Tàu pha sông biển neo đậu tại vùng nước cảng biển Quảng Ninh chờ làm hàng Trong khi số lượng tàu sông pha biển (VR-SB) tiếp tục tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn hoán cải hoặc đóng mới phương tiện. Trước những nguy cơ mất an toàn khi các phương tiện này hoạt động trên biển ngoài phạm vi cho phép, cần nhanh chóng có giải pháp quản lý hiệu quả.
Tàu chạy quá 12 hải lý nhưng khó xử lý
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa, tàu VR-SB được tính toán bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để hoạt động cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 12 hải lý, trong điều kiện chiều cao sóng lớn nhất không quá 2,5m và phải hành trình theo tuyến vận tải ven biển được công bố.
Tuy nhiên, nhiều tàu mang cấp VR-SB có trọng tải lớn đã hoạt động ngoài phạm vi 12 hải lý và không theo đúng tuyến được công bố tại 3 quyết định công bố tuyến của Bộ GTVT.
Vi phạm này dẫn đến rủi ro cao cho người, phương tiện, hàng hóa và tài sản, tạo ra sự chồng chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa tàu cấp VR-SB với tàu biển. Thực tế, trong 5 năm qua, với sự xuất hiện tàu VR-SB, gần như không còn tàu biển nội địa được đóng mới.
Ông Đoàn Trường Sơn, Phó Phòng Pháp chế - thanh tra, Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, hiện cảng vụ không phát hiện được tàu VR-SB hoạt động ở ngoài phạm vi 12 hải lý, vì thế cũng không xử phạt được.
“Các quy định về quản lý hoạt động của tàu VR-SB trên tuyến đã đầy đủ nhưng khó xử lý vi phạm. Chẳng hạn như việc tàu phải trang bị hệ thống giám sát tự động AIS, song lại không có trạm AIS trên bờ để cảng vụ kết nối, giám sát nên không theo dõi, phát hiện để xử phạt đối với tàu đi cách bờ quá 12 hải lý”, ông Sơn lấy ví dụ.
Trong khi đó, chỉ cần tàu đáp ứng đủ điều kiện về thuyền viên, phương tiện, xếp dỡ hàng hóa và có đề nghị của thuyền trưởng là được cấp phép rời cảng, hành trình trong phạm vi tuyến được công bố.
Đối với nguy cơ mất an toàn do chạy quá phạm vi cho phép, theo đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện tàu VR-SB hoạt động tại các cảng, bến thủy được quản lý cũng như các phương tiện thủy nội địa khác.
Trong khi tàu VR-SB có đặc thù là hoạt động ven biển, nguy cơ mất an toàn cao hơn. Cục ĐTNĐ Việt Nam hiện không có hệ thống theo dõi nên hầu như không có thông tin về tai nạn đối với tàu VR-SB.
Quản tàu VR-SB cách nào?
Tàu sông pha biển dù đã góp phần "chia lửa" cho vận tải đường bộ song cũng còn một số bất cập liên quan đến yếu tố thị trường, an toàn, an ninh hàng hải - Ảnh minh họa Theo ông Đàm Quang Vỹ, Giám đốc Công ty TNHH Trọng Trung, hầu hết tàu VR-SB đều vượt khỏi phạm vi 12 hải lý, chạy như tàu biển.
Do bờ biển Việt Nam hình vòng cung, nếu chạy đúng phạm vi phải bám lượn theo bờ biển, còn chạy ngoài phạm vi sẽ theo hành trình thẳng, tiết kiệm nhiên liệu, rút ngắn quãng đường, thời gian.
“Rất mong Bộ GTVT sớm có những quy chuẩn, quy định cụ thể về tàu VR-SB, nhất là những yếu tố liên quan đến trang thiết bị, nguồn nhân lực, vận hành sao cho an toàn, hiệu quả”, ông Vỹ nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Trung Úy, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận cho rằng, do có nhiều ưu điểm về đầu tư nên thời gian gần đây, nhiều DN vận tải đường thuỷ trong nước đã phát triển khá mạnh loại phương tiện VR-SB.
Điểm nổi bật của loại tàu này là giá trị đầu tư chỉ bằng 60-80% đầu tư tàu biển; chi phí vận tải rẻ hơn tàu biển từ 10-20%; các yêu cầu về trang bị kỹ thuật, người điều khiển cũng thấp hơn nhiều so với tàu biển...
“Đơn cử, tàu biển chỉ chở được 16.000 tấn, nhưng khi hạ xuống tàu VR-SB thì lại được phép chở 20.000-22.000 tấn. Với tiêu chuẩn này, nếu chạy theo từng tuyến có thể đảm bảo an toàn nhưng nếu chạy toàn tuyến Bắc - Nam sẽ khó đảm bảo do hành trình dài ngày, qua khu vực miền Trung không có khu vực tránh, trú khi biển động, bão gió bất ngờ xảy ra.
Vì thế, cần phải giám sát chặt hoạt động của tàu VR-SB, tránh tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến “khủng hoảng thừa” trong tương lai. Đến lúc đó, người thiệt thòi nhất chính là các DN sở hữu loại tàu này”, ông Úy cảnh báo.
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, để bảo đảm an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do phương tiện VR-SB, Cục đã kiến nghị Bộ GTVT một số giải pháp: Đánh giá lại hệ thống máy chính để nâng cao tính năng điều động của phương tiện VR-SB nâng cấp từ phương tiện thuỷ nội địa và hạ cấp từ tàu biển nhằm có những điều chỉnh hợp lý với thực tế hoạt động; bổ sung quy định về thang hoa tiêu đối với tàu có chiều cao mạn khô lớn…
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải VN cũng đề nghị sửa đổi Thông tư 40/2019/TT-BGTVT, bổ sung quy định về thuyền viên làm việc trên tàu VR-SB phải có kiến thức, trình độ về hàng hải và có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hàng hải tương đương với thuyền viên làm việc trên tàu biển có cấp hạn chế 3 trở lên.
Đồng thời, ghi rõ vùng được phép hoạt động của phương tiện, bởi hiện nay các quyết định của Bộ GTVT về tuyến hoạt động của tàu VR-SB là nối tiếp nhau, trong khi giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện ghi thỏa mãn hoạt động trên các tuyến được Bộ GTVT công bố sẽ khó khăn cho công tác quản lý, cấp phép cho tàu; Xem xét để không tiếp tục cho đăng kiểm, đăng ký mới đối với phương tiện VR-SB có trọng tải toàn phần từ 5.000 tấn trở lên để phù hợp với quy hoạch phát triển phương tiện VR-SB; không cho phép việc hoán cải sang phương tiện VR-SB từ phương tiện thuỷ nội địa đặc biệt đối với các phương tiện cấp SI, SII và tàu hạ cấp từ tàu biển trong trường hợp nối dài tàu…
Để đảm bảo an toàn hàng hải, qua trao đổi với PV, nhiều DN vận tải sử dụng tàu VR-SB, tàu biển kiến nghị: Trước mắt dừng toàn bộ việc chạy thông tuyến. Tàu VR-SB chỉ được hoạt động trên tuyến Quảng Ninh - Quảng Bình, Quảng Bình - Bình Thuận, Bình Thuận - Kiên Giang. Các tàu VR-SB nối tuyến chạy thông Bắc - Nam phải nâng cấp, có tiêu chuẩn kỹ thuật tiệm cận hoặc tương đương tàu biển.