Bộ GTVT tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX

21/10/2021

Sáng 21/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị tổng kết các nhiệm vụ của ngành GTVT thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/1/20003 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001-2010 và 2011-2020.

​Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo 13 tỉnh khu vực ĐBSCL.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trụ sở làm việc Bộ GTVT

Ngành GTVT cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra 

Trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết các nhiệm vụ của ngành GTVT thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/1/2003 và Kết luật số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT Lê Đỗ Mười cho biết: Nhận thức sâu sắc việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị có tác động lớn đến đời sống KT-XH, an ninh - quốc phòng khu vực ĐBSCL và để đưa Nghị quyết vào thực tiễn, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy hoạch, kế hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Kết luận 28-KL/TW, Bộ đã chú trọng nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; quán triệt đến các cơ quan đơn vị tập trung triển khai và đã hoàn thành nhiều công trình đầu tư giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh cho Vùng. Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), đến nay cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết và Kết luận, diện mạo hệ thống KCHTGT của vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành quả như: Các tuyến quốc lộ bị chia cắt bởi hệ thông sông lớn đã được xây dựng công trình cầu vượt sông, hệ thống quốc lộ đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, các nút thắt về đường thuỷ nội địa được tháo gỡ (kênh Chợ Gạo, âu Rạch Chanh), cùng với việc mở các đường bay trong nước và quốc tế đến CHK Cần Thơ và Phú Quốc, thông tuyến Luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu vào cảng Cần Thơ… đã mở ra cho vùng ĐBSCL thêm nhiều phương thức vận tải để kết nối với cả nước, khu vực và quốc tế. 

Về đường bộ, giai đoạn năm 2002 đến nay đã cơ bản hình thành các tuyến trục dọc nối ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, các tuyến trục ngang kết nối nội vùng. Đến năm 2020, hệ thống quốc lộ trong vùng có tổng chiều dài khoảng 2.688km, tăng 52% so với năm 2002. Trong đó đường cấp II có 185km, đạt 6,88%; Đường cấp III có 1.380km, chiếm 51,36%; Đường cấp IV có 843km, chiếm 31,36%; Đường cấp V có 32km, chiếm 1,2%, còn 247km đang từng bước đầu tư vào cấp.

Về đường thủy nội địa, tổng chiều dài mạng lưới đường thủy nội địa vùng ĐBSCL hơn 6.100km. Trung ương hiện quản lý 2.990km. Giai đoạn vừa qua, nhiều công trình trọng điểm về đường thủy nội địa đã được đầu tư đưa vào khai thác như kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1), âu Rạch Chanh cũng như các công trình thuộc dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL (WB5) đã góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động vận tải thủy trong vùng.

Về hàng hải, vùng ĐBSCL đã phát triển được hệ thống gồm 12 cảng biển với 37 bến cảng, tổng chiều dài 7.642 m, 23 bến phao và 16 khu neo đậu chuyển tải, khu tránh, trú bão. Nhiều cảng biển, bến cảng đã được đầu tư xây mới trong suốt 20 năm qua, điển hình như bến cảng Cái Cui - Cần Thơ, bến cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, bến cảng Trà Cú - Trà Vinh đáp ứng cho tàu trọng tải đến 20.000 DWT; Bến cảng Mỹ Thới - An Giang đáp ứng cho tàu trọng tải đến 10.000 DWT...

Về hàng không, đã hoàn thành đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không (CHK) trong khu vực bao gồm: CHK quốc tế Cần Thơ, CHK quốc tế Phú Quốc, CHK Cà Mau, CHK Rạch Giá với tổng công suất 7,45 triệu hành khách/năm, 12.000 tấn hàng hóa/năm.

Những thành tựu đạt được về KCHTGT đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố AN-QP của khu vực; giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng của Nghị quyết số 21-NQ/TW, giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ. Vùng đã khẳng định vị trí là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên hệ thống KCHTGT Vùng vẫn còn hạn chế và một số điểm nghẽn cản trở sự phát triển của vùng như: Chất lượng công tác lập quy hoạch chưa cao, thiếu đồng bộ, chưa chú trọng tính liên kết giữa các phương thức vận tải, chưa quan tâm đến khả năng cân đối nguồn lực. Việc triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch giữa các lĩnh vực chưa đồng bộ, tiến độ đầu tư và hoàn thành các dự án khác nhau chưa đồng bộ, làm giảm hiệu quả kết nối và khai thác của KCHTGT. Tốc độ đầu tư, xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc còn chậm, chưa đạt tiến độ, tỷ lệ đường quốc lộ có tiêu chuẩn thấp còn nhiều. Hệ thống hạ tầng kết nối, hậu cần cảng cảng biển, hạ tầng logistic còn thiếu đồng bộ, chưa hình thành các trung tâm logistics quy mô lớn. Chưa khai thác hết công suất các cảng hàng không trong vùng. Khả năng kết nối đường bộ trong vùng ĐBSCL và với TP HCM, vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế.

