Thách thức net zero của chuỗi cung ứng

09/11/2021

Các nhà cung ứng ở thị trường mới nổi nếu không kịp thời 'xanh hóa' sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Gần 80% các công ty đa quốc gia sẽ bắt đầu loại thải những nhà cung cấp chậm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh vào năm 2025 và 15% đã bắt đầu triển khai quá trình này, theo một báo cáo của Standard Chartered dựa trên cuộc khảo sát các nhà điều hành doanh nghiệp tại 400 công ty lớn nhất thế giới. Vì có tới hơn 70% lượng thải khí của các công ty này đến từ chuỗi cung ứng, nên việc cắt giảm lượng khí thải từ chuỗi cung ứng là bước đầu tiên trong chiến lược chống biến đổi khí hậu.

“Tại hầu hết các công ty, các hoạt động sản xuất kinh doanh của chính họ chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong tổng lượng thải khí. Chuỗi cung ứng của họ mới chiếm một tỉ trọng đáng kể hơn nhiều”, Tom Delay, CEO của Carbon Trust, công ty tư vấn khí hậu phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh, cho biết. Thực tế mới và đầy thách thức này ngày càng hiện rõ khi các doanh nghiệp đang nỗ lực đạt đến net zero hay trung lập carbon - một mục tiêu mà bao gồm lượng thải khí “Scope 3”, tức lượng khí nhà kính được thải ra qua chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp và một khi các sản phẩm của họ được sử dụng.


Bốc dở container ở Tân Cảng - Cái Mép.

Tại Novartis, các nhà cung cấp - từ nhà sản xuất các thành phần thuốc, vật liệu và thành phẩm cho đến các công ty vận tải và bất động sản - tạo ra tới hơn 90% tổng lượng thải khí "Scope 3" của hãng dược Thụy Sĩ này, theo Montse Montaner, Giám đốc Bền vững Novartis. Tương tự, lượng khí thải từ phía nhà cung cấp chiếm tới 80% tổng lượng khí thải của hãng viễn thông Mỹ Verizon, theo James Gowen, đứng đầu các hoạt động chuỗi cung ứng và Giám đốc Bền vững tại Verizon.

Đáng chú ý, khảo sát của Standard Chartered chỉ ra 57% tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng thay thế nhà cung ứng ở các thị trường mới nổi bằng nhà cung ứng ở các thị trường phát triển mà ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nếu điều đó giúp họ đạt được mục tiêu net zero. 400 công ty lớn nhất do Standard Chartered khảo sát có ít nhất một nhà cung ứng đặt ở Bangladesh, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Kenya, Malaysia, Nigeria, Nam Phi, Hàn Quốc, Singapore hay UAE. Trong 12 quốc gia và vùng lãnh thổ này, khoảng 1/3 nhà xuất khẩu, tương ứng giá trị 1.600 tỉ USD, nằm trong "tầm ngắm" net zero của các tập đoàn đa quốc gia.

“Đối với những nhà cung ứng đi tiên phong triển khai net zero, các cơ hội lớn đang chờ đợi ở phía trước. Còn những ai không nhanh chân giải quyết thách thức này sẽ mất đi cơ hội tiếp cận chiếc bánh lớn trong tương lai gần”, Simon Connell, đứng đầu chiến lược bền vững tại Standard Chartered, nói.


Chắc chắn, việc loại bỏ các nhà cung ứng “dưới chuẩn” sẽ giúp Apple, Royal Dutch Shell hay Unilever... nhanh chóng tiến gần với mục tiêu net zero đã đặt ra, nhưng đồng thời sẽ tác động đến các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt với những thiệt hại kinh tế và xã hội nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. “Đây là một tiếng chuông thức tỉnh cho các nhà cung ứng”, Amit Puri, đứng đầu bộ phận quản lý rủi ro xã hội và môi trường toàn cầu của Standard Chartered, nhận định.

