Bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Ban, Cục trưởng VR, tại Đại hội Hiệp hội Chủ tàu VN lần thứ III

02/12/2002

Thưa ông Chủ tịch

Thưa toàn thể Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam

Thưa các đồng chí đại biểu và các bạn!

Tôi rất vinh dự được mời tham dự Hội nghị này và cám ơn ông Chủ tịch đã dành cho tôi một chút thời gian để giới thiệu về Đăng kiểm Việt Nam và đề nghị của chúng tôi đối với Hội nghị.

Thay mặt Đăng kiểm Việt Nam - những người làm công tác bảo vệ an toàn sinh mạng con người trên biển, bảo vệ tài sản và môi trường biển, tôi xin kính chúc Đại hội Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam nhiệm kỳ thứ III thành công tốt đẹp.

1. Một số nét về hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR). Đăng kiểm Việt Nam, viết tắt là VR, thành lập năm 1964 - Là cơ quan quản lý chuyên ngành về chất lượng, an toàn đối với tất cả các loại phương tiện vận tải của Việt Nam, đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện công tác giám sát kỹ thuật, chứng nhận chất lượng - an toàn cho tàu thuỷ (tàu biển, tàu sông, tàu cá), công trình biển, phương tiện giao thông đường bộ (ôtô, xe máy), đường sắt (đầu máy, toa xe), đánh giá và chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn Quốc tế theo ISM Code, Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO-9000 và Hệ thống quản lý môi trường theo ISO-14000. VR đồng thời là tổ chức phân cấp tàu thuỷ duy nhất ở Việt Nam được Quốc hội và Chính phủ uỷ toàn quyền việc kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn theo qui định của Công ước quốc tế và các qui định của quốc gia cho các tàu treo cờ Việt Nam.

Hoạt động của VR nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng người, tài sản và bảo vệ môi trường, không vì mục đích lợi nhuận.

Cũng giống như các cơ quan Đăng kiểm khác trên thế giới, VR đã xây dựng và được Nhà nước ban hành cho áp dụng một hệ thống các Qui phạm phân cấp và đóng tàu biển (tàu hàng, tàu dầu, tàu khách, tàu hàng rời, tàu chở khí hoá lỏng, tàu container,...) các công trình thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi (dàn khoan di động, dàn khoan cố định, hệ thống đường ống dẫn dầu, khí, kho chứa dầu nổi..) bằng 2 thứ tiếng Việt và tiếng Anh, được xuất bản dưới cả 2 dạng: Sách và đĩa CDROM. Hệ thống Qui phạm này đã cập nhật được những yêu cầu mới nhất của Công ước quốc tế về an toàn do IMO đề ra. Yêu cầu kĩ thuật, an toàn và nội dung cũng giống như Qui phạm của các cơ quan Đăng kiểm thành viên của IACS.

Đi kèm với Hệ thống Quy phạm này, là một hệ thống các chương trình tính toán-Kiểm nghiệm độ bền, tính năng, ổn định, chống chìm, dung tích v.v... của tàu biển, công trình biển trên máy tính điện tử. Hệ thống chương trình này giúp chúng ta đánh giá được khả năng an toàn và chất lượng của tàu được thiết kế, đóng mới hoặc đang khai thác. Đây là một cố gắng rất lớn của toàn ngành chúng tôi hơn 7 năm qua đã áp dụng những công nghệ tiên tiến để phục vụ cơ quan thiết kế, đóng mới, sửa chữa và sử dụng tàu biển.

Hệ thống các Công ước quốc tế: TONNAGE 69, MARPOL 73/78, SOLAS-74/78 phiên bản năm 2002, đã được VR dịch, xuất bản. Kèm theo các Công ước này là một Hệ thống các Hướng dẫn áp dụng được xây dựng trên cơ sở tham khảo qui định của các nước thành viên IMO và các cơ quan Đăng kiểm thành viên của IACS, đã được Bộ Giao thông thông qua.

