Tiếp tục gỡ khó đăng kiểm tàu biển và phương tiện thuỷ nội địa

27/05/2024

Ngày 24/5 Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị Đăng kiểm viên tàu biển và phương tiện thuỷ nội địa (PTTNĐ) năm 2024.

z5472469199152_b6e9aa5830053b9a2c77029081ac38af.jpg

Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng phát biểu tại Hội nghị

Thời gian qua, các quy định về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu biển, phương tiện thuỷ nội địa của pháp luật quốc gia và quốc tế ngày càng nghiêm ngặt hơn; tạo ra nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý kỹ thuật và đăng kiểm phương tiện, thiết bị; đòi hỏi công tác đăng kiểm tàu biển, PTTNĐ phải cố gắng, nỗ lực học tập để tránh bị tụt hậu.

Do đó, Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá công tác đăng kiểm tàu biển, công trình biển, PTTNĐ, đề xuất giải pháp cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính gây khó khăn, tăng chi phí không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; đơn giản hoá và minh bạch các quy trình đăng kiểm...

Theo báo cáo tính đến tháng 5/2024, số lượng đăng kiểm viên tàu biển của VR hiện tại bao gồm 182 đăng kiểm viên tàu biển. Trong số này, đa số đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra tàu hàng tổng hợp; số lượng đăng kiểm viên kiểm tra tàu chuyên dùng chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng không nhiều.

Liên quan tới đăng kiểm PTTNĐ và đăng kiểm viên PTTNĐ, hiện tại cả nước có 300 đăng kiểm viên, 161 nhân viên nghiệp vụ, trong đó có rất nhiều đăng kiểm viên tàu biển, công trình biển kiêm nhiệm.

z5472469245381_10da2adfd674b25ea097bc62d837c889.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Đại diện phòng Tàu sông cho biết, hầu hết các Chi cục đăng kiểm hiện nay đều thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là đăng kiểm viên dẫn đến tình trạng quá tải, không đáp ứng yêu cầu công việc theo đúng tiến độ mặc dù nhiều người đã phải làm nhiệm vụ kiêm nhiệm. 

Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay theo phân cấp tại Thông tư 16/2023/TT-BGTVT “Quy định về đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa”; để không bị động và đáp ứng nguồn nhân lực cho các đơn vị đăng kiểm thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm PTTNĐ, ngày 02/02/2024 Bộ GTVT đã ký ban hành và Thông tư 02/2024/TT-BGTVT sửa đổi bổ sung một số điều của các Thông tư Quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của Lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm PTTNĐ.

Theo đó đối tượng được công nhân đăng kiểm viên PTTNĐ trong trường hợp đặc biệt được mở rộng; Rút ngắn thời gian thực tập và giữ hạng đăng kiểm viên, rút ngắn thời gian thực tập nghiệp vụ đối với những người có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, vận hành tàu thuỷ, công trình biển và người có thời gian thực hiện nhiệm vụ thiết kế tàu thuỷ; Tổ chức các lớp đào tạo lý thuyết, thực hành để có thể bổ sung sớm nhất nguồn nhân lực cho công tác đăng kiểm PTTNĐ, trong đó chú trọng đặc biệt đến nguồn nhân lực có thể chuyển đổi được từ tàu biển sang PTTNĐ theo quy định.

Song song với đó, Cục ĐKVN cũng đang tiếp tục rà soát các VBQPPL, huy động tối đa nhân lực chất lượng cao từ các chi cục và các phòng ban chuyên môn, các đơn vị thiết kế, chủ tàu, hiệp hội để tham gia sửa đổi các VBQPPL theo hướng xem xét tăng trách nhiệm của chủ phương tiện, cơ sở đóng mới sửa chữa, đơn vị thiết kế để giảm bớt trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm và của đăng kiểm viên khi thực hiện kiểm tra; khắc phục các bất cập trong công tác đăng kiểm PTTNĐ về chu kỳ kiểm tra, điều kiện của các cơ sở đóng mới sửa chữa...

“Về lâu dài, nên xem xét đưa các vấn đề có tính chất quản lý từ quy chuẩn vào các thông tư, chuyển ban hành quy chuẩn thành tiêu chuẩn như thông lệ của các nước khác trên thế giới”, đại diện phòng Tàu sông kiến nghị.
Tại Hội nghị các đại biểu cũng nêu ý kiến về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình thực hiện công tác đăng kiểm, các hướng dẫn kiểm tra, giám sát kỹ thuật để hoàn thiện hệ thống đăng kiểm.

Lắng nghe, chia sẻ những đề xuất kiến nghị từ thực tiễn, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục ĐKVN cho biết: Cục sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để bổ sung, sửa đổi các văn bản QPPL, Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; trong thẩm quyền của mình chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị của các đơn vị, đăng kiểm viên về công tác đăng kiểm tàu biển, phương tiện thuỷ nội địa, công tác chứng nhận vật liệu, máy, thiết bị, công tác đánh giá, công nhận đủ điều kiện kinh doanh đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển, phương tiện thuỷ nội địa, công tác thẩm định thiết kế đóng mới, hoán cải tàu biển, phương tiện thuỷ nội địa.