Phát triển phương tiện xanh: Từng bước chuyển đổi theo cam kết COP26

18/02/2022

Hiện Việt Nam đang từng bước chuyển đổi; đặc biệt, công nghiệp đang là một trong một trong những lĩnh vực cần chuyển đổi mạnh mẽ; trong đó xu hướng phát triển giao thông xanh, giao thông thông minh...

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Có thể khẳng định cam kết này là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, đưa Việt Nam hội nhập với khoảng 140 nước trên thế giới thực hiện NetZero vào năm 2050.

Để hiện thực hóa cam kết này, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức; trong đó có việc thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế, hướng đến đầu tư và sử dụng công nghệ xanh trong mọi lĩnh lực.

Hiện Việt Nam đang từng bước chuyển đổi; đặc biệt, công nghiệp đang là một trong một trong những lĩnh vực cần chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó xu hướng phát triển giao thông xanh, giao thông thông minh là hướng đi đúng đắn để tạo ra sự bền vững.

Hiện nay, các chủ trương và định hướng về thúc đẩy sử dụng các loại phương tiện thân thiện với môi trường của Việt Nam đã được xác định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, thị trường sản phẩm xe điện đang được đánh giá là hấp dẫn với các nhà đầu tư khi góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Báo cáo của Cục Đăng kiểm cho thấy sự gia tăng xu hướng phát triển của xe điện so với xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống.

Nhiều mẫu xe thân thiện với môi trường

Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, cần sự quan tâm và hành động của tất cả mọi người nhằm hạn chế tác động tiêu cực, cải thiện dần những tổn thương đến môi trường, nhất là khi thời kỳ phổ biến sử dụng ôtô tại Việt Nam đang ngày càng gần hơn, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng ở các đô thị lớn mà phương tiện giao thông là tác nhân chính do khí xả mang theo chất độc hại như CO, Pb, NOx… Vì vậy, để từng bước hạn chế tình trạng này, hướng đến cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, những năm qua, các nhà sản xuất ôtô đã không ngừng đổi mới công nghệ, giới thiệu những dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, thân thiện với môi trường.


Theo đại diện Bộ Công Thương, thúc đẩy phát triển xanh là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất, thúc đẩy sử dụng các loại xe công nghệ xanh, thân thiện với môi trường của Việt Nam đòi hỏi phải có chính sách phù hợp cũng như vai trò của các công cụ kinh tế; trong đó có công cụ chính sách thuế để thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, đặc biệt ngành công nghiệp ôtô, cần có các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường; chính sách thuế nhập khẩu và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu...

Chính phủ cũng như Bộ Công Thương luôn ủng hộ việc doanh nghiệp sản xuất và giới thiệu các mẫu xe thân thiện với môi trường ở Việt Nam. Định hướng này đã được thể hiện rất rõ trong Chiến lược và quy hoạch ngành ôtô cũng như các chính sách khác có liên quan khác. Hiện nay, các hãng xe ôtô đều từng bước chuyển đổi sang các dòng xe thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, Toyota đã có dòng xe sử dụng công nghệ hybrid, mở ra giai đoạn mới về công nghệ xanh, thân thiện với môi trường trong ngành ôtô, Toyota đã công bố Thử thách môi trường Toyota năm 2050 và tự đặt ra những thách thức sẽ thực hiện để giảm hết mức tác động tiêu cực của ôtô đến môi trường toàn cầu. Ford Việt Nam đưa vào sử dụng thế hệ động cơ ecoboost, thân thiện với môi trường khi tiết kiệm nhiên liệu hơn 20% so với động cơ thông thường và cắt giảm được 15% lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Hãng xe tải Fuso chạy bằng điện với công nghệ canter e-cell zero CO2, giúp giảm chi phí vận hành xuống 64% so với các xe tải động cơ diesel thông thường, dòng xe này không tạo tiếng ồn và không khí thải đáp ứng tiêu chí về tải trọng và hành trình hàng ngày...

Xe ôtô điện được dự đoán là dòng xe ưa chuộng nhất trong 10 năm tới với giá thành tương đối rẻ, chi phí xe thấp và khả năng vận hành ổn định, không phát ra tiếng ồn và bảo vệ môi trường. Xe ôtô điện đang rất được ưa chuộng trên thế giới và sắp tới là Việt Nam khi các hãng xe ôtô tại thị trường Việt Nam đang ráo riết lắp trạm sạc điện và ra mắt các mẫu xe ôtô điện “concept.”

Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý

Thời gian gần đây, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ xanh, công nghệ thân thiện môi trường trong lĩnh vực công nghiệp nặng, với mục tiêu đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc phát triển các dòng xe ôtô sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từng bước góp phần hướng đến cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, các nước cũng như Việt Nam hướng đến sử dụng hợp lý tài nguyên năng lượng sạch, sử dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, đặc biệt hướng tới giảm mức đầu tư, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng.


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết hành lang pháp lý để thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh, phát triển công nghệ sạch, thân thiện môi trường tương đối đầy đủ. Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết và cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ phù hợp với giai đoạn 2021-2030, đó là các chương trình khoa học và công nghệ về năng lượng; về cơ khí tự động hóa; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại doanh nghiệp; đổi mới công nghiệp quốc gia; các chương trình để Việt Nam thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cùng với đó là những chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chương trình về phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đặc biệt, trong dự thảo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030 sắp tới sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia được Bộ chú trọng để phát triển công nghệ xanh, công nghệ thân thiện với môi trường.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện... đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và “phát triển ngành công nghiệp ôtô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông.”

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu dài hạn trong nghiên cứu, thúc đẩy phát triển công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ xanh, đóng góp chung vào nỗ lực giảm thiểu khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu, các chuyên gia cho rằng cần xác định và cung cấp mức tài trợ công phù hợp cho nghiên cứu và phát triển tương ứng với mục tiêu giảm chi phí và mục tiêu giảm thiểu CO2; tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển quốc tế để tận dụng tốt nhất các năng lực quốc gia.

Đây là những chiến lược cần thiết để Việt Nam thực hiện chuyển đổi phù hợp với các mục tiêu khí hậu mà Việt Nam đã cam kết, đặc biệt là cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.