Tham dự buổi lễ có Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) - ông Koji Sekimizu; đại diện Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải Nhật Bản (MLIT); Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm quốc tế (IACS); Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm châu Á (ACS); Tổ chức hợp tác kiểm tra nhà nước tại cảng biển khu vực Ấn Độ Dương (Indian Ocean MOU), khu vực Tây Âu và Bắc Đại Tây Dương (Paris MOU), khu vực biển Đen (Black Sea MOU); Cục Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ (US Coast Guard); Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ISC); Hiệp hội Chủ tàu châu Á (ASF); Tổ chức công nghiệp hàng hải Intertanko, Intercargo; các quốc gia thành viên (Australia, Canada, Chile, Trung Quốc, Fiji, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea, Philippines, Liên bang Nga, Singapore, Solomon Islands, Thái Lan, Vanuatu, Việt Nam) và các quan sát viên của Tokyo MOU. Đoàn đại biểu ACS tham dự buổi lễ do ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Chủ tịch Nhóm Quản lý kỹ thuật ACS dẫn đầu.

(Ảnh)- Đoàn đại biểu ACS tham dự
Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tokyo MOU
Buổi lễ được mở đầu bằng diễn văn khai mạc của ông Ryuji Masuno, Thứ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải Nhật Bản (MLIT). Tiếp đó là bài phát biểu của ông Koji Sekimizu - Tổng Thư ký IMO, ông Mitsutoyo Okada - Thư ký Tokyo MOU, ông Mick Kinley - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Australia, ông Richarf Schiferli - Tổng Thư ký Paris MOU và ông Takuya Yonea - Phó Chủ tịch Đăng kiểm Nhật Bản (NK), đồng thời là đại diện của IACS.
Các bài phát biểu đã tóm tắt lịch sử hình thành, phát triển và chúc mừng các thành tựu của Tokyo MOU trong 20 năm qua, cũng như khẳng định vai trò ngày càng trở lên quan trọng hơn của tổ chức này trong việc góp phần tăng cường khả năng hoạt động an toàn và bảo vệ môi trường của các tàu biển hoạt động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các thành viên Tokyo MOU và các tổ chức liên quan đã cam kết tăng cường sự phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được mục tiêu chung về an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển trong thế kỷ 21, phù hợp với chiến lược và tầm nhìn của IMO.
Trong thời gian diễn ra lễ kỷ niệm, Ban Thư ký Tokyo MOU đồng thời tổ chức Diễn đàn của Tokyo MOU với các tổ chức công nghiệp liên quan. Các nội dung quan trọng được diễn đàn tập trung thảo luận bao gồm:
- Thực hiện Công ước Quốc tế về quản lý nước dằn tàu và cặn nước dằn năm 2004 (BWM): việc lấy mẫu và phân tích nước dằn do các Chính quyền cảng thực hiện phục vụ cho mục đích thử nghiệm.
- Đào tạo nghiệp vụ kiểm soát tàu theo quy định của Công ước BWM cho nhân viên kiểm tra của các Chính quyền cảng.
- Triển khai thực hiện Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC).
Các nội dung nói trên đã nhận được sự tham gia hưởng ứng rất tích cực của các đại biểu. Đại diện ACS đã có phần trình bày quan trọng về kinh nghiệm của ACS trong việc thực hiện Công ước BWM cũng như công tác đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên kiểm tra của các Chính quyền cảng trong lĩnh vực này. Báo cáo của ACS đã nhận được sự đánh giá cao của Diễn đàn.
Một số đại biểu đã bày tỏ sự quan ngại về tính phức tạp trong công tác kiểm tra PSC liên quan đến việc thực hiện Công ước BWM và MLC, đề nghị các Chính quyền cảng thành viên Tokyo MOU phải thực hiện công tác này một cách đồng nhất và hài hòa, không được gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động vận tải biển trong khu vực.
Các hoạt động của ACS trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tokyo MOU đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hình ảnh và vị thế, cũng như tăng cường sự hợp tác của ACS với cộng đồng hàng hải thế giới và khu vực.