Đi lên từ con số 0
Ngày 26/6/1986, tấn dầu thô thương mại đầu tiên đã được khai thác ở mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Việt Nam, đánh dấu Việt Nam vào trong danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới. Từ dấu mốc này, cùng với công cuộc đổi mới được phát động, các ngành công nghiệp đóng tàu, hàng hải và dầu khí bắt đầu khởi sắc.
Đăng kiểm viên kiểm tra đại tu giàn bán chìm Đại Hùng 01 trong ụ nổi
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử từ trước 1992, việc thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành những công trình biển chưa được kiểm soát bởi một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nên các chỉ tiêu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường chưa được kiểm soát theo các quy định của các điều ước quốc tế và các quy định quốc gia về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại vùng biển đang thăm dò, khai thác dầu khí.
Trước bối cảnh trên, ngày 28/12/1992, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 203/TTg quy định “Quy chế tổ chức và hoạt động đăng kiểm tàu biển Việt nam”, trong đó giao Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra và cấp các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho các công trình biển.
Để có đảm đương nhiệm vụ, từ ngày 15/8/1992, Cục ĐKVN đã thành lập Phòng dàn khoan ban đầu với những cán bộ cốt cán, nhanh chóng hợp tác với các tổ chức đăng kiểm quốc tế từ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tới triển khai thực hiện.
Xuất phát từ con số 0, tới nay tất cả các công trình dầu khí đã được kiểm soát từ khâu thiết kế chế tạo tới vận hành; hàng năm được kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật, hạn chế thời gian phải dừng giàn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cụ thể, để phục vụ cho các công tác tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí kể cả việc xử lý, thu gom, tàng trữ và vận chuyển dầu khí trên biển, hiện có gần 300 các công trình biển đã và đang được xây dựng và vận hành trên biển, bao gồm các loại phương tiện nổi như giàn tự nâng, giàn bán chìm, kho chứa nổi; các giàn cố định, các hệ thống đường ống biển và phao neo dầu khí. Các phương tiện này đều được Cục ĐKVN thẩm định thiết kế, kiểm tra và cấp các giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các quy định của các điều ước quốc tế và các quy định quốc gia.
Kiểm tra hệ thống công nghệ trên công trình biển
Hợp tác và phát triển
Trong suốt 30 năm triển khai công tác đăng kiểm công trình biển, Cục ĐKVN đã phối hợp chặt chẽ với các chủ công trình và 4 tổ chức đăng kiểm quốc tế lớn là đăng kiểm Hoa kỳ (ABS), đăng kiểm Lloyd’s Anh (LR), đăng kiểm Na uy (DNV), đăng kiểm Pháp (BV) để kiểm tra và chứng nhận cho các công trình biển đảm bảo tuân thủ các quy định của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, Cục ĐKVN cũng kịp thời đáp ứng yêu cầu và tiến độ các dự án chế tạo mới, hoán cải, đánh giá kéo dài tuổi thọ công trình, tháo gỡ các vướng mắc cho nhiều công trình trong quá trình vận hành, nhất là trong thời kỳ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động đăng kiểm công trình biển được Cục ĐKVN tham mưu cho Bộ GTVT hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý khác xây dựng như: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Quy chuẩn và Tiêu chuẩn kỹ thuật; Bộ Luật Hàng hải Việt Nam; Luật dầu khí; Luật An toàn, vệ sinh lao động; các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng CP và các thông tư liên quan.
Để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật có tính chuyên môn cao của ngành dầu khí, Cục ĐKVN đã chú trọng ngay từ công tác tuyển dụng nhân sự, gửi đăng kiểm viên tham dự các khóa học nghiệp vụ, chuyên môn nâng cao trong nước và quốc tế. Đến nay, gần 50 đăng kiểm viên công trình biển đều có trình độ từ đại học trở lên, nhiều người được các tổ chức đăng kiểm hoặc cơ sở quốc tế lớn đào tạo.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT về chủ trương chính phủ điện tử, lãnh đạo Cục ĐKVN đã sát sao chỉ đạo rà soát văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện số hóa tài liệu, triển khai dịch vụ công cấp độ 4 thủ tục thẩm định thiết kế và sử dụng phần mềm quản lý công trình biển trên toàn quốc. Các phần mềm đã hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý, thực hiện thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi tối đa phục vụ khách hàng.
Với nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo và đăng kiểm viên, cùng việc hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đăng kiểm quốc tế và cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, Cục ĐKVN vững vàng đảm bảo công tác đăng kiểm công trình biển, góp phần duy trì hoạt động khai thác dầu khí được an toàn và đảm bảo an ninh năng lượng.
Hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải về an toàn kỹ thuật và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đối với các công trình dầu khí biển được quy định tại Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Quy chế khai thác dầu khí (Quyết định số 84/2010/QĐ-TTg), quản lý an toàn hoạt động dầu khí (Quyết định số 04/2015/QĐ-TTg) và Thông tư số 33/2011/BGTVT-TT quy định về thủ tục cấp các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường cho công trình dầu khí biển. |