Jessop được gọi là người phụ nữ không thể chìm.
Khi tàu Titanic va phải tảng băng trôi, Violet Jessop khi đó là một nữ tiếp viên 24 tuổi trên con tàu, làm nhiệm vụ giúp đỡ hành khách lên thuyền sơ tán. Sau đó, cô quay trở lại cabin của mình cho đến khi được gọi lên vào vị trí trên thuyền sơ tán. Trong lúc hỗn loạn, cô được ai đó trao cho một đứa bé chưa rõ danh tính. Ngày hôm sau, khi những người sống sót sau vụ đắm tàu tập trung trên tàu giải cứu RMS Carpathia, một người phụ nữ đến và mang đứa bé khỏi tay Jessop mà không nói một lời.
Đó không phải là chuyến đi biển đầu tiên của Jessop. Năm 17 tuổi, cô đã nộp đơn xin làm tiếp viên trên tàu của công ty Royal Mail Lines nhưng quá trẻ và quá xinh so với yêu cầu công việc. Cuối cùng cô cũng được nhận, nhưng người ta yêu cầu cô tránh trang điểm và mặc quần áo xuề xòa để trông có vẻ kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, Jessop cuối cùng đã bị sa thải vì từ chối lời gạ tình của một thuyền trưởng.
Sự cố đó cũng không ngăn được Jessop ra biển. Jessop được White Star Line thuê làm việc tiếp và trong vài năm tới, cô trải qua không chỉ vụ chìm tàu Titanic mà còn cả hai thảm họa hải quân khác. Sự nghiệp y tá của cô có lẽ không ai nhớ tới vì cô quá nổi tiếng với biệt danh là người phụ nữ không thể chìm trong lịch sử.
Sinh năm 1887 tại Argentina, khả năng sinh tồn tuyệt vời của Violet Jessop bắt đầu từ khi còn nhỏ. Sáu trong số tám anh chị em của cô đã chết khi còn nhỏ, còn Jessop bị bệnh lao với tiên lượng của bác sĩ là cô chỉ còn sống được vài tháng nữa. Trước những điều sắp xảy đến, cô đã bất chấp mọi khó khăn để đánh bại căn bệnh quái ác.
Cha của Jessop qua đời khi cô 15 tuổi, và quá đau buồn, mẹ con cô đã chuyển đến Anh. Mẹ của cô làm tiếp viên trên tàu biển.
Khi Jessop 21 tuổi, mẹ cô bị bệnh và không thể làm việc. Vì vậy, Jessop quyết định theo bước chân của mẹ và cũng trở thành một tiếp viên trên tàu biển. Vào thời điểm đó, hầu hết các tiếp viên đều ở độ tuổi trung niên, và trong một vài cuộc phỏng vấn đầu tiên của cô, các nhà tuyển dụng đã lo lắng rằng tuổi trẻ và ngoại hình đẹp của cô sẽ khiến phi hành đoàn và hành khách mất tập trung. Để đảm bảo vị trí, Jessop ăn mặc xuề xòa và không trang điểm khiến bản thân trông kém hấp dẫn hơn.
Chiến thuật đã thành công và cô đã nhận được công việc, bắt đầu cuộc sống trên biển vào năm 1908. Cuộc sống của một nữ tiếp viên vào thời điểm đó vô cùng khó khăn. Trên tàu của White Star Line, cô làm việc 17 giờ một ngày, với mức lương hơn 2 bảng Anh mỗi tháng – bằng 2/3 giá vé hạng ba trên tàu tàu Titanic. Tuy nhiên, Jessop coi công việc là cách để được đi nhiều nơi và khám phá những địa điểm mới.
Năm 1911, Jessop làm việc trên RMS Olympic (con tàu dân dụng hạng sang lớn nhất). Vào ngày 20/9/1911, Olympic đang trong hành trình đầu tiên thì gặp phải một tai nạn nghiêm trọng. Trong khi cố gắng đi qua một eo biển hẹp, tàu đã va chạm với tàu chiến của Anh HMS Hawke. Các báo cáo nói rằng Olympic đã chuyển hướng sang mạn phải và bán kính rộng của vòng quay đã khiến chỉ huy tàu Hawke bị bất ngờ và ông không thể tránh cú va chạm.
Bất chấp thân tàu có nhiều lỗ thủng sau vụ va chạm, tàu Olympic vẫn tự mình quay trở lại cảng và vụ tai nạn không ngăn được Jessop tiếp tục làm tiếp viên tàu. Khi Olympic không còn hoạt động và đang được sửa chữa, Jessop được giao nhiệm vụ trên một con tàu khác trong hạm đội của công ty - RMS Titanic. Lúc đầu, cô miễn cưỡng làm việc trên tàu Titanic, nhưng bạn bè đã thuyết phục cô rằng chuyến đi biển đầu tiên của tàu sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. Jessop trong mặc một bộ đồ màu nâu mới dài đến mắt cá chân đã bước chân lên con tàu mới tinh tại Southampton.
Điều kiện làm việc trên tàu Titanic tốt hơn ở Olympic. Theo George Behe, tác giả của cuốn sách “On Board HMS Titanic: Memories of the Maiden Voyage”, bác sĩ của con tàu rất quan tâm đến phúc lợi của Jessop, điều này đã giúp ngăn chặn những kẻ quấy rối và theo đuổi Jessop quá khích và gây ra cho cô những khó khăn trên tàu.
