Đăng kiểm Việt Nam, chặng đường 58 năm thành lập và phát triển (25/4/1964-25/4/2022)

22/04/2022

Sau 58 năm thành lập và phát triển, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã khẳng định được vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện GTVT, công trình dầu khí biển.

Phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng minh bạch, hiệu quả
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, những năm gần đây, Cục ĐKVN đã có nhiều đổi mới, cải cách và hiện đại hóa hành chính trong lĩnh vực được giao quản lý. Phương châm trên giúp lĩnh vực đăng kiểm làm tốt vai trò quản lý trong lĩnh vực được giao và nhận được sự ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

LLOYD 1984 (1).jpg 

Cố cục trưởng Cục ĐKVN Đinh Văn Khai ký thoả thuận với Đăng kiểm Lloyd năm 1984

Được biết, đăng kiểm là lĩnh vực đầu tiên của ngành GTVT thí điểm triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, cục ĐKVN đã xây dựng phần mềm để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cho 50 thủ tục hành chính, trong đó có 7 thủ tục về kiểm tra chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ nhập khẩu thực hiện trên Cổng 1 cửa ASEAN và 43 thủ tục hành chính khác trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT. Các thủ tục hành chính về kiểm tra chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp đã thực hiện trực tuyến 100% khối lượng hồ sơ và cấp ra các giấy chứng nhận chất lượng nhập khẩu dưới dạng chứng chỉ số được chấp nhận bởi các cơ quan nhà nước như: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Cục Cảnh sát giao thông...

Cục ĐKVN cũng đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ GTVT hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu Đăng kiểm có ký số với cơ quan Thuế, Cục Cảnh sát Giao thông đảm bảo triển khai, thu lệ phí trước bạ điện tử và thực hiện thủ tục đăng ký xe trực tuyến trên Cổng thông tin quốc gia.

Với việc đưa vào hoạt động Bộ phận hành chính một cửa, một cửa liên thông hiện đại ứng dụng đồng bộ hệ thống phần mềm “một cửa”, “một cửa liên thông” và các chương trình hỗ trợ quản lý, điều hành tác nghiệp đã giúp cơ quan đăng kiểm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn.

Cũng chính từ hoạt động cải cách thủ tục và phương thức quản lý hiện đại, chất lượng phương tiện giao thông đã được cải thiện rõ rệt, tương đồng với khu vực và trên thế giới. Không chỉ các dòng xe ô tô, xe máy chất lượng cao, đáp ứng quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tiệm cận và ngang bằng Châu Âu. Ngoài ra cũng có thể kể đến đội tàu biển treo cờ Việt Nam chạy tuyến quốc tế đã tăng lên hơn 620 chiếc; phương tiện đường sắt cũng ngày được nâng cao, trong đó tuyến đường sắt đô thị đã được vận hành tại Việt Nam…

 6e66d9c772c2bf9ce6d3.jpg

Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam

Xây dựng hơn 200 quy phạm, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia

Tới nay, tất cả những hoạt động liên quan tới đăng kiểm hiện đã được luật hoá ở mức độ cao nhất thông qua hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật như: bộ Luật Hàng Hải Việt Nam, Luật Giao thông Đường thuỷ nội địa, Luật Giao thông Đường Bộ, Luật Đường sắt, Luật Dầu khí…kèm theo là hệ thống các nghị định và thông tư hướng dẫn.

Song hành với đó là cả hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Cục ĐKVN được biên soạn tương đương với hệ thống quy phạm của những tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới, thường xuyên được bổ sung, cập nhật theo các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, công ước quốc tế như: MALPOL 73/78, SOLAS 74, Colreg 72…

Tới nay, Cục ĐKVN đã có hệ thống hơn 200 quy phạm, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật sử dụng cho tàu biển, phương tiện thuỷ nội địa, đường sắt, xe cơ giới đường bộ… hài hoà với khu vực và thế giới. Đó là điều kiện thuận lợi để Cục ĐKVN có vị thế pháp lý chắc chắn trong quá trình thực thi nhiệm vụ hiện nay.

Chính phủ và Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Cục ĐKVN chủ trì Nhóm công tác xe cơ giới và phụ tùng để triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai len (UKFTA). Song song với đó, Cục cũng đang triển khai thực hiện Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau của ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới (APMRA) và tiếp tục thực hiện thủ tục để ký kết tham gia hiệp định UNECE 1958 1958 trước tháng 8 năm 2023.