Trong công tác quản lý kỹ thuật đội tàu, sau 5 năm thử nghiệm, năm 2002 đã chính thức đưa vào hoạt động, thống nhất quản lý tàu biển trên mạng Internet. Về nội dung các số liệu trong hệ thống này là tương đương với các đăng kiểm thành viên IACS, và có phần hơn hẳn các cơ quan Đăng kiểm XHCN trước đây. Hệ thống số liệu ở trong mạng này giúp cho cơ quan Đăng kiểm và Đăng kiểm viên chúng tôi biết được các công việc chuẩn bị kiểm tra, nội dung và cách thức kiểm tra với những thông tin và hướng dẫn cần thiết, quản lý điều hành công tác đăng kiểm trong toàn ngành; giúp cho Chủ tàu nắm được trạng thái kỹ thuật, các khiếm khuyết, thời hạn kiểm tra, để chủ động lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra; giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước về Hàng hải, Cảng vụ và Bảo hiểm tra cứu thông tin về tàu biển của Việt Nam.

Công tác giám sát kỹ thuật đóng mới và đang khai thác phương tiện thuỷ và công trình biển do 150 chuyên viên tại Văn phòng TW, 50 đăng kiểm tàu biển quốc tế (trong đó có 30 đăng kiểm viên vừa làm cho VR vừa làm cho cơ quan Đăng kiểm nước ngoài khi tàu ở Việt Nam và cả ở một số nước Đông Nam Á), 15 Đánh giá viên và Đánh giá viên trưởng được đào tạo tại các cơ quan Đăng kiểm nước ngoài, và 150 đăng kiểm viên các loại khác thực hiện ở Việt Nam, VR là cơ quan đầu tiên xây dựng và được bên thứ 3 chứng nhận là đã xây dựng và đang thực hành có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO.9001 và qui định của IACS.

Hiện nay, đội tàu biển treo cờ Việt Nam là : 697 chiếc, tổng dung tích 1,511.184, trọng tải 2.284.012 tấn DWT. Trong đó số tàu do VR trực tiếp phân cấp và chứng nhận là 640 chiếc, tổng dung tích 1,060.913 (70%GT), trọng tải: 1,676.016 tấn DWT (73% DWT), trong đó có 8 tàu treo cờ nước ngoài; và hơn 75.000 tàu sông và ven biển.

VR đang kiểm tra và chứng nhận cho 23 dàn khoan cố định, 03 dàn khoan di động, 04 tàu chứa dầu, hợp tác cùng cơ quan Đăng kiểm Anh (LR), Mỹ (ABS) và Nauy (DnV), kiểm tra và chứng nhận cho các công trình thăm dò và khai thác dầu khí khác đang tiến hành trên vùng biển Việt Nam.

VR đã tư vấn, đánh giá và chứng nhận theo ISM Code cho 45 Công ty vận tải biển và 150 tàu biển chạy tuyến quốc tế (trong đó có 2 Công ty nước ngoài).

Ngoài ra, VR còn có 1 Trung tâm tư vấn - đánh giá chứng nhận các doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 9000 và ISO 14000. Hiện nay chúng tôi đang tư vấn và đánh giá cho các Doanh nghiệp đóng tàu, ô tô và vận tải của Việt Nam.

VR đã có thoả thuận hợp tác và thay thế lẫn nhau với 22 Tổ chức ĐK nước ngoài, trong đó có tất cả các cơ quan Đăng kiểm thành viên của IACS.

2. Một số đề nghị của Đăng kiểm Việt Nam.

Trong Hội nghị này, tôi xin phép được trình bày với các đồng chí một số đề nghị sau đây :

a) Về tàu Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài:

Trong hai năm qua tàu biển mang cấp của VR bị lưu giữ ở các Cảng nước ngoài luôn ở mức cao, chúng tôi chia sẻ trách nhiệm này cùng với các bạn trước thực trạng đội tàu biển chạy tuyến quốc tế mang cấp của VR đã rất già và ngày càng già thêm. Chủ tàu nhỏ chiếm đa số, năng lực tài chính eo hẹp, khả năng bảo dưỡng, trang bị lại để duy trì trạng thái tàu ở mức hạn chế... luôn là nguy cơ tiềm ẩn phát sinh những khiếm khuyết dẫn đến tàu bị lưu giữ giữa hai lần kiểm tra cấp Giấy chứng nhận. Đội tàu mang cấp của VR đáng ra phải luôn được bổ sung vào Sổ đăng ký của mình những con tàu mới, hiện đại, có trạng thái kỹ thuật tốt. Nhưng tình hình hiện nay lại phát triển theo chiều hướng ngược lại, tính đến 1.7.2002 Việt Nam có 185 tàu biển chạy tuyến quốc tế thì:

+ 54 tàu mang cấp của ĐK nước ngoài, tuổi tàu bình quân : 13 năm.

