Ủy ban Bảo vệ môi trường biển thông qua các biện pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình có hiệu lực của Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004

24/10/2014

Tại khóa họp thứ 67, diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) ở thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh, từ ngày 13 đến 17 tháng 10 năm 2014, Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của IMO đã thông qua các nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình có hiệu lực của công ước có vị trí then chốt trong việc loại trừ sự lan truyền trên phạm vi toàn cầu các loài sinh vật độc hại có trong nước dằn tàu.

Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004, Công ước BWM, nhằm giải quyết vấn đề các loài thủy sinh và mầm gây bệnh phát tán ra môi trường không phải là quê hương của chúng, sau khi đã được vận chuyển vòng quay trái đất trong nước dằn tàu. Các loài sinh vật như vậy có thể tồn tại, trở thành kẻ xâm lược, cạnh tranh với các loài sinh vật địa phương và gây ra các tổn hại to lớn đối với môi trường sinh thái khu vực. Công ước BWM yêu cầu việc xử lý và quản lý nước dằn nhằm mục đích tiêu diệt các loài sinh vật ngoại lai như vậy trong nước dằn tàu.

Các nghị quyết vừa được MEPC thông qua đề cập đến các vấn đề xung quanh việc phê duyệt kiểu của hệ thống xử lý nước dằn và hướng dẫn kiểm tra của Chính quyền cảng. Các biện pháp này đã được cộng đồng công nghiệp hàng hải thế giới dự báo là một "tiến bộ quan trọng" trong việc giải quyết các thách thức to lớn trong việc thực hiện Công ước BWM.

Với tiêu đề Các biện pháp được thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc có hiệu lực của Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004, nghị quyết vừa được thông qua hướng tới mục tiêu đảm bảo rằng hệ thống thử nghiệm phục vụ cho việc phê chuẩn hệ thống xử lý nước dằn phải có đủ độ tin cậy và nhất quán, để sao cho bất kỳ hệ thống nào đã được phê chuẩn đều đáp ứng bộ tiêu chuẩn được nêu trong Công ước BWM.

Nghị quyết nhất trí là tất các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình thử nghiệm phục vụ cho việc phê chuẩn hệ thống xử lý nước dằn nêu trong Hướng dẫn phê chuẩn các hệ thống quản lý nước dằn (G8) sẽ được xem xét lại một cách toàn diện. Một nhóm công tác giải quyết công việc qua thư tín (correspondence group) đã được MEPC thiết lập để khởi đầu việc xem xét này.

Thông qua nghị quyết, MEPC thống nhất quan điểm các chủ tàu đã lắp đặt hệ thống quản lý nước dằn được phê chuẩn trước khi áp dụng Hướng dẫn G8 sửa đổi sẽ không bị phạt, và các Chính quyền cảng không thực hiện việc phạt hay lưu giữ tàu dựa trên kết quả lấy mẫu nước dằn trong thời gian thực hiện thí điểm.

Cũng tại khóa họp thứ 67, MEPC đã thông qua một nghị quyết về Hướng dẫn đối với công tác kiểm tra của Chính quyền cảng về tuân thủ Công ước BWM. Hướng dẫn này lưu ý việc hết sức cố gắng tránh tàu bị làm chậm trễ một cách không thỏa đáng.

MEPC cũng đã nhất trí về kế hoạch và nguyên tắc tiến hành nghiên cứu việc thực hiện tiêu chuẩn chức năng về nước dằn được mô tả trong Quy định D-2 của Công ước BWM. Quy định này chỉ ra chất lượng nước dằn được phép xả liên quan đến số lượng tối đa các sinh vật còn sống theo quy định. Việc nghiên cứu bao gồm cả công tác kiểm tra và thu thập các số liệu về sự tương đồng và sự khác nhau trong thực tiễn liên quan đến thử nghiệm và công nhận kiểu hệ thống xử lý nước dằn, thực tiễn liên quan đến việc phân tích chức năng của các hệ thống xử lý nước dằn sau khi đã lắp đặt lên tàu. Báo cáo nghiên cứu cuối cùng sẽ được đệ trình lên khóa họp thứ 69 của MEPC tổ chức vào đầu năm 2016.

Công ước BWM sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ khi được 30 quốc gia với tổng dung tích đội tàu tổng cộng chiếm 35% tổng dung tích đội thương thuyền thế giới phê chuẩn. Mới đây Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản đã phê chuẩn Công ước. Đến nay, Công ước BWM đã nhận được sự phê chuẩn của 43 quốc gia với tổng dung tích đội tàu tổng cộng chiếm 32,54% tổng dung tích đội thương thuyền thế giới. Như vậy, thời điểm hội tụ đủ điều kiện có hiệu lực của Công ước đã rất gần. Các công ty vận tải biển cần khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện Công ước.