Ủy ban Tạo điều kiện thuận lợi của IMO phê chuẩn quy định về trao đổi thông tin điện tử bắt buộc

10/10/2014

Tại khóa họp thứ 39, diễn ra từ ngày 22 đến 26/9/2014 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh, Ủy ban Tạo điều kiện thuận lợi (Facilitation Committee) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung đối với phụ lục của Công ước quốc tế về tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông hàng hải quốc tế năm 1965 (Công ước FAL).

Đây là kết quả của 5 năm xem xét rà soát toàn diện đối với Công ước FAL nhằm hiện đại hóa các quy định của công ước này, đưa ra yêu cầu bắt buộc về trao đổi thông tin điện tử liên quan đến hàng hóa, thuyền viên và hành khách của tàu. Sửa đổi, bổ sung vừa được phê chuẩn đã được gửi cho các quốc gia thành viên IMO, và dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại khóa họp thứ 40 của Ủy ban Tạo điều kiện thuận lợi trong nửa đầu năm 2016.

Phụ lục của Công ước FAL bao gồm các “Tiêu chuẩn” (Standards) và “Thông lệ khuyến nghị” (Recommended Practices), các yêu cầu về tài liệu và các thủ tục áp dụng đối với bản thân tàu, thuyền viên, hành khách, hành lý và hàng hóa của tàu khi tàu đến, lưu trú và rời cảng. Thay đổi quan trọng trong phụ lục là quy định tiêu chuẩn mới liên quan đến trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc thiết lập các hệ thống trao đổi thông tin điện tử, trong thời gian 3 năm tính từ khi thông qua sửa đổi, bổ sung của phụ lục. Sẽ có khoảng thời gian chuyển tiếp không ít hơn 12 tháng kể từ thời điểm hệ thống trao đổi thông tin điện tử như vậy được thiết lập cho đến khi bắt buộc phải chuyển các thông tin dưới dạng điện tử. Trong thời gian chuyển tiếp đó, việc chuyển tài liệu giấy và điện tử đều được chấp nhận.

Một thông lệ khuyến nghị mới của phụ lục khuyến khích việc sử dụng khái niệm “một cửa” (single window) nhằm đảm bảo các thông tin theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc đến, lưu trú và rời cảng của tàu, con người và hàng hóa trên tàu chỉ cần đệ trình một lần.

Các tiêu chuẩn sửa đổi khác của phụ lục bao gồm việc đi bờ và tiếp cận các cơ sở trên bờ của thuyền viên. Theo đó, không được có sự phân biệt đối xử trong việc đi bờ của thuyền viên dựa trên quốc tịch, chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị, nguồn gốc xã hội của thuyền viên, cho dù tàu mà thuyền viên đang làm việc mang cờ quốc tịch của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Các tiêu chuẩn và thông lệ khuyến nghị liên quan đến người đi trốn bằng tàu cũng được cập nhật trong phụ lục để tham chiếu đến các phần thích hợp của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và bến cảng (Bộ luật ISPS). Tiêu chuẩn mới yêu cầu các chính phủ, nếu thích hợp, phải đưa ra các cơ sở pháp lý trong hệ thống pháp luật quốc gia cho phép việc khởi tố người đi trốn bằng tàu, người có mưu toan đi trốn bằng tàu, và bất kỳ cá nhân hay công ty nào trợ giúp người đi trốn bằng tàu, người có mưu toan đi trốn bằng tàu với dự định tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận cảng, tàu, hàng hóa hoặc công ten nơ.

Sửa đổi, bổ sung nói đối với phụ lục của Công ước FAL sẽ có hiệu lực, theo thủ tục chấp nhận ngầm (tacit acceptance procedure) sau 15 tháng từ khi được thông qua.