Làm sạch môi trường biển
Theo kế hoạch ban đầu, ngay sau sự kiện ở Hà Nội vào tháng trước, Hoạt động thí điểm “Thu gom rác thải bằng tàu cá: Thúc đẩy mô hình thu gom tự nguyện rác thải biển của cộng đồng ngư dân” sẽ được triển khai ngay tại cảng cá Dân Phước, tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, kế hoạch này buộc phải lùi lại.
"Trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” Expertise France phối hợp với Vinafis, Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai thí điểm mô hình “Thu gom rác thải bằng tàu cá: Thúc đẩy mô hình thu gom tự nguyện rác thải biển của cộng đồng ngư dân” tại Việt Nam trên cơ sở mô hình thu gom rác thải bằng tàu cá đã được triển khai tại một số nước Đông Nam Á".
“Chúng tôi đang tập trung chuẩn bị các điều kiện vật chất thiết yếu để sẵn sàng triển khai hoạt động thí điểm khi dịch được khống chế. Chúng tôi cũng chuẩn bị một số trang thiết bị như quần áo bảo hộ, lưới kéo… để phục vụ công tác thu gom rác thải biển. Bên cạnh đó, chúng tôi đang thống nhất phương án quản lý rác thải được thu gom về cảng. Hiện tại, phương án tối ưu nhất là xây các bể chứa rác tại cảng”, ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Ban Phát triển thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam - Vinafis), đồng thời là chuyên gia tư vấn cho hoạt động thí điểm này chia sẻ.
Hoạt động thí điểm sẽ khuyến khích và xây dựng một đội ngư dân xung kích tại cảng cá Dân Phước tham gia thu gom rác thải nhựa từ biển và đưa về đất liền để xử lý và tái chế, thông qua một chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức cho ngư dân về các tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, sinh vật biển và con người.
Bà Fanny Quertamp, chuyên gia tư vấn cao cấp của Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa" tại Việt Nam thuộc Expertise France cho biết: “Chúng tôi hy vọng, hoạt động thí điểm sẽ được triển khai thành công, được nhân rộng ở nhiều nơi, góp phần giúp Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030”.
Theo ông Cương, nếu hoạt động thí điểm được triển khai theo đúng kế hoạch, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á có thể báo cáo chính xác số liệu thống kê về số phận rác thải dưới đáy đại dương (dựa trên số liệu liên quan đến rác thải ngư dân thu gom được), rác thải nhựa, lượng rác một tàu có trung bình 5 người thu gom được trong một chuyến biển, lượng chất thải trung bình hàng ngày mà một ngư dân thải ra môi trường.
“Để triển khai hoạt động một cách bài bản, theo một lộ trình thống nhất, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn về thu gom và phân loại rác thải biển cho 50 ngư dân, đồng thời thành lập đội ngư dân xung kích với sự tham gia của 30 tàu với 150 ngư dân. Tuy nhiên, điều các chuyên gia trăn trở là làm sao để có kinh phí hỗ trợ ngư dân thu gom rác thải từ biển về đất liền. Đây cũng là yếu tố giúp triển khai thành công hoạt động thí điểm, cũng như duy trì hoạt động thu gom rác thải biển khi hoạt động thí điểm kết thúc”, ông Cương chia sẻ.
Theo ông Cương, cần cân đối tài chính để chi trả cho những ngư dân đóng vai trò là lao công thu gom rác thải trên biển. Trên đất liền, lao công đều có thu nhập, vậy tại sao không áp dụng cơ chế này cho những người lao công làm việc trên biển. Trước mắt, có thể kêu gọi sự tham gia tình nguyện của ngư dân, nhưng để duy trì lâu dài là một câu hỏi khó, bởi các ngư dân còn phải lo gánh nặng cơm áo gạo tiền cho gia đình. Và tất nhiên, họ sẽ hào hứng hơn với việc thu gom rác thải nhựa trên biển nếu được trả thù lao.
Dự kiến, sau khi kết thúc hoạt động thí điểm, Vinafis sẽ đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng một phần thuế môi trường đối với túi ni lông để duy trì hoạt động thu gom rác thải nhựa trên biển.