Đại diện lãnh đạo UBND 13 tỉnh ĐBSCL kiến nghị giải pháp đột phá phát triển vùng ĐBSCL

Đến năm 2030-2045: Phát triển mạng lưới GTVT vùng ĐBSCL đồng bộ, hiện đại

Để thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL giai đoạn tới, quan điểm phát triển Vùng trong lĩnh vực GTVT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GTVT đó là: Phát triển hạ tầng GTVT đảm bảo đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật có liên quan (thuỷ lợi, nông nghiệp, xây dựng v.v…). Phát triển đường thuỷ nội địa trên cơ sở tận dụng và khai thác tối đa lợi thế về điều kiện từ nhiên, tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển để tăng khả năng cạnh tranh giảm chi phí vận tải và logistics. Đường bộ giữ vai trò kết nối chủ động các phương thức vận tải khác (đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không). Nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển, luồng hàng hải hiện hữu, từng bước nghiên cứu hình thành hệ thống cảng biển cửa ngõ của Vùng để kết nối trực tiếp với các tuyến hàng hải quốc tế, đáp ứng nhu cầu XNK cho toàn vùng. Từng bước nâng cao năng lực khai thác hệ thống CHK của Vùng. Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ và vào thời điểm phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu vận tải.

Để thực hiện được quan điểm đó, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030, từng bước xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng, kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị lớn; phát triển đường bộ ven biển; hoàn thiện cơ bản mạng lưới KCHT giao thông nông thôn; 100% đường huyện, đường xã được vào cấp kĩ thuật. Cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa chính; nâng cấp và đầu tư hiện đại hóa các cảng sông; phát triển các tuyến vận tải container; xây dựng các bến tàu khách quốc tế phục vụ cho vận tải hành khách và du lịch của Vùng. Phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển và luồng vào cảng; Từng bước phát triển khu bến cảng đầu mối, cửa ngõ của Vùng tại khu vực Trần Đề. Khai thác có hiệu quả hạ tầng các CHK hiện có, nâng cấp và mở rộng các CHK theo nhu cầu khai thác từng giai đoạn. Tiến hành nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho, Cần Thơ vào thời điểm phù hợp. Đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý đảm bảo an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường…

Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển mạng lưới GTVT của vùng ĐBSCL đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị Nhanh chóng hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 21 và Kết luận 28 

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả hoàn thành nhiệm vụ của ngành GTVT theo các mục tiêu đề ra của Nghị quyết 21-NQ/TW. Đồng thời tham gia đóng góp ý kiến vào mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm quản lý GTVT vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lãnh đạo các tỉnh, thành, đại diện các bộ ngành đều cho rằng cần ưu tiên, tập trung cho phát triển vùng ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đẩy mạnh tốc độ xây dựng đường cao tốc, phát triển vận tải thủy vốn là đặc trưng và thế mạnh của vùng. Cùng đó đẩy mạnh logistics để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết của Ngành GTVT; sự phối hợp, điều hành hiệu quả của các Bộ, ngành và 13 tỉnh ĐBSCL trong việc thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của ngành GTVT theo yêu cầu đề ra của Nghị quyết 21-NQ/TW, đã tạo được sức bật mới cho Vùng ĐBSCL trong giai đoạn vừa qua.

Bộ trưởng chỉ đạo Ban Soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu, nhanh chóng hoàn thiện Báo cáo tổng kết các nhiệm vụ của Ngành GTVT thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW đúng tiến độ. Bộ trưởng lưu ý, Báo cáo phải đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát nội dung của Nghị quyết 21 và Kết luận 28; làm rõ những kết quả đã làm được của từng lĩnh vực giao thông và chưa được để đánh giá, rút kinh nghiệm, phân tích rõ mức độ hoàn thành, đề xuất đúng vấn đề. Mỗi nội dung phải có nhận định và đánh giá chi tiết. 

Về phương hướng giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm ưu tiên tập trung hoàn thiện những dự án, công trình đã nêu trong Nghị quyết 21, Kết luận 28 nhưng chưa làm được; tập trung danh mục dự án ưu tiên theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Đối với Quy hoạch 5 lĩnh vực chuyên ngành GTVT, Bộ trưởng đề nghị rà soát tập hợp những dự án trọng điểm có tính liên vùng, liên quan đến vùng ĐBSCL; xác định giai đoạn 2021-2025 cần ưu tiên làm gì trước, giai đoạn 2016-2030 làm các dự án còn lại. Phải xác định được đến 2030 sẽ đạt được những gì, để tập trung làm sớm các dự án ưu tiên, nhưng vẫn hài hòa giữa các lĩnh vực như cân đối tỷ lệ đầu tư cao tốc, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt… 

"Để khả thi, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần có giải pháp đầu tư mang tính chất đột xuất, xây dựng cơ chế đặc thù, đa dạng hóa giải pháp cho từng dự án... Đây là cơ sở quan trọng giúp Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.