MTWG ASEAN lần thứ 42: cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác hiệu quả

10/03/2022

Được Bộ GTVT giao làm Trưởng Nhóm công tác giao thông vận tải hàng hải (MTWG) Việt Nam, trong hai ngày 9, 10/3/2022, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục đăng cai và chủ trì các hội nghị MTWG lần thứ 42 (nhiệm kỳ 2022-2023). Việt Nam đã tổ chức Hội nghị MTWG ASEAN lần đầu tiên nhiệm kỳ 2008-2009 và năm nay, một lần nữa Việt Nam đảm nhận vai trò đặc biệt này.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang với vai trò là Chủ tịch phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị MTWG ASEAN lần thứ 42 được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 10 Chương trình nghị sự. Thành phần tham dự bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), các đối tác đối thoại: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và các hiệp hội khu vực của ASEAN... Trưởng đoàn Việt Nam và Brunei sẽ lần lượt là Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hội nghị MTWG ASEAN lần thứ 42.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang với vai trò là Chủ tịch Hội nghị cho biết: Trong 2 năm qua của đại dịch Covid-19, các quốc gia thành viên ASEAN đã kịp thời thích ứng và đối phó với các tình huống bất lợi trong lĩnh vực vận tải biển như tắc nghẽn cảng, sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng và các vấn đề thiếu container bằng cách hợp tác hiệu quả và chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện các giải pháp và biện pháp ứng phó liên quan. Đặc biệt, tại MTWG lần thứ 41, Hội nghị đã ghi nhận một số tiến bộ nổi bật về cải thiện khả năng phục hồi vận chuyển container bằng cách tổ chức hội thảo trực tuyến, trong đó Thái Lan hành động rất có trách nhiệm và tích cực với tư cách là quốc gia dẫn đầu.

“Hơn nữa, liên quan đến vấn đề này, sáng kiến xây dựng một nghiên cứu thực tế, trong đó các chính phủ ASEAN có thể áp dụng để tăng cường tính bền vững, khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của vận chuyển container”, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang chia sẻ và tin rằng một dự thảo của sáng kiến này sẽ được cập nhật vào cuộc họp ngày hôm nay.

Hội nghị MTWG ASEAN lần thứ 42 được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 10 Chương trình nghị sự

“Thông qua chương trình nghị sự của Hội nghị, tôi muốn nhấn mạnh về một số vấn đề quan trọng khác cần được tập trung hơn nữa, đó là: quản lý môi trường tại cảng biển, các chính sách và chiến lược liên quan đến giao thông bền vững và các vấn đề đang chờ xử lý khác như Hiệp định Vận tải Hàng hải ASEAN-Ấn Độ, xây dựng hướng dẫn về cảng thông minh... Do đó, tôi đề nghị các nước thành viên ASEAN tích cực trao đổi, đóng góp ý kiến cụ thể để góp phần tổ chức một hội nghị thành công và hiệu quả. Tôi cũng hy vọng rằng năm 2022, chúng ta sẽ bắt đầu nối lại các hoạt động và chương trình đã bị trì hoãn do tác động của đại dịch Covid-19”, ông Hoàng Hồng Giang nói.

Hội nghị MTWG lần thứ 42 bao gồm 10 Chương trình nghị sự với các nội dung: Triển khai các biện pháp liên quan đến vận tải hàng hải theo kế hoạch chiến lược vận tải Kuala Lumpur (KLTSP); Sáng kiến giao thông hàng hải nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19; Kế  hoạch công tác MTWG 2022-2023; Hợp tác giao thông ASEAN với các tổ chức thuộc khu vực tư nhân; Hợp tác giao thông với các đối tác đối ngoại; Hợp tác giao thông với các đối tác đối thoại; Hợp tác IMO-ASEAN…

Hội nghị đã nghe Ban Thư ký ASEAN đã tóm tắt về các diễn biến liên quan và các hoạt động tiếp theo từ Hội nghị Quan chức cấp cao Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 52 và Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải ASEAN (ATM) lần thứ 27 được tổ chức theo hình thức trực tuyến lần lượt vào ngày 2/11/2021 và ngày 11/11/2021.

Nhiều vấn đề được thảo luận và thông qua tại hội nghị MTWG lần thứ 42

Cũng tại Hội nghị, nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo và đạt được thống nhất như: Đầu tư phát triển và giám sát Chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI) đối với hiệu quả của hệ thống cảng biển; Khắc phục những ảnh hưởng đối với ngành Hàng hải do đại dịch Covid, Hoạt động hợp tác, hỗ trợ trong công tác đào tạo; Hiện thực hóa thị trường vận tải biển thống nhất ASEAN (ASSM) thông qua việc thực hiện các chiến lược và biện pháp đã được thống nhất; Thành lập một cơ quan điều phối quốc gia, để giám sát việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và cảng, cơ quan này sẽ lập quy hoạch tổng thể quốc gia về phát triển cảng và đường bộ để tiếp cận cảng tốt hơn; Phát triển một cách hiệu quả và tích hợp mạng lưới giao thông đường thủy nội địa (IWT); Cải thiện hơn nữa mối liên kết giữa các quốc gia trong khu vực sông Mekong; Cải thiện chất lượng và hiệu quả của việc quản lý An toàn, Sức khỏe và Môi trường (SHE) đối với các cảng đã chọn; Cải thiện chất lượng và hiệu quả của việc quản lý An toàn, Sức khỏe và Môi trường (SHE) đối với các cảng đã chọn; Xác định nhu cầu đào tạo để cải thiện hơn nữa an toàn giao thông vận tải trong khu vực; Bắt đầu hợp tác để tìm hiểu các yêu cầu của khu vực về công nghệ quản lý nước dằn (BWM) cho các tàu ven biển, bao gồm đánh giá rủi ro, các biện pháp khẩn cấp và khảo sát cơ bản sinh học cảng; Xác định và thực hiện các biện pháp chính về giao thông bền vững…

Các quốc gia thành viên và các quốc gia đối thoại đã cập nhật trước Hội nghị về tiến độ của các Dự án, các vấn đề được phân công phụ trách. Việt Nam cũng đã chia sẻ sáng kiến “Cải thiện công tác quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam” và khả năng hợp tác khu vực trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” của EU.

Quan trọng nhất, Hội nghị đã thảo luận và thông qua tiến độ thực hiện Kế hoạch Công tác MTWG 2022-2023.