+ 131 tàu mang cấp của VR, tuổi tàu bình quân : 20,55 năm trong đó gần 100 tàu có xuất xứ từ nước ngoài bình quân 23,55 tuổi, có 5 chiếc 36 tuổi. 32 tàu có tuổi bình quân 10 tuổi, đóng trong nước trong thời kỳ bao cấp 1986-1992 có nhiều khiếm khuyết khó khắc phục.

Những tàu tốt mua của nước ngoài, hầu hết Chủ tàu đề nghị mang cấp của Đăng kiểm nước ngoài, tàu sắp thanh lý hoặc có trạng thái kỹ thuật kém không có khả năng duy trì cấp tàu thì mới chuyển sang Đăng kiểm Việt Nam. Khác hẳn với các cơ quan Đăng kiểm nước ngoài, Đăng kiểm Việt nam đang phải phân cấp một đội tàu biển chạy tuyến quốc tế có tuổi tàu già nhất, khả năng duy trì trạng thái phù hợp với các yêu cầu của Công ước có nhiều khó khăn nhất, nếu không muốn nói rằng, VR luôn luôn phải đăng kiểm những con tàu kém chất lượng. Quả thực đây là một thách thức rất lớn đối với Đăng kiểm Việt Nam chúng tôi.

Năm 2000 và 2001, số lượng tàu Việt Nam bị lưu giữ, gia tăng đáng báo động. Năm 2001 chúng tôi đã phối hợp với Cục Hàng hải tổ chức 2 Hội nghị, năm nay chúng tôi trực tiếp tổ chức 2 Hội nghị, Cục Hàng hải tổ chức 1 Hội nghị với Chủ tàu, Cảng vụ và các cơ quan liên quan bàn về vấn đề này để đưa ra các giải pháp ngăn chặn. Rất đáng mừng, sau các Hội nghị trên, số lượng tàu bị lưu giữ giảm hẳn, 7 tháng đầu năm 2002 chỉ có 6 tàu Việt Nam bị lưu giữ, (trong đó 3 tàu mang cấp của ĐK nước ngoài, 3 tàu mang cấp của VR, cùng kỳ năm ngoái số tàu bị lưu giữ là 22). Đó là một thành công đáng mừng của chúng ta, cho phép tôi thay mặt Lãnh đạo Cục ĐKVN bày tỏ lòng biết ơn về sự hợp tác có hiệu quả với VR của Cục Hàng hải Việt Nam, của các Chủ tàu có tàu mang cấp của ĐK Việt Nam.

Biện pháp duy nhất để giảm số tàu bị lưu giữ, tôi khẩn thiết đề nghị các Chủ tàu (thuyền viên) trang bị đầy đủ và chăm sóc tàu tốt hơn, phù hợp với quy định hiện hành, Cảng vụ và Đăng kiểm phải kiểm tra chặt chẽ hơn.

b). Về việc uỷ quyền cho ĐKNN kiểm tra theo yêu cầu của Công ước quốc tế: Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, Chính phủ và Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho VR thực hiện chức năng kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận theo các Công ước quốc tế về an toàn hàng hải. Đây là nhiệm vụ thực hiện chức năng của Chính quyền hành chính có tàu treo cờ. Năm 2000 chuyên gia của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã tiến hành đánh giá năng lực của VR và đã kết luận VR thoả mãn đầy đủ các tiêu chuẩn để thực hiện chức năng này. Trên thực tế đã khẳng định:

- VR luôn cập nhật các Bổ sung sửa đổi các Công ước quốc tế của IMO, thường xuyên phổ biến và hướng dẫn các Chủ tàu thực hiện, Biên dịch xuất bản in ấn các Công ước quốc tế cung cấp cho các Công ty và tàu. Luôn mở các Hội nghị để kiểm điểm, đánh giá việc thực thi các yêu cầu của Công ước... Tham dự các hoạt động trong khuôn khổ của Văn phòng IMQ Việt Nam, cùng với Văn phòng IMO Việt Nam tham dự các cuộc họp đại hội đồng IMO.