Kiểm soát rác thải nhựa tại nguồn
Kiểm soát rác thải nhựa tại nguồn là một trong những giải pháp được đưa ra trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa trên biển đến năm 2030, nhằm ngăn chặn việc xả rác thải ra đại dương. Phần lớn rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động của con người trôi ra sông ngòi, rồi trôi ra biển. Trong số này có một phần chất thải nhựa từ tàu biển.
Thông thường, trong quá trình vận hành, tàu biển thải ra rất nhiều loại rác thải khác nhau, như các chất thải lẫn dầu, chất thải sinh hoạt và các chất thải khác, trong đó có rác thải nhựa. Trong trường hợp các chất thải này không được thu gom, xử lý đúng cách và kịp thời, chúng có thể sẽ bị thải trái phép ra đại dương và sẽ tác động lâu dài tới môi trường.
Vấn đề đặt ra đối với việc thu gom rác thải tại nguồn là một số chất thải nguy hại, rác thải nhựa thuộc diện cấm xả ra biển phải được thu gom trực tiếp tại cảng, sau đó đưa đến các cơ sở xử lý thích hợp. Quá trình này cần có sự tham gia của nhiều bên, với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước. Để làm được như vậy, cần có kế hoạch cụ thể và sự phối hợp nhịp nhàng.
Phản ánh những vướng mắc về quản lý thu gom rác tại cảng, bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó giám đốc marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, trung bình mỗi ngày, cảng Cát Lái đón 8-9 lượt tàu. Hiện cảng đã gửi quy trình xử lý chất thải cho các tàu và yêu cầu tuân thủ. Tuy hệ thống vận hành khá trơn tru, nhưng vẫn không tránh khỏi những bất cập.
“Cảng đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom rác tại cảng. Đơn vị quản lý cảng yêu cầu chủ tàu phân loại rác tại nguồn, đặt các thùng rác để tạo thuận lợi cho việc phân loại rác thành 3 nhóm: rác hữu cơ dễ phân hủy, rác có thể tái chế và các loại rác còn lại. Tuy nhiên, thành thật mà nói thì nhận thức của các chủ tàu vẫn chưa cao”, bà Vân cho biết.
Nhận thức được yêu cầu cấp bách của công tác quản lý chất thải tàu biển tại cảng và với mục tiêu ngăn chặn tình trạng xả trái phép chất thải từ tàu ra môi trường biển, Expertise France đang phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam triển khai Hoạt động thí điểm “Quản lý chất thải từ tàu” tại cảng Cát Lái (TP.HCM), với mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng tại các cảng biển khác của Việt Nam, sau khi kết thúc Hoạt động thí điểm.
Bà Trần Thị Tú Anh, Phó trưởng phòng Phòng Khoa học công nghệ và môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hoạt động thí điểm kéo dài từ tháng 4/2020 đến tháng 2/2022 và đến nay đã hoàn thành giai đoạn I. Chuyên gia tư vấn đã thực hiện tổng hợp và đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải từ tàu biển tại cảng biển, cũng như rà soát các quy trình thực hiện tại cảng Tân Cảng - Cát Lái, để từ đó xác định được những thông lệ, cách làm hay và hiệu quả nhất đã được áp dụng tại cảng biển châu Âu và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Ngoài ra, chuyên gia tư vấn cũng đề xuất khuyến nghị nhằm cải thiện hệ thống thông báo chất thải, qua đó các tàu có thể báo cáo trước về loại và khối lượng chất thải mà họ sẽ chuyển đến cơ sở tiếp nhận của cảng. Đồng thời, chuyên gia tư vấn đề xuất thiết kế một hệ thống thu hồi chi phí phát sinh (phí chất thải) và sẽ xây dựng Sổ tay quản lý chất thải từ tàu để hướng dẫn cho người điều hành tàu và các bên liên quan khác.
Trong giai đoạn II, hoạt động thí điểm sẽ triển khai một số khuyến nghị như nâng cấp hệ thống thông báo chất thải, xây dựng Sổ tay quản lý chất thải từ tàu và tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân sự tham gia quá trình thu gom xử lý chất thải. Kết quả của giai đoạn II sẽ là cơ sở để đưa ra các đề xuất sửa đổi khung pháp lý hiện hành của Việt Nam về quản lý chất thải từ tàu biển.
Sau khi triển khai thành công, Expertise France sẽ phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể nhằm phổ biến các bài học kinh nghiệm từ cảng Cát Lái đến các cảng khác của Việt Nam.