Phổ biển các quy định của pháp luật về an toàn hàng hải, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đăng kiểm tàu biển

24/10/2024

Thực hiện nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong kế hoạch An toàn giao thông quốc gia năm 2024, ngày 22/10, Cục ĐKVN tổ chức Hội nghị an toàn hàng hải năm 2024

Toàn cảnh Hội nghị ngày 22/10

Hội nghị an toàn hàng hải năm 2024 có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ tàu, các công ty quản lý và khai thác tàu biển, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển, các trường đào tạo nguồn nhân lực hàng hải.
Hội nghị nhằm cung cấp cho các đại biểu những thông tin mới nhất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường áp dụng cho tàu biển, những quy định mới của quốc tế về an toàn hàng hải, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển và điều kiện bảo đảm lao động hàng hải.

Theo báo cáo về tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở các cảng nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm 2024, đã có 673 lượt tàu được kiểm tra và 25 tàu bị lưu giữ, chiếm tỷ lệ 3,71%. Tỷ lệ này tđã giảm so với năm 2023 (4,32%), và đang thấp hơn hơn mức trung bình của khu vực và cần có các biện pháp mạnh mẽ để tiếp tục cải thiện. “Nhìn chung, tỷ lệ lưu giữ của tàu biển Việt Nam trong năm 2024 đã có sự cải thiện so với năm 2023, nhưng vẫn cần các biện pháp mạnh mẽ để tiếp tục cải thiện. Các loại tàu như tàu hàng rời, tàu container và tàu dầu cần được chú ý đặc biệt vì tỷ lệ lưu giữ đang ở mức cao. Việc bảo dưỡng định kỳ và đảm bảo tình trạng kỹ thuật của các hệ thống an toàn chống cháy, thiết bị cứu sinh, hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ bị lưu giữ”, đại diện phòng Tàu biển nhận định.

Để giảm thiểu việc tàu bị lưu giữ, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện Đề án duy trì đội tàu trong danh sách trắng của Tokyo-MOU, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và ngăn ngừa ô nhiễm. Về phía các doanh nghiệp, chủ tàu cần phân tích nguyên nhân dẫn đến việc lưu giữ và xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị; cần duy trì tình trạng kỹ thuật sẵn sàng cho chiến dịch kiểm tra của Tokyo-MO; cải thiện chỉ số xếp hạng tàu theo các tiêu chí xếp hạng của Tokyo-Mou.

Cũng tại Hội nghị, đại diện phòng Quy phạm, phòng Tàu biển, Trung tâm VRQC đã cập nhật, phổ biến những sửa đổi bổ sung năm 2024 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống chống hà của tàu biển;  các quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về an toàn, an ninh hàng hải và ngăn ngừa ô nhiễm biển; sửa đổi bổ sung năm 2022 của Công ước Lao động hàng hải (MLC 2006), có hiệu lực từ 23/12/2024. Qua đó, hàng loạt vấn đề liên quan cũng được các đại biểu đặt ra và tháo gỡ ngay tại Hội nghị.

Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Chiến Thắng nhận định: Trong năm 2024, ngành công nghiệp đóng tàu trong nước đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc với các đơn hàng được đặt đến năm 2026. Khối lượng thép đóng tàu nhập khẩu vào Việt Nam tăng trưởng mạnh. Hoạt động của đội tàu biển Việt Nam vươn xa tới tất cả các vùng biển trên thế giới tạo ra thách thức vô cùng lớn cho công tác đảm bảo an toàn, an ninh tàu biển, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, Cục ĐKVN đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, người dân trong công tác đăng kiểm, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến động mạnh mẽ và sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa. Cụ thể Cục ĐKVN đã và đang đề xuất tới các cấp có thẩm quyền để bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; trong thẩm quyền của mình chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị của doanh nghiệp về công tác đăng kiểm tàu biển, công tác chứng nhận vật liệu, máy, thiết bị, công tác đánh giá, công nhận đủ điều kiện kinh doanh đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển, công tác thẩm định thiết kế đóng mới, hoán cải tàu biển.

Kết luận Hội nghị, Phó Cục trưởng Trần Anh Dương đã đánh giá cao sự tham dự và đóng góp các ý kiến của các đại biểu về các chủ đề được trình bày tại Hội nghị cũng như các khó khăn trong thực tế quản lý, khai thác các tàu biển. Phó Cục trưởng đã giao cho các phòng chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các văn kiện và hướng dẫn áp dụng của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân liên quan khi áp dụng các quy định của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường áp dụng cho tàu biển, những quy định mới của quốc tế về an toàn hàng hải, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển và điều kiện bảo đảm lao động hàng hải một cách hiệu quả và kịp thời.

 

Tác giả: ĐKVN