Kế hoạch triển khai Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen Tokyo MOU vào cuối năm 2014”

20/06/2013

Ngày 02/05/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Đề án "Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014".

Để đạt được các mục tiêu do Đề án đưa ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án trong những tháng còn lại của năm 2013 và năm 2014 với những nội dung chính như sau:

  1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho các chủ tàu, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển, và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
  2. Phổ biến và hướng dẫn chiến dịch kiểm tra tập trung (CIC) của Tokyo MOU, Paris MOU và Indian Ocean MOU trong năm 2013 và 2014 cho các chủ tàu, các đơn vị đăng kiểm.
  3. Tổng hợp, phân tích các khiếm khuyết của các tàu biển Việt Nam bị kiểm tra và lưu giữ PSC để thông báo cho các bên liên quan có các hành động khắc phục và phòng ngừa cần thiết.
  4. Đánh giá lại hệ thống quản lý an toàn của tàu và công ty đối với những trường hợp sau đây: tàu bị lưu giữ hai lượt trong vòng 06 tháng; hoặc tàu bị lưu giữ với 03 khiếm khuyết nghiêm trọng trở lên; hoặc tàu bị lưu giữ có khiếm khuyết nghiêm trọng liên quan đến hệ thống ISM; hoặc công ty có 03 lượt tàu bị lưu giữ trong vòng 06 tháng.
  5. Làm việc với Cục An toàn hàng hải Trung Quốc (MSA) về tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực PSC.
  6. Tăng cường hợp tác với Cơ quan Đăng kiểm Trung Quốc (CCS) để hỗ trợ giải quyết các trường hợp tàu Việt Nam bị lưu giữ PSC tại nước này.
  7. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam (Chi cục Đăng kiểm và Cảng vụ Hàng hải).
  8. Rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các hướng dẫn giám sát kỹ thuật tàu biển.
  9. Nâng cao chất lượng giám sát kỹ thuật tàu biển.
  10. Theo yêu cầu của chủ tàu, thực hiện giám sát khắc phục các khiếm khuyết về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do các Cảng vụ Hàng hải phát hiện đối với các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế.
  11. Đẩy mạnh công tác đánh giá và công nhận năng lực của các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu, các cơ sở sản xuất công nghiệp phụ trợ phục vụ cho công nghiệp đóng tàu, các cơ sở bảo dưỡng, thử nghiệm liên quan đến chất lương an toàn kỹ thuật tàu.
  12. Hoàn thành việc đánh giá lại toàn bộ đội ngũ đăng kiểm viên tàu biển theo Thông tư số 65/2011/TT-BGTVT; lập và thực hiện kế hoạch đào tạo bổ sung, cập nhật cho từng đăng kiểm viên.
  13. Kiểm soát chặt chẽ công việc kiểm tra, đánh giá hiện trường của các đăng kiểm viên, đánh giá viên.
  14. Kiểm soát chặt chẽ công tác đăng kiểm tàu biển Việt Nam do các tổ chức đăng kiểm nước ngoài thực hiện theo sự uỷ quyền của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  15. Tăng cường hiện đại hóa công tác đăng kiểm tàu biển.
  16. Hướng dẫn triển khai thực hiện Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC), các Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL 73/78, Công ước BWM, Công ước SR; Hướng dẫn áp dụng kịp thời các quy định mới của IMO/ILO liên quan đến an toàn, an ninh, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Để kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã quy định rõ thời hạn thực hiện cũng như phân công nhiệm vụ thực hiện cụ thể cho từng phòng ban chức năng của Cục.