Đoàn Việt Nam gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan của Bộ GTVT do Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường dẫn đầu đã tham dự Hội Nghị. Cục Đăng kiểm Việt Nam tham dự hội nghị gồm Cục trưởng Trịnh Ngọc Giao, đại diện phòng Hợp tác quốc tế và phòng Tàu biển.
Đại biểu Cục Đăng kiểm Việt Nam tham dự Hội nghị
Trong sáng ngày 21/11/2011, Ngài Efthimios E. Mitropoulos, Tổng thư ký IMO đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị. Trong bài phát biểu, Ngài Tổng thư ký đã điểm lại những việc quan trọng IMO đã làm được trong hai năm qua như việc thông qua sửa đổi Công ước về các Tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (STCW), thông qua Nghị định thư 2010 của Công ước quốc tế về Trách nhiệm và Bồi thường liên quan đến việc vận chuyển các chất độc hại và nguy hiểm bằng đường biển… Bên cạnh đó, Ngài Tổng thư ký cũng đề cập đến hai vấn đề nóng được IMO hết sức quan tâm và dành nhiều thời gian trong thời gian gần đây đó là nỗ lực chống lại nạn cướp biển và nỗ lực thiết lập các quy định nhằm kiểm soát việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các tàu tham gia vận tải biển. Tổng thư ký đánh giá 2 năm qua là một khoảng thời gian bận rộn, có nhiều thách thức nhưng cũng hiệu quả nhất đối với IMO.
Ngày 22/11/2011, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có bài phát biểu tại Phiên họp Đại hội đồng. Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã giới thiệu về một số thành tựu mà ngành hàng hải Việt Nam đạt được trong thời gian qua như việc phát triển nhanh chóng về đội tàu treo cờ của Việt Nam, việc triển khai thực hiện tốt các Công ước quốc tế của IMO. Thứ trưởng cho Hội nghị biết dự kiến Việt Nam sẽ gia nhập một số Công ước hàng hải trong thời gian tới như Nghị định thư 2005 của Công ước về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại hành hải (SUA), các phụ lục III, IV, V and VI của Công ước MARPOL, công ước Lao động Hàng hải.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã nêu một số biện pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm ngăn ngừa và đối phó với nạn cướp biển trong đó có cả việc xem xét triển khai thực hiện các hướng dẫn của IMO về việc sử dụng các công ty bảo vệ tư nhân để bảo vệ các tàu chạy qua các khu vực nguy hiểm cao. Thứ trưởng nhấn mạnh Việt Nam luôn đánh giá cao và ủng hộ các biện pháp do IMO đề xuất để bảo vệ môi trường biển trong đó có các biện pháp nhằm giảm thiểu khí thải từ các hoạt động vận tải biển. Kết thúc bài phát biểu, Thứ trưởng khẳng định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một thành viên có trách nhiệm của IMO và sẵn sàng thực hiện các biện pháp do IMO đề xuất nhằm bảo đảm vận tải biển được an toàn hơn, môi trường biển được sạch hơn cũng như an ninh hàng hải được duy trì.
Ngày 27/11/2011, Đại hội đồng IMO đã bầu ra 40 thành viên của Ủy ban IMO (Council) gồm có:
- Các quốc gia nhóm (a) là 10 quốc gia có lợi ích lớn nhất về cung cấp các dịch vụ vận tải biển quốc tế: China, Greece, Italy, Japan, Norway, Panama, Republic of Korea, Russian Federation, United Kingdom, United States.
- Các quốc gia nhóm (b) là 10 quốc gia có lợi ích lớn nhất trong thương mại biển quốc tế: Argentina, Bangladesh, Brazil, Canada, France, Germany, India, Netherlands, Spain, Sweden.
- Các quốc gia nhóm (c) là 20 quốc gia không được bầu trong nhóm (a) và (b) nêu trên, và có lợi ích đặc biệt về vận tải hàng hải hoặc hành hải và các quốc gia được bầu vào trong Ủy ban để đảm bảo sự có mặt của các khu vực địa lý quan trọng trên thế giới: Australia, Bahamas, Belgium, Chile, Cyprus, Denmark, Egypt, Indonesia, Jamaica, Kenya, Liberia, Malaysia, Malta, Mexico, Morocco, Philippines, Singapore, South Africa, Thailand, Turkey.
Ủy ban IMO là cơ quan điều hành của IMO và chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng để giám sát các hoạt động của IMO. Giữa các kỳ họp của Đại hội đồng, Ủy ban sẽ thực hiện tất cả các chức năng của Đại hội đồng ngoại trừ việc đưa ra các khuyến nghị tới các Chính phủ quốc gia thành viên về an toàn hành hải và ngăn ngừa ô nhiễm.
Phiên họp của Đại hội đồng sẽ tiếp tục đến ngày 30/11/2011 để thông qua các báo cáo của các Ủy ban MSC, MEPC, LC, TC trong nhiệm kỳ 26 và thông qua một số nghị quyết quan trọng về chống cướp biển, đảm bảo an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm biển.