí xả thấp, vận hành mượt mà và mạnh mẽ, đồng thời êm ái và yên tĩnh. Đặc biệt, xe hybrid có thể tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải CO2 từ 1,5 đến 2 lần so với các xe thông thường nên rất thân thiện với môi trường.
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn các dòng xe điện khí hóa để ưu tiên trong mục tiêu trung hòa carbon, giảm phát thải của Việt Nam cần phải phù hợp với hiện trạng của mình. Nhìn vào đó có thể thấy xe hybrid được xem là bước chuyển cần thiết.
Corolla Cross phiên bản HV được xem là xe hybrid phổ thông đầu tiên bán đại trà ở Việt Nam. Sản phẩm này đã nhanh chóng được khách hàng đón nhận với doanh số tính đến tháng 10/2021 ước đạt khoảng 2.000 xe, vượt kỳ vọng của Toyota Việt Nam.
Còn thế hệ Corolla Cross nói chung cũng là dòng ô tô được người dùng trong nước đặc biệt đón nhận. Doanh số cộng dồn đến tháng 10 năm nay đạt 16.515 chiếc, liên tục nằm trong danh sách xe có doanh số cao. Chỉ tính riêng tháng vừa rồi, đã có 2.402 xe tới tay khách hàng, đưa Corolla Cross vào trong top 3 ô tô bán chạy nhất toàn thị trường xe Việt Nam.