Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp lớn trong nước cần có chiến lược rõ ràng phát triển xe điện, xe Hybird (lai điện-xăng) hay các dòng xe thân thiện với môi trường để tạo cạnh tranh chủ động.
Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế; đánh giá cơ sở thử nghiệm đạt tiêu chuẩn để niêm yết với ASEAN; hướng dẫn triển khai thực hiện điều ước quốc tế.
“Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN:09/2015/BGTVT). Trong đó, bổ sung quy chuẩn về xe ô tô điện để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá và chứng nhận chất lượng phương tiện.
Quy chuẩn về xe điện sẽ được xây dựng theo hướng hài hòa với các quy định quốc tế về dòng xe điện và phù hợp điều kiện thực tế trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển dòng xe ô tô thân thiện với môi trường.
Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ GTVT), phương tiện điện bao gồm xe hai bánh và xe bốn bánh, những năm gần đây, xe hai bánh phát triển rất rầm rộ. Các quy chuẩn liên quan đến xe hai bánh đến nay cơ bản đã có những quản lý rõ ràng. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của phương tiện bốn bánh, hiện tương đối nhiều, các cơ quan ban ngành như Bộ GTVT, Bộ Khoa học và Công nghệ hàng năm đều có những cập nhật, bổ sung.
Hiện những tiêu chuẩn phục vụ nhà sản xuất, nhập khẩu nghiên cứu áp dụng cho việc ra sản phẩm có khoảng 40 tiêu chuẩn, trong đó, xe máy điện khá đầy đủ còn về ô tô cũng tương đối nhưng vẫn tiếp tục được cập nhật.
Về tiêu chuẩn trạm sạc, những năm gần đây, Vụ KH&CN phối hợp các đơn vị xây dựng được 4 tiêu chuẩn, giúp các nhà sản xuất có cơ sở để đầu tư, xây dựng trạm sạc. Việt Nam là quốc gia đi sau không thể nghĩ ra được tiêu chuẩn mà cần có sự học hỏi, chuyển đổi từ các tiêu chuẩn quốc tế. Đối với nhóm ô tô, trong 40 tiêu chuẩn phương tiện nói chung có rất nhiều tiêu chuẩn liên quan đến ô tô.
Về hệ thống quy chuẩn, hàng năm, đặc biệt trong năm 2021, Bộ GTVT cũng đưa ra nhiệm vụ cập nhật thêm vào QC 09/2015, được coi là nhiệm vụ cấp thiết, hiện Vụ KH&CN đã xây dựng dự thảo và sẽ ban hành vào năm 2022. Trong quá trình xây dựng, mong rằng các nhà sản xuất ô tô, trong đó có VinFast là đơn vị tiên phong, sẽ có những đóng góp, tham gia cùng hoàn thiện QC 09/2015.
Đối với xe bốn bánh, việc an toàn về điện và pin là những điều kiện bắt buộc đưa vào quản lý với hàng hoá nhóm 2, phải ban hành quy chuẩn, chúng tôi đã đưa vào kế hoạch năm 2022 phải ban hành quy chuẩn về pin. Tuy nhiên, để đầu tư việc thử theo quy chuẩn quốc tế của pin đang gặp nhiều khó khăn, nan giải vì các thiết bị thử rất phức tạp, để khắc phục có thể áp dụng phòng thử ở nước ngoài với quy trình kiểm tra nghiêm khắc.
"Bộ GTVT đang nỗ lực hoàn thiện các quy chuẩn sớm để kiểm soát được khi xe điện phát triển. Bộ sẽ quản lý từ cổng sạc trở vào xe, các hạ tầng, quy chuẩn trạm sạc cần có sự tham gia của Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Về chiến lược phát triển xe điện tại Việt Nam, Bộ GTVT có giao cho các Sở GTVT xây dựng tiến độ nhưng hiện mới chỉ dừng lại ở đề cương. Tôi rất đồng tình với đại diện VAMA mong muốn có lộ trình chuyển đổi dần dần, từ phương tiện hybrid sang xe điện hoàn toàn để từ đó có chính sách về thuế, phí sao cho phù hợp", ông Trần Quang Hà nói.
Cũng theo đại diện Vụ KH&CN, Chính phủ đang hoàn thiện ban hành nghị định về thuế trước bạ cho xe thuần điện, do đó cơ hội góp ý cho việc phát triển xe điện của Việt Nam còn rất dài. Về lộ trình phát triển xe điện trước đây, trong dự thảo đã bỏ quy định cứng năm bao nhiêu có bao nhiêu xe điện để phù hợp hơn với tình hình phát triển trong nước.