Để đẩy nhanh quá trình xanh hóa, sự can thiệp của các doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng cũng ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhưng với mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, đây là một thách thức đầy cam go. Có thể thấy một công ty lớn có thể có tới hàng ngàn nhà cung ứng, mà chủ yếu là những nhà cung ứng nhỏ tại hàng chục quốc gia. Hầu hết các nhà cung ứng này lại chỉ là một phần trong các chuỗi cung ứng khác, cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho những người mua khác. “Chúng ta không có quyền kiểm soát về mặt pháp lý đối với những nhà cung ứng này, trong khi chúng ta lại liên đới với họ ở góc độ tác động môi trường”, Patrick Flynn, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Bền vững tại Salesforce (Mỹ), đánh giá.

Sự liên đới rất lớn này đòi hỏi phải có một sự hợp tác chưa từng có tiền lệ giữa các đối thủ cạnh tranh với nhau, theo Simon Fischweicher, đứng đầu bộ phận doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng khu vực Bắc Mỹ tại CDP, một tổ chức phi lợi nhuận giúp các công ty báo cáo tác động khí hậu của họ. “Giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu cần phải thực hiện với tư cách một ngành”, Fischweicher nói.

Vì quy mô các chuỗi cung cứng quá lớn và phức tạp nên trước tiên, các công ty cần phải nhận diện đâu là mối ưu tiên hàng đầu của mình. “Không chỉ là để hiểu các nhà cung ứng của bạn, để biết ở khâu nào lượng thải khí là lớn nhất, mà còn phải biết được khả năng giảm khí thải lớn nhất là ở đâu”, Giulio Berruti, dẫn dắt công trình khí hậu tại khu vực EMEA của BSR, một tổ chức tư vấn bền vững doanh nghiệp, nhận xét.

Điều này đòi hỏi phải xây dựng được cơ sở dữ liệu đáng tin cậy và nhất quán. Một lần nữa nhiệm vụ này lại đầy thử thách, vì các nhà cung cấp có thể có nhiều cách khác nhau để giải trình tác động môi trường của công ty họ. Kết quả là dữ liệu không được chuẩn hóa, không tương đồng hoặc tương đương về chất lượng. “Thách thức dữ liệu vẫn rất lớn. Nếu không có một hệ thống được tự động hóa và minh bạch hơn giữa người mua này với người mua kia, thì rất khó để tháo gỡ nút thắt này”, Berruti thuộc tổ chức BSR nói.

Về vấn đề trên, Delay thuộc Carbon Trust cho rằng các doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhà cung cấp của họ bằng cách đơn giản hóa quy trình nhập dữ liệu đầu vào. Theo ông, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đơn giản hóa quá trình thao tác mà còn cung cấp các giải pháp môi trường đáng tin cậy hơn nhờ có dữ liệu chính xác và đầy đủ hơn.


Các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng quyền lực mua hàng của mình để thuyết phục nhà cung cấp phải tuân thủ luật chơi. Tháng 4 vừa qua, Salesforce đã đưa những yêu cầu về khí hậu vào trong các hợp đồng mua hàng được chuẩn hóa. Các nhà cung cấp của Salesforce giờ đây phải đặt ra những mục tiêu môi trường trên cơ sở khoa học, báo cáo về lượng thải khí của mình, phát triển kế hoạch cải thiện môi trường và cung cấp hàng hóa/dịch vụ trên cơ sở trung lập carbon. Nhà cung cấp nào không tuân thủ sẽ chịu các mức phạt thanh toán.

Tuy nhiên, Patrick Flynn nhấn mạnh Salesforce sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn khí hậu của Tập đoàn. Nỗ lực này có lẽ sẽ mất một khoảng thời gian. Trong báo cáo chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2019 của CDP, chỉ 35% các nhà cung ứng đã đặt một mục tiêu giảm carbon "có hệ thống", trong đó chỉ 3% là dựa trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên, từ trong thách thức là các cơ hội: báo cáo của CDP chỉ ra việc giảm khí thải của các nhà cung cấp đã giúp tiết kiệm tổng cộng 19,3 tỉ USD.