Dự thảo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010 đã cởi mở hơn, cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô và khuyến khích các dự án sản xuất động cơ, phụ tùng.
Đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, khuyến khích đầu tư sản xuất động cơ, phụ tùng trên cơ sở chuyển giao công nghệ hiện đại từ các hãng nổi tiếng. Các doanh nghiệp không phải của Nhà nước, không sử dụng vốn ngân sách, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được tự do đầu tư. Việc nới lỏng điều kiện đầu tư sẽ làm tăng sức cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Các nhà đầu tư bỏ vốn ra họ sẽ phải tự định được thị trường tiềm năng của mình, phải tự điều chỉnh và có chiến lược lâu dài nếu không sẽ bị thua lỗ. Các dự án mới phải tập trung vào xe thông dụng, xe chuyên dùng phục vụ cho nhu cầu trong nước. Thị trường trong nước còn rất nhiều tiềm năng vì lượng xe sử dụng theo đầu người còn thấp, mới chỉ gần 0,7 xe cho 1.000 người. Đối với dòng ô tô con cao cấp, 11 liên doanh đang hoạt động tại Việt Nam có công suất thiết kế 148.200 chiếc mỗi năm, nhưng năm 2003 mới sản xuất được gần 43.000 xe, đạt 27,5% công suất thiết kế. Tỷ lệ nội địa hóa của các liên doanh mới được từ 2 đến 10%, chưa được bao nhiêu so với cam kết, và phần nội địa hóa chỉ dừng lại ở những chi tiết đơn giản. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá xe ô tô ở Việt Nam quá cao so với khu vực.
Để cải thiện tình hình trên, bản quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2010 đưa ra định hướng sẽ tập trung thỏa mãn nhu cầu ô tô thông dụng và ô tô chuyên dùng, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phụ tùng. Các kiểu xe du lịch cao cấp phấn đấu đạt tỷ lệ sản xuất trong nước từ 20 đến 25% vào năm 2005 và từ 40 đến 50% vào năm 2010.