Công ước quốc tế Nairobi về thanh thải xác tàu có hiệu lực từ ngày 14/4/2015

16/04/2015

Công ước quốc tế Nairobi về thanh thải xác tàu (Công ước Nairobi), được Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua tại Nairobi, Kenia, năm 2007 đã có hiệu lực từ ngày 14/4/2015. Công ước này quy định trách nhiệm nghiêm ngặt của chủ tàu về xác định vị trí, đánh dấu và thanh thải xác tàu được xem là có nguy cơ gây hại.

Đồng thời, Công ước cũng quy định về chứng nhận của quốc gia đối với việc bảo hiểm hoặc các hình thức an ninh tài chính khác đối với trách nhiệm như vậy, bắt buộc áp dụng cho tàu có tổng dung tích từ 300 trở lên. Theo quy định của Công ước, quốc gia thành viên có quyền về hành động trực tiếp đối với các tổ chức bảo hiểm.

Công ước Nairobi xóa bỏ khoảng trống trong khuôn khổ pháp luật quốc tế hiện hành thông qua việc quy định bộ quy tắc quốc tế thống nhất nhằm mục đích thanh thải một cách nhanh chóng, hiệu quả xác tàu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia hoặc vùng 200 hải lý tương đương. Trong Công ước cũng bao gồm quy định cho phép quốc gia thành viên được lựa chọn để áp dụng một số điều khoản nhất định trong lãnh thổ của mình, bao gồm cả lãnh hải.

Công ước Nairobi tạo cơ sở pháp lý cho quốc gia thành viên thực hiện thanh thải hoặc yêu cầu thanh thải xác tàu gây nguy hiểm hoặc trở ngại đối với hành hải, hoặc có thể gây ra hậu quả nguy hại đối với môi trường biển, hoặc làm hư hại đường bờ biển hay các lợi ích liên quan của một hoặc một số quốc gia. Công ước cũng áp dụng cho tàu có thể bị chìm đắm hay mắc cạn, mà không có các biện pháp hỗ trợ tàu đó hay bất kỳ tài sản bị nguy hiểm nào một cách hiệu quả.

Các quy định của Công ước Nairobi bao gồm:

    • Trách nhiệm của thuyền trưởng hoặc người khai thác tàu trong việc báo cáo quốc gia bị ảnh hưởng về sự cố hàng hải dẫn đến đắm tàu; trách nhiệm của quốc gia bị ảnh hưởng cảnh báo cho người đi biển và các quốc gia liên quan về bản chất và vị trí của xác tàu; trách nhiệm của quốc gia bị ảnh hưởng trong việc thực hiện các công việc có thể để định vị xác tàu.

    • Các tiêu chí để xác định các nguy hiểm do xác tàu gây ra, bao gồm độ sâu nước ở trên xác tàu, khoảng cách đến tuyến vận tải tàu, mật độ và tần xuất giao thông thủy, loại giao thông thủy, tính dễ bị tổn thương của khu vực cảng; các tiêu chí môi trường chẳng hạn như hư hại gây ra bởi việc xả hàng hóa và dầu từ xác tàu ra môi trường.

    • Các biện pháp tạo thuận lợi cho việc thanh thải xác tàu, bao gồm các quyền và nghĩa vụ trong việc thanh thải xác tàu nguy hại, được quy định trong trường hợp chủ tàu chịu trách nhiệm thanh thải xác tàu và trong trường hợp quốc gia bị ảnh hưởng có thể can thiệp. v• Nghĩa vụ của chủ tàu đối với chi phí để định vị, đánh dấu và thanh thải xác tàu. Chủ tàu đăng ký phải duy trì bảo hiểm bắt buộc hoặc hình thức an ninh tài chính khác để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Công ước.

    • Giải quyết tranh chấp.

Hiện đã có các quốc gia sau đây tham gia Công ước Nairobi: Antigua and Barbuda, Bun-Ga-Ry, Công-Gô, Cook Islands, Đan Mạch, Đức, Ấn Độ, I-Ran, Li-Bê-Ria, Ma-Lay-Xia, Marshall Islands, Ma-Rốc, Ni-Giê-Ria, Pa-Lau, Vương quốc Anh.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải - VR