- 131 tàu Việt Nam chạy tuyến quốc tế hoàn toàn do VR kiểm tra và cấp toàn bộ các Giấy chứng nhận theo Công ước quốc tế. 54 tàu, theo đề nghị các chủ tàu, VR uỷ quyền cho Đăng kiểm nước ngoài, 3/8 Giấy chứng nhận VR đảm nhiệm kiểm tra, đánh giá để cấp Giấy chứng nhận đó là: GCN dung tích theo Tonage 69, DOC và SMC theo Bộ luật ISM. Tất cả các Giấy chứng nhận do VR cấp cho các tàu Việt Nam chạy tuyến quốc tế đều được chính quyền Cảng nước ngoài thừa nhận, không bị cản trở hoặc phân biệt đối xử.

- Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận theo Công ước do ĐK nước ngoài thực hiện đối với tàu biển Việt Nam đã được VR uỷ quyền. Kể từ 1.7.2002 chúng tôi đã yêu cầu ĐK nước ngoài sử dụng thống nhất mẫu GCN có Quốc huy của Việt Nam khi thực hiện sự uỷ quyền của VR.

Điều này thể hiện VR đã và đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia có tàu treo cờ trong thực thi các Công ước quốc tế về an toàn hàng hải. Các Giấy chứng nhận theo Công ước là thẩm quyền của chính quyền quốc gia, do vậy nó không bị ràng buộc vào các mối quan hệ trong hoạt động kinh tế, không làm cơ sở để mua bảo hiểm lựa chọn thuê tàu... Đây là điểm khác cơ bản với việc phân cấp tàu. Đây là phương thức để giữ chủ quyền quốc gia của nước có tàu treo cờ mà các nước đang phát triển, láng giềng của nước ta áp dụng, đó là: Trung quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc. Họ không hề yêu cầu Đăng kiểm nước ngoài kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận theo CUQT cho các tàu mang cờ quốc gia của họ.

Do vậy chủ trương của chúng tôi là :

"Hạn chế việc uỷ quyền cho ĐK nước ngoài kiểm tra và cấp các Giấy chứng nhận theo Công ước quốc tế cho các tàu mang cờ Việt Nam, đặc biệt đối với những tàu đóng mới cả ở trong nước lẫn đóng ở nước ngoài. Đăng kiểm Việt Nam chúng tôi khẳng định là hoàn toàn có đủ khả năng để đảm nhận công việc này”.

Như các đồng chí và các Bạn đã biết, khó như việc triển khai Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế (ISM Code), chúng tôi đã không những đã làm được mà còn làm tốt hơn mong đợi, không những chỉ mang lại sự thuận lợi cho Chủ tàu, mà còn giảm được một chi phí không nhỏ cho các bạn nếu uỷ quyền cho Đăng kiểm nước ngoài thực hiện. Hoặc ví như kiểm tra để cấp Giấy chứng nhận an toàn radio (SR) hầu hết do VR kiểm tra trên cơ sở lại phải nhận lại uỷ quyền mà chính VR uỷ quyền cho ĐK nước ngoài.

VR xin được bày tỏ với các đồng chí quan điểm trên với cam kết chúng tôi sẽ phối hợp thật tốt với cơ quan phân cấp nước ngoài để thực hiện một cách tốt nhất Hệ thống hài hoà kiểm tra cấp GCN theo Công ước quốc tế, để Chủ tàu nhận được nhiều thuận lợi mà phương thức này mang lại.

c. Về việc tàu mang lưỡng cấp của 02 cơ quan Đăng kiểm.

Một con tàu chạy tuyến quốc tế, ngoài việc thoả mãn các yêu cầu của Công ước quốc tế, con tàu đó còn phải thoả mãn các yêu cầu về chất lượng, an toàn kỹ thuật của từng quốc gia mà tàu treo cờ (của VN là TCVN - Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển) hoặc của cơ quan Đăng kiểm nước ngoài. Nếu tàu được đóng và khai thác theo đúng Quy phạm đó thì sẽ được cấp 01 Giấy chứng nhận phân cấp. Nếu tàu đồng thời mang hai cấp có nghĩa là thoả mãn các yêu cầu của quốc gia và của một Tổ chức ĐK nước ngoài - Việc này tạo thuận lợi cho Chủ tàu trong công tác bảo hiểm.

