Ủy ban An toàn Hàng hải (MSC) của IMO thông qua hướng dẫn cho các Công ty An ninh Hàng hải tư nhân

30/05/2012

Hướng dẫn tạm thời cho các Công ty An ninh Hàng hải tư nhân (PMSC – Private Maritime Security Company) đã được Ủy ban An toàn Hàng hải (MSC) của IMO nhất trí thông qua tại phiên họp lần thứ 90 của Ủy ban, diễn ra từ ngày 16 đến 25-5-2012, tại trụ sở chính của IMO ở London, UK.

Tại phiên họp, các đại biểu cấp cao đã giành nhiều thời gian tranh luận gay gắt về cách thức để cộng đồng quốc tế đối phó với các vấn đề liên quan đến việc triển khai sử dụng nhân viên an ninh có vũ trang làm việc hợp đồng trên tàu (PCASP) và việc chuyên chở vũ khí trên tàu. Qua các cuộc thảo luận, MSC nhất trí thông qua Hướng dẫn tạm thời cho các Công ty An ninh Hàng hải tư nhân (PMSC) chuyên cung cấp các nhân viên an ninh có vũ trang làm việc hợp đồng trên tàu trong khu vực có nguy cơ cướp biển cao.

Hướng dẫn bao gồm:

  • Chứng nhận PMSC chuyên nghiệp, bao gồm các khuyến nghị rằng PMSC nên được chứng nhận bằng tiêu chuẩn hàng hải quốc gia và quốc tế có liên quan đến dịch vụ an ninh hàng hải tư nhân khi được thành lập;
  • Các yêu cầu đối với PMSC, bao gồm các khuyến nghị rằng PMSC nên xây dựng các quy trình để cung cấp các dịch vụ an ninh hàng hải cho chủ tàu và công ty khai thác tàu và tuân thủ các yêu cầu quy phạm pháp luật có liên quan;
  • Các yêu cầu về quản lý, bao gồm các khuyến nghị về việc lựa chọn, rà soát và đào tạo cho nhân viên an ninh có vũ trang làm việc hợp đồng trên tàu (PCASP);
  • Triển khai xem xét, giải quyết các vấn đề cụ thể của PCASP và vai trò của PMSC trong việc bảo đảm triển khai hiệu quả và thành công, bao gồm thông tin liên lạc với chủ tàu hoặc công ty khai thác tàu, và bao gồm các khuyến nghị liên quan đến quản lý vũ khí và đạn dược từ lúc vận chuyển lên tàu đến khi rời tàu và quá trình sử dụng chúng. (PMSC phải thừa nhận luật pháp về quyền sử dụng vũ trang có thể khác nhau theo thời gian và địa điểm. Pháp luật quốc gia hiện hành, bao gồm cả luật hình sự của chính phủ tàu treo cờ sẽ là cơ sở pháp lý chính để PCASP cung cấp dịch vụ và tàu phải tuân thủ. Cơ sở pháp lý này cũng có thể bao gồm luật pháp và các quy định của quốc gia ven biển, cảng biển và các quốc gia khác).

MSC nhất trí rằng Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) sẽ là tổ chức thích hợp nhất để xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế cho PMSC dựa trên các hướng dẫn của IMO. IMO sẽ có đầu mối liên lạc tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn của ISO.

MSC cũng đã đồng ý sửa đổi hướng dẫn tạm thời cho chủ tàu, công ty khai thác tàu và thuyền trưởng, chính phủ tàu treo cờ, các quốc gia ven biển và cảng biển về việc sử dụng PCASP trên tàu để chống lại cướp biển có cứ địa ở Somali, để phù hợp với các hướng dẫn mới đối với PMSC.

MSC cũng đã phê duyệt hướng dẫn tạm đối với Chính phủ tàu treo cờ về các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu cướp biển có cự địa ở Somalia, trong đó liệt kê các tác nghiệp khuyến khích các Chính phủ tàu treo cờ áp dụng, có tính đến hoàn cảnh và pháp luật quốc gia riêng của họ, để tối đa hóa nỗ lực của họ khi thực hiện các biện pháp chống cướp biển.

MSC lưu ý rằng, trên toàn cầu, số vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu được báo cáo cho IMO trong năm 2011 là 544 vụ, tăng 55 vụ (11,3%) so với năm 2010.

Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trong năm 2011, cũng như 2010, là Đông Phi và vùng Viễn Đông, đặc biệt là Biển Đông, tiếp theo là Ấn Độ Dương, Tây Phi, Nam Mỹ và Caribbean. Phần lớn các vụ cướp biển xảy ra ngoài khơi Đông Phi, tăng từ 172 trong năm 2010, lên 223 vào năm 2011. Việc triển khai các tàu mẹ của hải tặc Somali và tăng phạm vi hoạt động của chúng đã góp phần làm cho số lượng các vụ cướp trong vùng Biển Ả Rập tăng từ 16 trong năm 2010, lên 28 vào năm 2011. Tuy nhiên, số lượng các vụ cướp biển ở Ấn Độ Dương giảm từ 77 trong năm 2010, xuống còn 63 vào năm 2011.

Mặc dù các cuộc tấn công của cướp biển có cứ địa ở Somalia rất nhiều, song các vụ cướp thành công của chúng đã giảm đáng kể. Năm 2011, trong số 286 cuộc tấn công, thì có 33 tàu bị cướp (11,5%), trong khi đó năm 2010, hải tặc Somalia tấn công 172 tàu và cướp 50 tàu (29%).

Trên toàn thế giới, trong năm 2011có 7 thuyền viên bị giết, tăng 2 người so với năm 2010, 569 thuyền viên được báo cáo là bị bắt làm con tin/ bắt cóc, trong năm 2011, giảm so với năm 2011 là 1.027 người.

Một lần nữa, Ủy ban kêu gọi tất cả các Chính phủ và ngành công nghiệp hàng hải tăng cường và phối hợp để tiêu diệt cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu.