Trước sự phát triển “nóng” của phương tiện VR-SB, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã tăng cường siết chặt quản lý để bảo đảm an toàn hàng hải trong vùng nước cảng biển quản lý Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh thường xuyên tổ chức kiểm tra tình trạng kỹ thuật, hoạt động của tàu sông pha biển (VR-SB), kiên quyết không cấp phép rời cảng cho tàu mắc khiếm khuyết.
Hiệu quả nhưng còn khó quản lý
Ông Vũ Ngọc Bích, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho biết, kể từ thời điểm tàu VR-SB ra đời (2014) đến nay, loại hình này có sự phát triển nhảy vọt tại khu vực Quảng Ninh cả về số lượng lượt phương tiện vào, rời, sản lượng hàng hóa và tải trọng, kích cỡ phương tiện.
Cụ thể, thống kê tại cảng biển Quảng Ninh, số lượng lượt phương tiện vào, rời cảng biển trong các năm 2016, 2017, 2018 lần lượt là: 475, 2.145 và 3.250 lượt phương tiện, tương ứng tăng so với cùng kỳ lần lượt là: 25%, 350% và 51%. Đến năm 2019, số lượt phương tiện có chững lại nhưng vẫn đạt gần 3.000 lượt, đạt 91% so với cùng kỳ.
Nếu năm 2016, lượng hàng do tàu VR-SB vận chuyển qua khu vực cảng biển Quảng Ninh đạt 125.000 tấn, năm 2017 tăng 255% lên gần 2,8 triệu tấn và đến năm 2018 tiếp tục tăng lên hơn 7 triệu tấn, tăng 152% thì năm 2019, sản lượng hàng có giảm nhẹ nhưng vẫn đạt 6,4 triệu tấn.
Dự kiến năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua do tàu VR-SB đảm nhận khoảng 6 triệu tấn, đạt 95% so với cùng kỳ.
Cũng theo ông Bích, phương tiện VR-SB với mớn nước thấp có thể vào sâu các cảng trong nội thủy, tham gia vận chuyển và lưu thông hàng hóa siêu trường, siêu trọng bằng đường thủy, đường biển, giảm tải cho vận tải đường bộ. Dù vậy, thời gian qua, công tác quản lý, giám sát hoạt động loại hình này vẫn gặp một số khó khăn.
Cụ thể, phương tiện thủy nội địa VR-SB hiện chưa có quy định yêu cầu về hướng dẫn thực hành an toàn phòng chống cháy, sổ tay huấn luyện cứu sinh, kế hoạch hướng dẫn bảo dưỡng các trang thiết bị cứu hỏa.
Một số phương tiện thủy nội địa VR-SB có trọng tải lớn, tuyến hành trình chủ yếu trên biển chưa có yêu cầu bắt buộc đối với các sỹ quan trực ca phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về quan sát và đồ giải radar, giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng hạn chế.
Do vậy, sỹ quan kiểm tra không thể đánh giá đầy đủ khả năng của sỹ quan trực ca trên phương tiện.
“Phương tiện VR-SB hiện chưa trang bị thiết bị nhận dạng tự động AIS, việc giám sát phạm vi hoạt động chủ yếu dựa vào kiểm tra nhật ký phương tiện, hải đồ và kế hoạch chuyến đi, nên việc xác định phương tiện hoạt động đúng vùng hay không rất khó khăn trong trường hợp thuyền viên làm giả chứng cứ.
Đối với tàu VR-SB hạ cấp từ tàu biển, khi tiến hành hạ cấp, một số tàu biển (hạn chế II và không hạn chế) được cơi nới không gian chở hàng dẫn đến tàu phải chịu thêm 20 - 30% lượng hàng so với thiết kế ban đầu, chiều cao mạn khô cũng giảm, ảnh hưởng tới khả năng điều động của tàu”, ông Bích nói.
Thực hiện nghiêm việc đăng kiểm, đăng kiểm lại phương tiện để việc hoạt động của tàu VR-SB được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Kiên quyết từ chối cấp phép rời cảng cho tàu mắc khiếm khuyết
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho biết, trước những bất cập đang tồn tại đối với phương tiện VR-SB, trong quá trình quản lý, Cảng vụ đã chỉ đạo bộ phận chuyên trách tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện kỹ thuật của tàu sông pha biển để đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng hải.
“Qua kiểm tra các tàu nâng cấp, các kết cấu thân vỏ về cơ bản đã được gia cường. Tuy nhiên, hệ thống máy vẫn được giữ nguyên.
Trên thực tế, điều kiện khí tượng, thủy văn giữa sông và biển có sự khác biệt, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do hệ thống máy gặp sự cố, tàu không điều động được, phải thả trôi.
Do đó, cần có đánh giá lại sự phù hợp của hệ thống máy khi tàu nâng cấp để tránh phát sinh những nguy cơ gây mất an toàn khi phương tiện VR-SB hoạt động trên biển.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh”
“Cụ thể, năm 2019, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh chỉ đạo kiểm tra 21 phương tiện, phát hiện tổng số 114 khiếm khuyết.
Riêng 10 tháng năm 2020, kiểm tra 9 phương tiện, phát hiện tổng số 63 khiếm khuyết, chủ yếu như: Không có hải đồ chi tiết các khu vực cảng đến hoạt động; Bảo dưỡng các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa kém; Ghi chép nhật ký không phù hợp; Thực hiện nhiệm vụ, thực tập, diễn tập, sử dụng các trang thiết bị hàng hải của thuyền viên còn yếu kém”, ông Thành thông tin.
Theo ông Thành, sau khi phát hiện các khiếm khuyết, các sỹ quan sẽ hướng dẫn và yêu cầu thuyền trưởng, chủ tàu khắc phục và thông báo cho bộ phận làm thủ tục chỉ cấp phép rời cảng cho phương tiện khi có sự đồng ý của sỹ quan kiểm tra phương tiện được thông báo.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện VR-SB nói chung và tại khu vực cảng biển Quảng Ninh nói riêng, thời gian tới, cần nghiên cứu, xây dựng quy định về giấy chứng nhận của phương tiện VR-SB, đào tạo và huấn luyện thuyền viên phù hợp với pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như đối với tàu biển mang cấp hạn chế III.
“Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, bổ sung các quy định cụ thể về vận chuyển hàng hóa đối với phương tiện VR-SB khi chở hàng rời, rắn, hàng lỏng như đối với tàu biển.
Đồng thời, ban hành các tài liệu hướng dẫn như: Sổ tay ổn định tàu, sổ tay hướng dẫn chằng buộc hàng hóa; sổ tay hướng dẫn xếp hàng đối với các phương tiện VR-SB và tăng cường kiểm tra trang bị an toàn, AIS để yêu cầu trang bị đầy đủ theo quy định khi thực hiện đăng kiểm, đăng kiểm lại phương tiện để việc hoạt động của tàu VR-SB được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất”, ông Thành nói.