Hiện đại ngang tầm khu vực và và các nước tiên tiến

Song song với thiết lập hệ thống quy chuẩn chất lượng phương tiện GTVT, hệ thống quản lý, chứng nhận trong lĩnh vực đăng kiểm được thực hiện theo phương thức tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và phù hợp với khu vực ASEAN và các nước tiên tiến.

Có thể kể đến, Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới và các trung tâm đăng kiểm xe ô tô lưu hành, trang thiết bị thử nghiệm, kiểm tra, kiểm định hiện đại, tương ứng với các nước tiên tiến, đảm bảo an toàn chủ động và bị động. Hệ thống quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm được quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO; tính chất tự động hóa, quản lý dữ liệu tập trung và số hóa ngày càng mạnh mẽ.

Trung tâm thử nghiệm phương tiện Việt Nam có quy mô 53,5 ha, tới đây có thể thực hiện được các phép thử an toàn chủ động và an toàn bị động phục vụ cho việc thử nghiệm, chứng nhận các phương tiện mới, thử nghiệm công nghệ mới như: xe điện, xe tự lái, xe kết nối và các hình thức giao thông phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, Trung tâm Thử nghiệm Khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện là nơi thử nghiệm được mức Euro 5, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp trong nước do không phải đưa mẫu thử ra nước ngoài.

Các giai đoạn phát triển của ĐKVN luôn chú trọng nguồn nhân lực và đổi mới để xây dựng bộ máy bền vững, đáp ứng nhiệm vụ Bộ GTVT giao. Nhờ đó, từ chỗ ban đầu chỉ có 17 cán bộ kỹ thuật, đến nay Cục ĐKVN đã tổ chức được Hội đồng Khoa học với các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực phương tiện cơ giới đường bộ, đường sắt, đường thuỷ (hàng hải và thuỷ nội địa)…; xây dựng được nguồn nhân lực lớn về đăng kiểm. Nhiều đăng kiểm viên, đánh giá viên của Cục ĐKVN được các tổ chức đăng kiểm quốc tế công nhận, ủy quyền để thay mặt họ để kiểm định, đánh giá an toàn trong lĩnh vực hàng hải.

Quá trình 58 năm thành lập, xây dựng và phát triển (25/4/1964-25/4/2022), đã khẳng định vai trò, sự đóng góp quan trọng của ĐKVN trong sứ mệnh đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với phương tiện giao thông, bảo vệ an toàn sinh mạng con người và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

“Đạt được thành tựu như trên là nhờ công lao của nhiều thế hệ đăng kiểm. Cán bộ, công chức, viên chức Cục ĐKVN hiện nay tiếp tục phát huy, luôn nỗ lực để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao, hướng tới mục tiêu ổn định để phát triển”, Cục trưởng Cục ĐKVN Đặng Việt Hà chia sẻ.

Các dấu mốc lịch sử của Cục Đăng kiểm Việt Nam

* 25/4/1964: Thành lập Ty Đăng kiểm

* 17/7/1979: Chính phủ quyết định chuyển Ty Đăng kiểm thành Cục ĐKVN

* 20/7/1980: Lần đầu tiên ký thoả thuận hợp tác song phương với cơ quan đăng kiểm nước ngoài (Đăng kiểm Đức)

* 10/6/1981: ĐKVN gia nhập Tổ chức Đăng kiểm quốc tế (OTHK)

* 12/6/1984: Việt Nam gia nhập Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), ĐKVN là Văn phòng thường trực IMO Việt Nam

* 15/5/1992: Triển khai giám sát kỹ thuật và phân cấp Công trình biển

* 15/8/1994: Triển khai kiểm tra chứng nhận chất lượng Sản phẩm công nghiệp1/8/1995: Triển khai kiểm định Phương tiện cơ giới đường bộ

* 15/7/2003:  Triển khai đăng kiểm Đường sắt

* 16/9/2003: Là thành viên chính thức của Tổ chức kiểm định ô tô Quốc tế (CITA)

* 25/4/2004: Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

* 25/4/2009: Đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

* 22/8/2015: Đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì

* 8/6/2020: Quốc hội ban hành Nghị quyết số 102/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và phê duyệt chủ trương gia nhập Hiệp định của Liên Hiệp Quốc về quy định kỹ thuật thống nhất đối với phê duyệt kiểu xe cơ giới, phụ tùng, thiết bị sử dụng trên xe cơ giới và điều kiện để công nhận lẫn nhau đối với giấy chứng nhận phê duyệt kiểu (Hiệp định UNECE 1958).

16/01/2021: Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới (APMRA) được 10 nước ASEAN ký kết. Cục ĐKVN là cơ quan được Bộ GTVT giao nhiệm vụ đàm phán và tổ chức triển khai thực hiện Thoả thuận APMRA.