Tại khóa họp thứ 62, tổ chức tại trụ sở của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ ngày 11 đến 15/07/2011, Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của IMO, bằng việc thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI của Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL), đã thống nhất các biện pháp bắt buộc nhằm làm giảm sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG) trong hoạt động hàng hải quốc tế.
Đây là văn bản luật quốc tế mang tính bắt buộc toàn cầu đầu tiên liên quan đến việc làm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong một ngành công nghiệp của thế giới.
Sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI “Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra” của Công ước MARPOL đã bổ sung chương 4, bao gồm các quy định về hiệu quả năng lượng của tàu thủy, vào Phụ lục này. Theo đó, các tàu mới bắt buộc phải áp dụng Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Design Index - EEDI) và tất cả các tàu phải áp dụng Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng tàu (Ship Energy Efficiency Management Plan - SEEMP).
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI còn đưa ra các định nghĩa mới và yêu cầu về kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hiệu quả năng lượng quốc tế (International Energy Efficiency Certificate - IEFC) cho tàu.
Các quy định mới được MEPC thông qua tại khóa họp 62 nói trên sẽ áp dụng cho tất cả các tàu có tổng dung tích từ 400 trở lên, và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.
Theo quy định 19, chương 4, Phụ lục VI của Công ước MARPOL, Chính quyền Hàng hải có thể miễn việc áp dụng các yêu cầu về Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng cho các tàu mới có tổng dung tích từ 400 trở lên. Tuy nhiên, việc miễn này không được áp dụng cho các tàu có tổng dung tích từ 400 trở lên có hợp đồng đóng mới được ký 4 năm sau ngày có hiệu lực của chương 4 (sau đây gọi là “ngày hiệu lực”); hoặc có ngày đặt sống chính 4 năm rưỡi sau ngày hiệu lực; hoặc có ngày bàn giao tàu 6 năm rưỡi sau ngày hiệu lực; trong trường hợp tàu hoán cải lớn, khi công việc hoán cải được bắt đầu 4 năm sau ngày hiệu lực.
Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI) là cơ chế dựa trên việc thực hiện chức năng và không có tính chất liệt kê. Cơ chế này dành sự lựa chọn các công nghệ được sử dụng đối với một thiết kế tàu cụ thể cho ngành công nghiệp đóng tàu và hàng hải. Khi đã đạt được mức hiệu quả năng lượng theo yêu cầu, các nhà thiết kế tàu và đóng tàu được tự do sử dụng các giải pháp hiệu quả nhất về mặt giá thành đối với tàu nhằm tuân thủ các quy định bắt buộc.
Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng tàu (SEEMP) thiết lập một cơ chế đối với các nhà khai thác tàu để cải thiện hiệu quả năng lượng sử dụng cho tàu.
Chương 4 mới của Phụ lục VI, Công ước MARPOL còn đưa ra quy định về sự hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ liên quan đến việc cải tiến hiệu quả năng lượng dùng cho tàu thủy. Quy định này yêu cầu các Chính quyền Hàng hải, trong việc hợp tác với IMO và các tổ chức quốc tế khác, đẩy mạnh và cung cấp một cách thích hợp sự trợ giúp trực tiếp, hoặc thông qua IMO, cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.
Đồng thời, quy định cũng yêu cầu Chính quyền Hàng hải của một thành viên hợp tác tích cực với các thành viên khác, trong khuôn khổ của pháp luật, quy định và chính sách của quốc gia, để đẩy mạnh việc phát triển, chuyển giao công nghệ và trao đổi thông tin với các nước yêu cầu sự trợ giúp kỹ thuật, đặc biệt là các nước đang phát triển, liên quan đến việc thực hiện các biện pháp nhằm đáp ứng thỏa mãn các yêu cầu của chương 4.
Tại khóa họp thứ 62, MEPC đã thống nhất kế hoạch làm việc để tiếp tục các công việc liên quan đến các biện pháp hiệu quả năng lượng dùng cho tàu thủy, bao gồm việc phát triển quy định khung EEDI đối với các kiểu và loại tàu và các hệ thống động lực đẩy tàu, chưa được quy định trong các yêu cầu EEDI hiện thời, đồng thời xây dựng các hướng dẫn cần thiết về EEDI và SEEMP.