Đây là hội nghị họp trực tiếp đầu tiên sau 3 năm thực hiện dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hội nghị có sự tham dự của các quốc gia thành viên IMO, thành viên danh dự, các tổ chức liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ liên quan đến an ninh, an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường hàng hải.
Đoàn đại biểu Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) tham dự MSC 106
Nội dung chính của Hội nghị lần này nhằm bàn thảo về các quy định của tàu tự lái (Maritime Autonomus Surface Ship – MASS). Cụ thể, Hội nghị cho ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Tàu tự lái được xây dựng dựa trên nguyên tắc mục tiêu và không bắt buộc áp dụng. Hội nghị hy vọng vào năm 2025 các chủ tàu, nhà máy đóng tàu, thiết kế và các cơ quan cấp chứng nhận cho tàu có thể sử dụng được Bộ luật này.
Ngoài ra, vấn đề cướp biển và cướp có vũ trang diễn ra tại một số khu vực, đặc biệt khu vực vịnh Guinea, cũng được quan tâm. Hội nghị kêu gọi các bên liên quan tiếp tục các biện pháp cần thiết để giảm thiểu các rủi ro và mối đe dọa cướp biển và cướp có vũ trang.
Đối với thiết bị và hệ thống của tàu, Hội nghị sẽ bàn các nội dung liên quan đến thông gió cho xuồng cứu sinh kín. Yêu cầu này được đề xuất bởi đoàn đại biểu Nhật Bản tại MSC 97 năm 2016 dựa trên kết quả điều tra tai nạn tàu biển rằng lưu lượng thông gió của các xuồng cứu sinh hiện có có nguy cơ không đủ cung cấp khí để duy trì sự sống người trên xuồng ở một số điều kiện nhất định. Việc này sẽ dẫn đến sửa đổi các quy định của Bộ luật các thiết bị cứu sinh (LSA Code), Quy định về thử các thiết bị cứu sinh MSC.81(70) và các biểu mẫu liên quan.
Liên quan đến hệ thống của tàu, Hội nghị lần này sẽ thống nhất lần cuối các quy định đối với thiết bị nâng và tời thả neo để trình thông qua tại hội nghị tới (MSC 107). Quy định này được đoàn đại biểu New Zealand đề xuất tại MSC 83 năm 2007 dựa trên số liệu các tai nạn liên quan đến hệ thống này đối với các tàu làm hàng tại các cảng của Úc và New Zealand. Hội nghị thấy rằng từ ngày đề xuất đến nay đã 15 năm, cần thiết phải ban hành sớm quy định để tránh các tai nạn như vậy trong tương lai.
Vấn đề nhiên liệu cũng được Tổng thư ký IMO định hướng ngay khi khai mạc hội nghị, đó là việc quy định sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp dẫn đến có tồn tại loại nhiên liệu không thỏa mãn yêu cầu về điểm chớp cháy. Hội nghị sẽ bàn và đưa ra các quy định để kiểm soát các nhiên liệu phải đạt chuẩn mới được sử dụng.
Hội nghị này cũng sẽ bàn đến nhiều các quy định mà sẽ tác động đến quy định về đóng và thiết kế tàu trong tương lai như sửa đổi các quy định đi vào các không gian kín do các tai nạn liên quan đến vận hành các không gian này vