Việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển là tất yếu nhằm hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong việc giữ gìn biển và môi trường biển trong lành.
Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển
Có thể khẳng định rằng, biển là môi trường đồng nhất, là tài sản chung của nhân loại, đòi hỏi phải có một sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm giữ gìn biển và môi trường biển trong lành. Do đó, việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển là tất yếu.
Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL) ra đời năm 1973, là sự kết hợp của hai hiệp định quốc tế là Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (được thông qua năm 1973) và Nghị định thư của Công ước (được thông qua năm 1978). Vì vậy, Công ước thường được gọi tắt là Công ước MARPOL 73/78.
Theo đó, Công ước có hiệu lực năm 1983 và hàng năm đều được sửa đổi, bổ sung. Tính đến thời điểm này đã có 174 nước tham gia Công ước. Công ước được phát triển trước khi Hội nghị Rio de Janero công nhận các nguyên tắc khác nhau của Luật Môi trường quốc tế năm 1992.
Với mục tiêu kiểm soát, chế ngự và hạn chế tới mức thấp nhất việc thải các chất có hại xuống biển, Công ước quy định nghiêm ngặt về ngăn ngừa ô nhiễm biển do dầu, các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do chất lỏng độc hại chở xô gây ra, các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do chất độc hại đóng trong bao gói, ô nhiễm do nước thải, rác thải từ tàu và các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu.
Liên quan đến việc quản lý rác thải nhựa từ tàu cá tại cảng cá, bến cá có thể tóm lược các quy định tại Phụ lục V, Nghị quyết MEPC.277(70), và Nghị quyết MEPC.295(71) như sau: Chủ tàu và người khai thác tàu cần hạn chế tối đa việc sử dụng các vật liệu có thể trở thành rác trên tàu, để giảm thiểu việc phát sinh rác dưới mọi hình thức.
Trong đó, sử dụng các sản phẩm mà bao bì và hộp đựng có thể tái sử dụng hoặc tái chế; tránh sử dụng cốc, đồ dùng, bát đĩa, khăn tắm, giẻ lau dùng một lần và các vật dụng tiện lợi khác bất cứ khi nào có thể; và tránh các sản phẩm được đóng gói bằng nhựa, trừ khi sử dụng loại nhựa có thể tái sử dụng hoặc tái chế.
Việc thải nhựa ra môi trường biển đã bị cấm theo Phụ lục V "Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải từ các tàu" của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL). Phụ lục này cũng yêu cầu các chính phủ phải đảm bảo có đầy đủ các cơ sở tiếp nhận tại cảng để nhận rác thải của tàu. Theo Công ước về phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển do xả chất thải và các chất khác (London Convention) và Nghị định thư của công ước này, chỉ những vật liệu được phép mới có thể được thải ra biển, và chất thải này - chẳng hạn như vật chất từ hoạt động nạo vét đáy sông, biển - phải được đánh giá đầy đủ để đảm bảo không chứa các vật liệu có hại như nhựa.
Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong năm 2018, ở mức khoảng 0,50 triệu tấn.
Việt Nam tích cực tham gia vì sự phát triển bền vững đại dương
Thực hiện chính sách Đổi mới, Việt Nam đã vươn mình, đạt mức phát triển kinh tế khá cao, trung bình 6-8% trong nhiều năm. Ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16 - 18%/năm.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa ở Việt Nam cũng rất lớn. Thống kê của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, năm 2018, Việt Nam đã thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác thải nhựa trên thế giới. Sông Mê Kông chảy qua Việt Nam ra biển đã được xếp vào top 10 con sông ô nhiễm do rác thải nhựa. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong năm 2018, ở mức khoảng 0,50 triệu tấn.
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia Phụ lục I, II của Công ước này năm 1991 (ngày 18/03/1991). Tiếp theo, Bộ Giao thông vận tải có Tờ trình số 9591/TTr-BGTVT ngày 06/08/2014 trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất gia nhập các Phụ lục III, IV, V, VI của Công ước. Chủ tịch nước có Quyết định số 2368/2014/QĐ-CTN ngày 16/10/2014, đồng ý việc Việt Nam tham gia các Phụ lục III, IV, V, VI. Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) đã có thông báo tới các thành viên, các Phụ lục III, IV, V, VI của Công ước MARPOL có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 19/3/2015.
Ngày 11/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện các Phụ lục III, IV, V, VI của Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL). Kế hoạch này nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện các quy định của các Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL) mà Việt Nam là thành viên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ven biển, quốc gia có cảng, quốc gia có tàu mang cờ quốc tịch.
Theo Kế hoạch, từ năm 2016 đến năm 2030, nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống tiếp nhận chất thải tại các cảng biển theo quy định của Phụ lục IV, V và VI của Công ước MARPOL; nghiên cứu, triển khai áp dụng các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát chất thải phát sinh từ tàu biển.
Đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra, tình hình quản lý chất thải tại các cảng biển Việt Nam và mức độ đáp ứng các quy định của Công ước MARPOL; nghiên cứu, xây dựng và đề xuất thiết lập các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra trong vùng biển Việt Nam để đệ trình Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, đào tạo cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định tại Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL.
Ông Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho rằng, để giảm thiểu chất thải nhựa biển, việc sử dụng công cụ chính sách, pháp luật là biện pháp quan trọng nhất, là căn cứ thực hiện các biện pháp khác. Việt Nam cần phải tuân thủ và tích cực thực hiện các công ước, quy định quốc tế đã được ký kết, trong đó Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm do tàu bè (MARPOL) vào ngày 18/3/1991.