Chỉ thị của Lãnh đạo Cục về công tác giám sát đóng mới tàu biển

20/10/2009

Ngày 02 tháng 10 năm 2009, tại Hải Phòng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giám sát đóng mới tàu biển năm 2009 dưới sự chủ trì của đồng chí Cục trưởng.

Tham dự hội nghị gồm có Đồng chí Cục trưởng, các đồng chí Phó Cục trưởng, Lãnh đạo và các đăng kiểm viên liên quan đến công tác thẩm định thiết kế, kiểm tra sản phẩm công nghiệp và giám sát đóng mới tàu biển của các đơn vị: Quy phạm, Tàu biển, Công nghiệp, Công trình biển, Tàu sông, Hợp tác quốc tế, Đào tạo, Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng và an toàn, và các Chi cục Đăng kiểm tàu biển trong cả nước. Các báo cáo và ý kiến nhận xét, đánh giá trình bày tại hội nghị cho thấy trong 5 năm qua (2004 - 2009), công tác giám sát đóng mới tàu biển của VR đã không ngừng được cải tiến, từng bước nâng cao chất lượng; đáp ứng được yêu cầu sản xuất của các cơ sở đóng tàu trong cả nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả thu được trong công tác giám sát đóng mới tàu biển chưa thực sự đạt được như mong muốn, vẫn còn những yếu kém bộc lộ trong các khâu: thẩm định thiết kế, chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra và chứng nhận sản phẩm công nghiệp, giám sát hiện trường trong quá trình đóng tàu và đào tạo đăng kiểm viên.

Kết luận hội nghị, đồng chí Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam có các ý kiến chỉ đạo sau đây nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát đóng mới tàu biển của VR trong thời gian tới, (Công văn số 1054/ĐKVN, ngày 10 tháng 10 năm 2009):

  1. Công tác xây dựng Quy phạm tàu biển:
  2. Phòng Quy phạm cần tập trung hoàn thành xây dựng mới, cập nhật và bổ sung, sửa đổi hệ thống Quy phạm tàu biển; trong năm 2010 phải xuất bản lại toàn bộ hệ thống quy phạm này.

  3. Công tác thẩm định thiết kế:
  4. Phòng Quy phạm cần có biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng thẩm định thiết kế và kiểm soát công tác này trong toàn ngành; từ chối thẩm định các thiết kế có chất lượng quá kém. Chuyển một phần chức năng duyệt các thiết kế sửa đổi đơn giản cho các Chi cục có đủ năng lực thực hiện để đáp ứng nhanh chóng hơn yêu cầu của sản xuất. Đối với các thiết kế phức tạp, VR chưa đủ khả năng thẩm định độc lập, cần đề nghị để Lãnh đạo Cục xem xét khả năng phối hợp với Đăng kiểm nước ngoài cùng thực hiện.

  5. Công tác chỉ đạo hướng dẫn và kiểm soát nghiệp vụ của các phòng Quy phạm, Tàu biển và Công nghiệp:
  6. Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, các phòng này phải tăng cường vai trò chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm soát nghiệp vụ một cách hiệu quả, kịp thời đối với các Chi cục và các đăng kiểm viên hiện trường; thiết lập đường dây nóng để giải quyết yêu cầu thường xuyên và đột xuất của các đơn vị, cá nhân liên quan trong và ngoài ngành; phải có sự phối kết hợp chặt chẽ và đồng bộ, tránh chồng chéo, để xử lý các vấn đề liên quan trong công tác giám sát đóng mới tàu biển.

  7. Công tác kiểm tra và chứng nhận sản phẩm công nghiệp:
  8. Phòng Công nghiệp phải khẩn trương hoàn thành việc xây dựng phương án cải tiến toàn diện về công tác kiểm tra và chứng nhận sản phẩm công nghiệp (mô hình tổ chức thực hiện, hệ thống quy định và hướng dẫn, đào tạo đăng kiểm viên, …), trình Lãnh đạo Cục xem xét, quyết định, nhằm đảm bảo việc chứng nhận sản phẩm công nghiệp được thực hiện theo đúng yêu cầu của quy phạm, công ước, không bị chồng chéo và không mang tính hình thức; phân cấp nhiều hơn cho các Chi cục có đủ năng lực thực hiện công tác này.

  9. Công tác giám sát hiện trường trong quá trình đóng tàu và vai trò kiểm soát của lãnh đạo các Chi cục Đăng kiểm:
  10. Các đăng kiểm viên thực hiện công tác giám sát hiện trường trong quá trình đóng mới tàu biển phải mẫn cán, thường xuyên bám sát hiện trường; thực hiện công việc theo đúng quy định của quy phạm, hướng dẫn và thiết kế được thẩm định; phải báo cáo trung thực các vấn đề liên quan cho Lãnh đạo Chi cục, không được tuỳ tiện châm trước, miễn trừ sai quy định; phản ánh thường xuyên và kịp thời các vấn đề không phù hợp của quy phạm, hướng dẫn và thiết kế được thẩm định cho Lãnh đạo Chi cục và các phòng chức năng liên quan.

    Lãnh đạo Chi cục phải có các biện pháp kiểm soát hiệu quả hoạt động của các đăng kiểm viên trong quá trình giám sát kỹ thuật đóng tàu; kịp thời phát hiện các vấn đề không phù hợp và có biện pháp giải quyết thoả đáng; có hình thức xử lý thích đáng đối với các đăng kiểm viên cố tình vi phạm quy định trong quá trình thực thi công việc; từ thực tiễn, đề xuất các biện pháp cải tiến hệ thống giám sát đóng mới tàu biển lên các phòng chức năng.

  11. Công tác đào tạo đăng kiểm viên giám đóng mới tàu biển:
  12. Trung tâm Đào tạo khẩn trương hoàn thành việc xây dựng lại quy định và hướng dẫn đào tạo, bổ nhiệm đăng kiểm viên tàu biển mang tính thiết thực và hiệu quả, đặc biệt là công tác đào tạo thực hành, đào tạo đăng kiểm viên đa năng tàu biển ngay từ hạng III; trình Lãnh đạo Cục ký ban hành và triển khai thực hiện từ đầu năm 2010.

    Lãnh đạo các Chi cục phải có chương trình đào tạo thực hành cụ thể cho từng đăng kiểm viên thực tập tại chi cục; chỉ định rõ đăng kiểm viên làm công tác hướng dẫn cho đăng kiểm viên thực tập; phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ công tác này; có quy định thưởng, phạt thích đáng cho cả người làm công tác đào tạo và người được đào tạo.

    Công tác đánh giá để bổ nhiệm tất cả các hạng đăng kiểm viên đều phải bao gồm cả việc đánh giá khả năng thực hiện công việc thực tế tại hiện trường của đăng kiểm viên được đề nghị bổ nhiệm.

  13. Việc tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác giám sát đóng mới tàu biển:
  14. Hàng năm, các phòng chức năng phải tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm cải tiến liên tục công tác giám sát đóng mới tàu biển trong toàn ngành. Hội nghị nên được tổ chức tại từng khu vực với sự tham gia đầy đủ của tất cả các đơn vị, cá nhân liên quan đến công tác này.

    Cục yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện cụ thể và nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo nêu trên, nhằm đạt được mục tiêu không ngừng cải tiến chất lượng giám sát kỹ thuật đóng mới tàu biển trong toàn ngành, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng hoạt động an toàn của đội tàu biển do VR giám sát đóng mới, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp đóng tàu Việt Nam./.