Một chiếc xuồng cứu sinh khẩn cấp chở những người sống sót trên tàu Titanic.
Nhưng chỉ vài ngày sau khi khởi hành, tàu Titanic đã va phải một tảng băng trôi ở Bắc Đại Tây Dương. Jessop ban đầu đang ngủ khi tàu Titanic va phải tảng băng trôi. Cô nhớ lại sự việc: "Tôi đã được lệnh lên boong. Hành khách bình tĩnh đi xung quanh. Tôi đứng cùng các tiếp viên khác, nhìn những người phụ nữ cố níu lấy chồng lần cuối trước khi được đưa xuống thuyền cứu sinh cùng con. Một lúc sau, một sĩ quan của tàu ra lệnh cho chúng tôi xuống thuyền trước để cho khách thấy rằng thuyền an toàn. Khi thuyền đang được hạ xuống, sĩ quan đó gọi: “Đây, cô Jessop. Hãy chăm sóc em bé này. Và một cái bọc được thả vào lòng tôi”.
Tám giờ sau, Jessop được con tàu Carpathia giải cứu. Cô vẫn ôm chặt đứa bé vừa được trao. Một người phụ nữ đi qua, lấy đứa bé và bỏ đi. Jessop không bao giờ được nói chuyện với người phụ nữ đó, người mà cô cho là mẹ của đứa bé, và rất ngạc nhiên khi thậm chí không nhận được một lời cảm ơn.
Trớ trêu thay, một trong những con tàu đến hỗ trợ tàu Titanic lại là chiếc Olympic. Tuy nhiên, khi họ đề nghị tàu nhận những hành khách được giải cứu, lời đề nghị đã bị từ chối vì sợ vận xui của Titanic sẽ ảnh hưởng đến mình.
Trong vòng vài giờ, Titanic đã chìm. Là một người Công giáo sùng đạo, Jessop sau này kể lại rằng cô vừa đọc xong một lời cầu nguyện bằng tiếng Do Thái nhằm mong được bảo vệ khỏi lửa và nước thì tàu Titanic va chạm với tảng băng trôi. Cô viết trong cuốn hồi ký “Titanic Survivor” (Người sống sót trên Titanic): “Tôi biết rằng nếu tôi muốn tiếp tục cuộc sống trên biển của mình, tôi sẽ phải quay trở lại ngay lập tức. Nếu không, tôi sẽ sợ hãi”.
Tác giả George Behe cho biết: “Lý do thứ hai khiến Jessop không thay đổi nghề nghiệp là sức khỏe của cô. Trong suốt thời thơ ấu, cô ấy từng bị xuất huyết phổi, bệnh ban đỏ và những căn bệnh khác khiến cô có phổi rất yếu”. Ông giải thích rằng điều đó có nghĩa là Jessop cần không khí trong lành liên tục và đại dương là nơi phù hợp. Jessop nói: “Vì vậy, bất chấp nỗi sợ hãi. Tôi đã chọn biển”.
Bốn năm sau, Jessop lại rơi vào con đường thảm họa. Cô đã được đào tạo để làm y tá cho Hội Chữ thập đỏ và vào tháng 11/1916, cô làm việc trên một chiếc tàu khác của hãng White Star Line: tàu HMHS Britannic.
Britannic được coi là an toàn hơn cả hai con tàu đó vì đã được cải thiện thiết kế sau khi tàu Titanic bị chìm. Con tàu đã được sử dụng làm tàu bệnh viện trong chiến tranh để vận chuyển lính bị thương trở về Anh.
Vào ngày 21/11/1916, khi đang ở biển Aegean, tàu Britannic trúng phải một quả thủy lôi của Đức và bắt đầu chìm. Jessop lại trải qua một lần suýt chết. Lần thứ ba trong vòng 5 năm, Jessop sống sót sau một vụ đắm tàu. Jessop đã lên được thuyền cứu sinh nhưng suýt chết khi thuyền cứu sinh gần như bị hút xuống nước do các cánh chân vịt của con tàu đang chìm. Cô buộc phải nhảy xuống nước, đầu đập vào mạn tàu, dẫn đến chấn thương mà bác sĩ chẩn đoán nhiều năm sau đó là nứt hộp sọ và khiến cô thường xuyên đau đầu. Thật không may, 30 hành khách trên tàu đã không sống sót như cô.
Không nản lòng trước thảm họa, Jessop trở lại làm tiếp viên và y tá trên tàu cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1950. Trong đó, có quãng thời gian làm việc lần nữa với hãng White Star Line vào những năm 1920 và 5 chuyến đi khắp thế giới. Rất may là không có thêm sự cố nào trong suốt phần còn lại cuộc đời trên tàu của Jessop.
Jessop cuối cùng chết vì nguyên nhân tự nhiên vào năm 1971 ở tuổi 83. Khoảng một năm trước đó, theo học giả về Titanic John Maxtone-Graham, người đã biên tập cuốn hồi ký của Jessop, Jessop đã nhận được một cuộc điện thoại vào đêm khuya từ một người lạ. Người này hỏi liệu bà có phải là Violet Jessop - người đã cứu một em bé trên tàu Titanic hay không. Đây là chuyện mà bà chưa bao giờ kể lại cho bất kỳ ai. Cho dù người đó chỉ trêu đùa hay là đứa bé nay đã trưởng thành, thì bà cũng không bao giờ biết tin gì từ họ nữa.