Khai thác, sử dụng tàu thuyền quá niên hạn bị phạt tới 75 triệu đồng
Nghị định số 139/2021/NĐ-CP áp dụng mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi: Không có biển hiệu theo quy định, áp dụng đối với phương tiện chở khách du lịch; không có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định; sử dụng giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị tẩy, xóa, sửa chữa hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo định; không đăng ký lại phương tiện theo quy định hoặc không khai báo để xóa tên phương tiện hoặc khai báo không đúng sự thật để đăng ký phương tiện theo quy định.
Phạt tiền tới 1 triệu đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.
Đối với hành vi: Không có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; không có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy hoặc không có phương án chữa cháy theo quy định bị phạt từ 5-7 triệu đồng.
Lái tàu thuyền có nồng độ cồn bị phạt tới 35 triệu đồng
Bên cạnh đó, Nghị định quy định rõ mức phạt đối với các vi phạm về trách nhiệm của chủ phương tiện, người thuê phương tiện. Theo đó, chủ phương tiện nhận, sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện hoạt động hoặc không đủ định biên theo quy định; nhận, sử dụng thuyền viên làm việc trên phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Mức phạt từ 20-35 triệu đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm: Cho thuê phương tiện không đủ điều kiện hoạt động theo quy định; cho người khác thuê lại phương tiện, thuyền viên trên phương tiện thuê (trừ trường hợp được chủ phương tiện đồng ý bằng văn bản); sử dụng phương tiện thuê làm tài sản thế chấp.
Nghị định quy định thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị phạt tới 35 triệu đồng.
Sửa đổi lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt
Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.
Nghị định số 01/2022/NĐ-CP sửa đổi Khoản 3 và bổ sung Khoản 6 Điều 18 về niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.
Cụ thể, Nghị định số 65/2018/NĐ-CP quy định: 1- Đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị niên hạn sử dụng không quá 40 năm; 2- Đối với toa xe chở hàng chạy trên đường sắt chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng niên hạn sử dụng không quá 45 năm.
Nghị định số 1/2022/NĐ-CP quy định không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt quy định tại 1, 2 nêu ở trên đối với việc thực hiện cứu hộ cứu nạn; dồn dịch trong ga, cảng, trong đề-pô, trong nội bộ nhà máy; điều chuyển giữa các ga, các đề-pô; các đầu máy hơi nước kéo đoàn tàu du lịch; toa xe mặt võng chuyên vận tải phục vụ an ninh, quốc phòng và các loại phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt (*).
Phương tiện giao thông đường sắt quy định tại 1, 2 khi hết niên hạn sử dụng được chuyển thành phương tiện không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng theo quy định tại (*).
Nghị định số 1/2022/NĐ-CP cũng sửa đổi Điều 19 lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.
Theo đó, các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023.
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024.
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025.
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.