Hội nghị An toàn hàng hải và triển khai phụ lục III, IV, V và VI/ MARPOL

07/10/2015

Trong 9 tháng đầu năm nay lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ giảm sâu, Việt Nam đã ra khỏi danh sách đen và nằm trong danh sách trắng của Tokyo-MOU.


Ảnh: : Toàn cảnh Hội nghị

Ngày 6/10/2015, tại Hà Nội, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức Hội nghị An toàn hàng hải và triển khai phụ lục III, IV, V và VI/ MARPOL. Đồng chí Trần Kỳ Hình – Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, cùng dự còn có đại diện một số vụ chức năng của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, các đại biểu đại diện doanh nghiệp vận tải, chủ tàu biển từ Thừa Thiên Huế trở ra…

Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Trần Kỳ Hình – Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh; Hội nghị nhằm phổ biến các quy định quốc tế mới đến các chủ tàu và cũng tạo diễn đàn bàn thảo giải pháp, kinh nghiệm thực hiện phù hợp nhất với điều kiện của ngành vận tải biển Việt Nam, góp phần hạn chế tàu biển bị lưu giữ tại nước ngoài.

Trong 9 tháng đầu năm nay lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ giảm sâu, Việt Nam đã ra khỏi danh sách đen và nằm trong danh sách trắng của Tokyo-MOU, số tàu bị lưu giữ trong 9 tháng chiếm tỷ lệ 3%.

Nhằm đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu của Phụ lục III, IV, V và VI/ MARPOL khi Việt Nam chính thức là thành viên, thì yêu cầu việc triển khai các nhiệm vụ để thực thi các Phụ lục – Công ước MARPOL phải bảo đảm hài hòa và thống nhất với quy định của Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và các công ước khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện phải đồng bộ, phù hợp nội dung, định hướng các quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

Việc triển khai tốt các quy định của Phụ lục III, IV, V và VI/ MARPOL sẽ góp phần tăng cường bảo vệ môi trường biển Việt Nam và phù hợp với các chủ trương nêu tại Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thực hiện công tác kiểm tra nhà nước tại cảng biển, công tác tổ chức giám sát, điều tra, xử lý các vi phạm bảo vệ môi trường của các tàu biển, tạo thuận lợi cho các tàu Việt Nam hoạt động hàng hải trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Điều này là phù hợp với xu thế chung của ngành Hàng hải thế giới, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển.

Tác giả: HTQT, VR