Hiện nay Đội tàu biển mang cấp VR: 131 chiếc, GT: 525.300; 813.400DWT.
Đội tàu biển mang cấp ĐK nước ngoài: 54 chiếc, GT: 449.584; 607.000DWT.

VR không chủ trương đặc quyền trong lĩnh vực này, chúng tôi đã và đang hội nhập quốc tế để vươn lên. Mục tiêu của chúng tôi là phải trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Đăng kiểm quốc tế trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi đã hoàn toàn thoả mãn các tiêu chuẩn về Quy phạm, về Hướng dẫn giám sát, về đội ngũ Đăng kiểm viên, về ISO 9001 song chưa đủ về tổng dung tích đội tàu. Điều kiện này là phải nhờ vào sự giúp đỡ của các Chủ tàu Việt Nam. Ngành Hàng hải Việt Nam, ngành đóng tàu Việt Nam đang trên đà phát triển, đóng được nhiều tàu ngày càng lớn hơn, khai thác nhiều chủng loại tàu hiện đại hơn. Đó là thời cơ, là vận hội, đồng thời là thử thách đối với VR muốn được cùng phát triển với ngành hàng hải và đóng tàu Việt Nam. Để làm được điều đó VR mong muốn có được sự hỗ trợ của các Chủ tàu, như Chính phủ đã và đang nâng đỡ chúng tôi “Tàu Việt Nam phải mang cấp của Đăng kiểm Việt Nam”. Điều đó hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như chính sách của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan, Inđônêsia, Ấn Độ... trước kia cũng như hiện nay vẫn duy trì chính sách tàu biển phải mang lưỡng cấp nếu tàu đó muốn mang cấp của Đăng kiểm nước ngoài. Đây là chính sách mang tính giữ chủ quyền quốc gia và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của các Tổ chức phân cấp tàu, không gây phương hại đến quyền lợi của Chủ tàu. Từ năm 2001 VR đã được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ GTVT, cùng sự đồng thuận của các Chủ tàu lớn đã thực thi chính sách này, đến nay đã có 15 tàu mang lưỡng cấp của VR và ĐKNN. VR mong muốn Chủ tàu VN thông hiểu và ủng hộ quan điểm này của VR, tạo cơ hội cho VR phát triển.

Kính thưa các đồng chí và các bạn!

Suốt 38 năm qua, chúng tôi đã gắn bó với các hoạt động của ngành Hàng hải và Đóng tàu Việt Nam như người bạn thuỷ chung, sát cánh cùng các bạn trong suốt chặng đường chống Mỹ, trải qua thời kỳ dài bao cấp đến thời kỳ đổi mới của đất nước với cơ chế thị trường đầy năng động nhưng cũng đầy cạnh tranh để tồn tại. Thưa đồng chí và các bạn!

“Từ trong đáy lòng mình, chúng tôi coi ngành Hàng hải và đóng tàu nước ta là nước - Đăng kiểm là cá. Cá sống nhờ có nước. Các Bạn là nước, chúng tôi là thuyền - Nước lên thì thuyền mới lên được”

Chúng tôi phát triển cùng với sự phát triển của nền công nghiệp đóng, sửa chữa tàu và khai thác tàu biển Việt Nam. Chúng tôi đã có nhiều cố gắng, đã có được những thành công nhất định trong tiến trình hội nhập quốc tế, từng bước khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường. Chúng tôi biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn, còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc đổi mới phong cách phục vụ, trong việc nâng cao chất lượng hoạt động đăng kiểm, để đáp lại niềm tin yêu của các đồng chí và các bạn, cùng các đồng chí phấn đấu xây dựng ngành hàng hải Việt Nam an toàn hơn, hiệu quả hơn.

Một lần nữa xin kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Cám ơn các đồng chí và các bạn.

Tác giả: P. Đối ngoại, VR