Tập đoàn sản xuất ôtô Mercedes-Benz của Đức sẽ thu hồi gần một triệu xe cũ trên toàn thế giới, nguyên nhân có thể do vấn đề ở hệ thống phanh. Theo thông báo của Cơ quan Giao thông vận tải liên bang Đức (KBA) ngày 4/6, các xe thu hồi được sản xuất từ năm 2004 đến năm 2015, thuộc các dòng SUV ML và GL, xe mini van hạng sang R-Class.
KBA nêu rõ: "Bộ phận trợ lực phanh bị mòn trong trường hợp xấu nhất có thể làm gián đoạn kết nối giữa bàn đạp phanh và hệ thống phanh. Hậu quả là phanh có thể mất tác dụng". KBA ước tính trên toàn thế giới có 993.407 xe bị thu hồi, trong đó có khoảng 70.000 xe ở Đức.
Mercedes-Benz đã lên tiếng xác nhận việc thu hồi. Trong một tuyên bố gửi cho hãng tin AFP, hãng xe giải thích động thái này dựa trên "phân tích các báo cáo đối với một số loại xe".
Đại diện hãng Mercedes cho biết: “Trong một số trường hợp sự ăn mòn nghiêm trọng có thể dẫn tới xảy ra một động tác phanh đặc biệt mạnh hoặc cứng khiến trợ lực phanh bị hư hỏng cơ học, kết nối giữa bàn đạp phanh và hệ thống phanh sẽ bị hỏng. Trong một trường hợp rất hiếm như vậy, xe sẽ không thể giảm tốc bằng phanh chân. Do đó làm gia tăng nguy cơ va chạm hoặc thương tích".
Điều này có thể dẫn đến việc tăng lực bàn đạp phanh quá mức cần thiết để giảm tốc xe hoặc tăng khoảng cách phanh của xe. Đại diện hãng xe thông báo sẽ "bắt đầu với việc thu hồi ngay lập tức" và liên hệ với chủ sở hữu của "những chiếc xe có khả năng bị ảnh hưởng".
Công ty cho biết thêm: “Quá trình thu hồi sẽ liên quan đến việc kiểm tra các xe có khả năng bị ảnh hưởng và tùy thuộc vào kết quả kiểm tra thay thế các bộ phận khi cần thiết. Chúng tôi kêu gọi khách hàng không điều khiển phương tiện của họ nữa cho đến khi việc kiểm tra được thực hiện".
Thời gian gần đây, hãng xe có trụ sở tại Stuttgart đã thực hiện khá nhiều đợt triệu hồi. Chỉ vài ngày trước, hơn 200.000 xe Mercedes trải dài qua nhiều dòng xe bị thu hồi vì lỗi ở hệ thống liên lạc khẩn cấp. Vấn đề được gây ra bởi một lỗi trong phần mềm của thẻ SIM, có thể gây ra sự cố với kết nối di động. Hệ thống cuộc gọi khẩn cấp của xe hơi dựa vào kết nối này, vì vậy vấn đề có thể ngăn chặn cuộc gọi cứu hộ trong các trường hợp khẩn cấp.
Hàn Quốc triệu hồi 42 nghìn ô tô lỗi linh kiện và phần mềm
6 nhà sản xuất ô tô tại Hàn Quốc phải thu hồi gần 42.000 xe để sửa chữa lỗi phần cứng và phần mềm nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng. Renault Korea Motors và 5 nhà sản xuất ô tô khác sẽ tự nguyện thu hồi gần 42.000 xe để sửa chữa các lỗi bộ phận và lỗi phần mềm, tin từ thông tấn Yonhap ngày 2/6/2022.
Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông, Renault Hàn Quốc sẽ thu hồi 28.892 mẫu xe, bao gồm cả XM3, do bơm nhiên liệu bị lỗi có thể khiến xe chết máy. Stellantis Korea sẽ thu hồi tổng cộng 7.605 chiếc từ 13 mẫu xe, bao gồm cả Peugeot 3008 1.5 BlueHDi, do các bộ phận bên trong bơm cao áp của xe không đủ độ bền cần thiết.
Tổng cộng 4.056 chiếc thuộc hai mẫu xe Tesla, bao gồm cả Model Y, sẽ bị thu hồi do lỗi phần mềm và các trục trặc màn hình cảm ứng, có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Mercedes-Benz cũng sẽ thu hồi 1.077 chiếc thuộc mẫu EQA 250 do chúng không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn do lỗi phần mềm ở bộ phận điều khiển túi khí.
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết họ có kế hoạch phạt nhà sản xuất ô tô Đức sau khi xem xét việc thu hồi và các biện pháp khắc phục khác.
Theo Bộ này, 93 xe thuộc 3 mẫu xe của Mercedes-Benz dính lỗi nghiêm trọng mà hãng không tự phát hiện ra, 13 xe của Ford và 10 chiếc xe hiệu Maserati sẽ bị thu hồi do các vấn đề liên quan đến phụ tùng ô tô. Các công ty sản xuất hoặc phân phối sẽ liên hệ với các chủ phương tiện và cung cấp dịch vụ sửa chữa thay thế miễn phí.