Nhiều khó khăn trong đăng kiểm phương tiện thủy

04/05/2022

Theo Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) Đinh Quốc Vinh, đơn vị này đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm phương tiện thuỷ.

Ông Đinh Quốc Vinh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, đơn vị hiện nay có nhiệm vụ quản lý chuyên ngành và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn thành phố Hà Nội và 16 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Hoà Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm trong phạm vi địa phương được Cục Đăng kiểm Việt Nam giao, Chi cục Đăng kiểm số 1 đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Theo ông Đinh Quốc Vinh, khó khăn đầu tiên phải kể đến ý thức của người dân nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Một bộ phận khá lớn chủ phương tiện trong địa bàn Chi cục Đăng kiểm số 1 quản lý là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc và Tây bắc. Mức độ nắm bắt quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa, quy định đăng ký, đăng kiểm của chủ phương tiện, chủ cơ sở đóng, sửa tàu, thuyền có nhiều hạn chế.

“Thậm trí người dân không hiểu bản chất đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, chứng nhận về điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cho phương tiện của chính họ, nhất là trước các diễn biến bất thường, phức tạp như mưa, gió, dông, bão, quá tải khi khai thác, vận hành tàu, thuyền”, ông Đinh Quốc Vinh chia sẻ.

Khó khăn không thể không nhắc tới theo ông Đinh Quốc Vinh phải kể tới đó là cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải phương tiện tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc còn thô sơ, mang tính chất dân sinh.

Cụ thể, hiện nay, trừ các doanh nghiệp tại khu vực nhà máy đóng tàu Sông Lô (Phú Thọ), các cơ sở còn lại trong địa bàn hầu hết chưa đạt chuẩn theo quy định. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo Chi cục Đăng kiểm số 1 và phòng chuyên môn hỗ trợ nhiều địa phương về kỹ thuật, tuy nhiên các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền vẫn còn khiếm khuyết, tồn tại, chưa đạt yêu cầu quy chuẩn nhất là về mặt bằng đất, bến thủy, giấy phép xây dựng, ... Nhiều tỉnh hầu như không có cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện. Tại các cơ sở thô sơ trên địa bàn, hiện tượng tự đóng phương tiện không có hồ sơ thiết kế được thẩm định, thi công không theo quy trình, không đề nghị cơ quan đăng kiểm giám sát vẫn diễn ra.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, theo thống kê của Chi cục Đăng kiểm số 1, phương tiện chủ yếu là loại nhỏ, dân dụng của người dân, trong số đó nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết phương tiện được đóng từ lâu theo thói quen dựa vào mẫu dân gian và kinh nghiệm. Một số lớn các phương tiện này không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, do vậy rất khó khăn trong việc chứng nhận đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, khi sử dụng phương tiện, người dân thường xuyên thay đổi thông số kỹ thuật và công dụng phương tiện như thay động cơ, kích thước, chuyển đổi công dụng từ chở hàng thành chở người khi vào mùa lễ hội và ngược lại khi vào mùa vụ khai thác nông sản, …

Ngoài khó khăn trên thì việc thì việc thu phí đăng kiểm rất vất vả do phần nhiều chủ phương tiện nhỏ loại dân sinh, gia dụng là người dân tộc thiểu số miền núi, đồng bào nghèo. Đời sống của chủ phương tiện rất khó khăn, nên việc thu giá, lệ phí đăng kiểm cũng ít nhiều bị ảnh hưởng đặc biệt là giá đăng kiểm phương tiện lần đầu. Hiện nay có gần 200 phương tiện loại nhỏ, vào đăng kiểm lần đầu năm 2021, Chi cục Đăng kiểm số 1 đã lập hồ sơ, in giấy chứng nhận nhưng người dân không nhận do phải trả giá đăng kiểm.


Đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, ông Đinh Quốc Vinh cho hay, Chi cục Đăng kiểm số 1 mong muốn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, phối hợp trong tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa và tổ chức kiểm tra, rà soát, chứng nhận cho phương tiện từ các xã, huyện, tỉnh và các cơ quan tuần tra, kiểm soát. Sự hợp tác, phối hợp từ địa phương và các cơ quan chức năng không những giúp nâng cao hiệu quả công tác đăng kiểm, pháp luật dễ đi vào cuộc sống của bà con vùng sâu, vùng xa mà còn để cùng hiểu, cùng biết và cùng quản lý phương tiện, chủ phương tiện.

Giải pháp tiếp theo đó là đơn giản hóa điều kiện đối với cơ sở đóng tàu, ông Đinh Quốc Vinh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét không đưa nội dung về mặt bằng đất, bến thủy, giấy phép xây dựng trong yêu cầu về điều kiện của cơ sở đóng tàu. Một số cơ sở đóng tàu thuyền dân gian tại khu vực vùng cao không thể đáp ứng điều kiện, đề nghị để tồn tại và sẽ tuyên truyền, nâng cao chất lượng trong thời gian nhất định.

Đặc biệt giải pháp quan trọng theo ông Vinh đó là cần mở rộng phạm vi phương tiện không thuộc diện đăng ký, đăng kiểm bởi các phương tiện dân sinh, gia dụng tại các tỉnh (Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Giang, Hòa Bình…) thường nhỏ, chỉ hoạt động vì mục đích dân sinh theo mùa vụ, tham gia giao thông đường thủy ở cự ly ngắn, phạm vi hẹp trong các sông, suối, hồ. Việc áp dụng các quy định về đăng ký, đăng kiểm theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa cho loại phương tiện này còn nhiều bất cập.

“Khi sửa Luật Giao thông đường thủy nội địa, Chi cục Đăng kiểm số 1 đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét đưa ra quy định phù hợp cho loại phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 5 đến 15 tấn, công suất máy từ  từ 5 đến 15 mã lực”, ông Đinh Quốc Vinh cho hay.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời gian qua, các đơn vị chức năng đã  thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các chủ thuyền có điều kiện làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm. Đặc biệt, các cơ quan đăng ký của đã phối hợp với nhiều cơ quan liên ngành tăng cường tuyên tuyền các chủ phương tiện về các quy định của pháp luật cũng như các điều kiện về an toàn giao thông đường thủy. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân vẫn còn một bộ phận không nhỏ chủ thuyền vẫn chưa tiến hành đăng ký, đăng kiểm như quy định.

Đề tăng cường các giải pháp nâng cao việc đăng kiểm các phương tiện thủy, qua đó nâng cao an toàn giao thông đường thủy, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã làm việc với các địa phương về hoạt động đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Hàng năm, Cục Đăng Kiểm Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra các điểm nóng về phương tiện thủy giao thông thủy nội địa.

Để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, trong thời gian qua các thủ tục đăng ký, đăng kiểm nói chung và đăng ký đăng kiểm phương tiện thủy nói riêng đã được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam cắt giảm tối đa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với những phương tiện người dân và doanh nghiệp đã đóng trước đó không có thiết kế, không cớ sự giám sát của cơ quan đăng kiểm, những phương tiện này không theo một phương thức tiêu chuẩn nào… nên không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

Đây là vướng mắc chưa có giải pháp để giải quyết (vì muốn thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn thì chủ phương tiện cần phải sửa chữa, hoán cải và thử nghiệm lại, như vậy cần đầu tư kinh phí). Trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ phối hợp với các ngành chức năng đề nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp.

Được biết, năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, Chi cục Đăng kiểm số 1 đã kiểm tra, chứng nhận cho hơn 2.700 lượt phương tiện thủy nội địa.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng các địa phương tập trung thực hiện công tác đăng kiểm mới, đăng kiểm lần đầu cho phương tiện cỡ nhỏ nhiều nhất là tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Bắc Giang, Bắc Kạn, Yên Bái.

Qua hơn 10 kỳ phối hợp, rà soát đã đăng kiểm lần đầu được 294 phương tiện. Thông qua các đợt phối hợp đăng kiểm với địa phương đã phát 400 bộ hồ sơ tuyên truyền về an toàn thông đường thủy nội địa./.