Việc kiểm soát chặt đầu ra,
phương tiện lưu thông trên tuyến sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đóng
phương tiện thủy không đảm bảo chất lượng
Thị trường giảm, cơ sở đóng tàu... mất dạng
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông,
khoảng gần giữa năm 2017 trở lại đây, hoạt động đóng mới phương tiện
thủy khu vực phía Bắc rơi vào trầm lắng. Nếu như trước kia, nhiều đoạn
ven các tuyến sông Hồng qua Nam Định, Hà Nội, sông Thái Bình qua Hải
Dương, sông Lô qua Phú Thọ... có các bến bãi đóng tàu nằm san sát, với
số lượng 3 - 4 tàu được thi công cùng lúc, thì giờ rơi vào cảnh không có
việc làm. Thậm chí, nhiều cơ sở đóng tàu, với hạ tầng “nhà xưởng” chỉ
là bãi đất trống, nay... biến mất.
Ông Trần Hữu V., người chuyên làm vận
tải thủy, từng góp vốn đóng tàu ven sông Hồng khu vực TX Sơn Tây, Hà Nội
kể, khi thấy nhu cầu đóng tàu tăng cao, nhiều chủ tàu không tìm được
nơi nhận đóng, ông và vài người khác góp vốn, thuê thợ và mở xưởng để
tranh thủ thời vụ.
"Hệ
thống cơ sở đóng mới, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa trực
tiếp phục vụ sự phát triển đội tàu, phát triển vận tải thủy. Tới đây,
khi sửa đổi, bổ sung Quyết định 47 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về
cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa cũng
nên tính đến cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư cơ sở đóng tàu hiện đại,
đạt quy chuẩn quốc gia”. Ông Đỗ Trung Học Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN |
“Chúng tôi dân nghiệp dư đóng tàu, chỉ
bỏ vốn thuê đất bãi, máy móc, thợ thuyền để đóng tàu. Tất nhiên, cũng
chỉ để tranh thủ thời vụ một vài năm nên chúng tôi phải liên kết với một
cơ sở đóng tàu có giấy phép kinh doanh để làm các thủ tục liên quan đến
đăng kiểm, đăng ký phương tiện. Khi nhu cầu không còn, chỉ cần bán máy
móc đi, trả lại đất bãi là “rút” xong nhà xưởng”, ông V. nói.
Khác với cơ sở “liên kết” của ông V., cơ
sở của ông Kh. ở ven sông Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội vốn chuyên sửa
chữa phương tiện, thời gian qua cũng từng tranh thủ đóng “tàu chuột” để
phục vụ khai thác cát. “Xưởng sửa chữa tàu loại nhỏ là chính, cũng như
cửa hàng hàn xì trên bờ thôi, toàn khách hàng quen, tàu nào hỏng gì sửa
đấy. Xưởng có vài anh em làm với nhau, nên có ai hỏi đăng ký kinh doanh
gì đâu. Ngoài sửa tàu, vài năm gần đây thi thoảng cũng có người đặt đóng
“tàu chuột” vài chục tấn để hút cát. Đóng xong thì trả hàng, việc đăng
kiểm, đăng ký hay không do chủ tàu lo”, ông Kh. kể.
Đề cập vấn đề trên, đại diện một số Chi
cục Đăng kiểm đều công nhận ở nhiều tuyến sông trọng điểm có tình trạng
khi nhu cầu đóng tàu tăng cao thì xuất hiện các cơ sở đóng tàu, còn khi
thị trường trầm lắng các cơ sở lại biến mất. Các cơ sở này thường tự
phát và cũng là nơi ra đời các phương tiện không đăng kiểm, đăng ký hoặc
không khẳng định được chất lượng phương tiện.
“Bên cạnh các nhà máy, cơ sở có quy mô
tổ chức bài bản, tuân thủ các quy định về đóng, sửa chữa phương tiện,
vẫn còn các cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy tự phát, hoạt động
theo mùa vụ. Các cơ sở này khi đóng phương tiện thường không báo với cơ
quan đăng kiểm để giám sát chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện thủy,
tập trung chủ yếu vào phương tiện cỡ nhỏ”, ông Đỗ Trung Học, Trưởng
phòng Tàu sông của Cục Đăng kiểm VN nói và cho biết, năm 2017, toàn quốc
có hơn 1.800 thủy được đóng mới, chỉ bằng hơn 45% so với năm trước đó.
Siết “đầu ra” để đảm bảo lộ trình chuẩn hóa
Theo ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công
ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương, thị trường đóng tàu biển chạy tuyến
quốc tế đang có những khó khăn, do loại phương tiện này phải chịu các
điều ước quốc tế, dẫn đến giá thành cao. Vì vậy, các nhà máy, cơ sở đóng
tàu mong muốn tập trung phát triển thị trường tàu biển nội địa, tàu pha
sông biển (SB), phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, để cạnh tranh lành
mạnh, cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở đóng tàu không đáp ứng tiêu
chuẩn hoặc hoạt động không phép.
Liên quan vấn đề trên, ông Đỗ Trung Học,
Trưởng phòng Tàu sông của Cục Đăng kiểm VN cho biết, Điều 6, Nghị định
25 của Chính phủ (quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều
của Luật Giao thông đường thủy nội địa... có hiệu lực thi hành từ
1/5/2015) đã quy định chi tiết điều kiện hoạt động của từng loại cơ sở
đóng mới, hoán cải, phục hồi phương tiện thủy nội địa. Trong đó có các
điều kiện về: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ nhân lực tối
thiểu; phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại,
kích cỡ phương tiện được sản xuất; bộ phận giám sát, quản lý chất lượng
phương tiện; phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, phòng chống ô nhiễm
môi trường...
Bộ GTVT cũng ban hành quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy. Theo đó, cơ sở
được chứng nhận đạt năng lực cấp nào thì đóng, sửa chữa tàu theo cỡ
tương ứng. “Hiện Cục Đăng kiểm VN thống kê có 820 cơ sở đóng, sửa chữa
phương tiện và đã dự kiến xếp hạng từ 1- 4 đối với hơn 760 cơ sở. Các cơ
sở thuộc loại nào sẽ được đóng, sửa chữa phương tiện tương ứng loại đó.
Tuy nhiên, theo lộ trình được quy định tại Nghị định 24, các cơ sở được
5 năm để hoàn thiện các điều kiện, từ sau năm 2020 buộc phải đáp ứng
theo hạng được xếp”, ông Học thông tin.
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết,
cục và các chi cục thường xuyên tuyên truyền, có văn bản hướng dẫn,
khuyến khích các cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy trên toàn quốc
chủ động hoàn thiện các điều kiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bên
cạnh đó, cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát để ngăn tình trạng
“đóng chui” phương tiện hoặc “lọt” phương tiện đóng ở cơ sở không phép
nhưng vẫn được cấp chứng nhận đăng kiểm.
“Các trường hợp tàu đóng xong rồi mới
báo đăng kiểm đều không được chứng nhận đăng kiểm. Trường hợp được xem
xét, giải quyết, phải trình hồ sơ thiết kế đã được duyệt, thẩm định. Sau
đó, đơn vị đăng kiểm tra với thực tế con tàu, nếu khác với hồ sơ buộc
chủ tàu phải sửa theo đúng thiết kế và chịu sự giám sát của đăng kiểm
trong quá trình khắc phục. Biện pháp này đang khiến các chủ tàu, cơ sở
không dám đóng tàu chui như trước đây”, ông Nguyễn Hải Triều, Trưởng chi
nhánh Hà Sơn Bình, Chi cục Đăng kiểm số 1 nói.