Làn sóng số hóa sẽ là yếu tố thay đổi môi trường vận tải biển

31/01/2018

Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có hơn nửa số tàu biển có kết nối Internet, và thực tế này cần được thay đổi. Hạ tầng công nghệ số - một phần tất yếu của kỷ nguyên số - đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực vận tải biển…

Đây sẽ là một trong những chủ đề được đưa ra chia sẻ tại Hội thảo - Triển lãm Hàng Hải Châu Á (APM) lần thứ 15 - sự kiện lớn và uy tín nhất trong lĩnh vực hàng hải, đóng tàu, tàu công nghiệp và ngoài khơi tại Đông Nam Á, dự kiến tổ chức tại Marina Bay Sands, Singapore từ ngày 14 - 16/3/2018, với sự tham dự của hơn 1.500 doanh nghiệp đến từ 60 quốc gia, cũng như hơn 15.000 đại biểu tham dự từ Châu Á.

Những thông tin trên được đưa ra trong buổi tọa đàm chuyên đề vừa được tổ chức tại Hà Nội. Với chủ đề “Nâng cao năng lực Hàng hải Việt Nam tại Triển lãm Hàng Hải Châu Á 2018”, các diễn giả tại buổi tọa đàm đã thảo luận về những bước tiến của ngành hàng hải Việt Nam trong những năm gần đây, những cơ hội và thách thức trong ngành, cũng như làm thế nào các công ty vận tai biển Việt Nam và các bên liên quan có thể hợp tác nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của đội tàu Việt Nam.

Là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, Việt Nam đã có những cải tiến đáng kể trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng để trở thành con hổ tiếp theo của Châu Á. Trong năm 2017, GDP của Việt Nam đã tăng ở mức kỷ lục 6.81%, và được dự đoán sẽ tăng 6,1% trong năm 2018. Là phương thức vận tải có chi phí thấp nhất, vận tải biển hiện đảm nhận vận chuyển đến 90%  lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và  đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế Việt Nam.  Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của ngành hàng hải Việt Nam sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn tới các lĩnh vực kinh tế biển, du lịch và thương mại, từ đó góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và ổn định hơn nữa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong năm 2017, vận tải biển Việt Nam tăng trưởng 6%, đạt 130,9 triệu tấn và đã đảm nhận 100% vận tải nội địa container bằng đường biển. Tính đến thời điểm tháng 5/2017, đội tàu biển Việt Nam đã sở hữu 1406 tàu chở hàng. Tuy nhiên, ngành vận tải biển Việt Nam vẫn còn đang đối mặt với rất nhiều thách thức về công nghệ, hiệu suất hoạt động, khả năng tiếp cận nguồn vốn, cũng như năng lực để đáp ứng nhu cầu vận tải từ các thị trường mới. 

Theo ông Nguyễn Tất Hoàn, Phó Giám đốc PVEP POC phụ trách vận hành và khai thác mỏ kiêm Chủ tịch công ty đóng tàu Du thuyền Ngựa Biển, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cần đổi mới đội tàu nhằm cắt giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh.  Là chuyên gia hàng đầu về composite, Ông Hoàn cho biết: “Với nhiều ưu điểm như độ bền cao, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng thấp, composite là lựa chọn lý tưởng và phù hợp về mặt chi phí cho các chủ tàu Việt Nam.  APM 2018 sẽ là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam học hỏi về những công nghệ đóng tàu mới từ các doanh nghiệp đóng tàu hàng đầu khu vực”.

Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Trong vài năm gần đây, các chủ tàu và công ty quản lý tàu biển Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng trong việc bảo dưỡng, quản lý và duy trì tình trạng kỹ thuật đội tàu.  Đặt biệt, từ năm 2014 cho đến nay, đội tàu biển Việt Nam đã được xếp ở Danh sách trắng của Tokyo - MOU.  Điều này đã nâng cao uy tín, an toàn, an ninh, lao động hàng hải, bảo vệ môi trường biển, nhờ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của đội tàu biển Việt Nam.  Tôi tin rằng, cùng với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, cũng như nỗ lực vượt khó và quyết tâm hiện đại hóa của các doanh nghiệp vận tải biển, đội tàu biển Việt Nam sẽ ngày càng phát triển về lượng và chất để đáp ứng nhu cầu vận tải biển ngày càng gia tăng trong nước và quốc tế.”

Phát biểu tại hội thảo, bà Xue Hua, Tổng giám đốc Weichai Singapore cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện tại, nền kinh tế Việt Nam dự đoán sẽ tiếp tục phải đối mặt với những bất ổn mới từ các chính sách tiền tệ đối với nhiều ngành nghề phát triển.  Tuy nhiên, với dự báo tăng trưởng GDP khả quan, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải được dự đoán sẽ đóng góp phần lớn tới nền kinh tế Việt Nam vào năm 2020”.

“Trong bối cảnh Châu Á tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế toàn cầu, chúng ta cần phải lắng nghe và hiểu rõ những nhu cầu đặc thù của ngành hàng hải thông qua việc kết nối những doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thúc đấy đối thoại.  APM 2018 sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xúc tiến các cơ hội kinh doanh mới, thông qua các cuộc hội thảo chuyên ngành, các triển lãm giới thiệu những sản phẩm và dịch vụ tối ưu nhất, cũng như các buổi giao lưu doanh nghiệp” - bà Yeow Hui Leng, Giám đốc dự án cao cấp, Triển lãm Hàng hải Châu Á chia sẻ. “Ngành hàng hải Việt Nam còn vô số tiềm năng chưa được khai phá, và chúng tôi rất vui được mang APM 2018 tới cộng đồng hàng hải Việt Nam và ngược lại”.

Được biết, nhằm truyền cảm hứng tới các chuyên gia hàng hải trong khu vực, APM 2018 sẽ là địa điểm lý tưởng cho việc gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng và xây dựng các mối quan hệ giao thương của cộng đồng hàng hải và ngoài khơi châu Á. Tại hội thảo APM 2018, các chuyên gia sẽ thảo luận những vấn đề nóng như Tìm hiểu về sự phát triển và tiềm năng ngành hàng hải Việt Nam; Tiềm năng thị trường Việt Nam trong bối cảnh các kế hoạch phát triển đã được triển khai; Khám phá tiềm năng ngành công nghiệp đóng tàu, và tại sao ngành đóng tàu Việt Nam đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực; Những xu hướng công nghệ mới giúp phát triển cảng biển Việt Nam...

Trong bối cảnh ngành vận tải biển toàn cầu đang đứng trước làn sóng số hóa, diễn đàn Lãnh đạo APM cũng sẽ phân tích một trong những vấn đề nóng của ngành. Để đạt được lợi ích từ số hóa, ngành hàng hải cần giải quyết nhiều thách thức cụ thể. “Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có hơn nửa số tàu biển có kết nối Internet, và thực tế này cần được thay đổi.  Hạ tầng công nghệ số - một phần tất yếu của kỷ nguyên số - đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực vận tải biển. Tuy nhiên, yếu tố phức tạp của việc kết nối ngoài khơi đã trở thành rào cản trong việc ứng dụng các công nghệ mới mà các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác đã sử dụng trên diện rộng” - bà Adamson cho biết. “Mặc dù vậy, ngành hàng hải đã sẵn sàng cho những đột phát công nghệ từ các công ty có bộ máy gọn nhẹ, lấy khách hàng làm trọng tâm, có thể nhìn ra các vấn đề lớn và tìm cách giải quyết chúng bằng những công nghệ và mô hình mới.  Có vô vàn cơ hội để hợp tác và kiến tạo giá trị mới”.

Tác giả: Hiền Mai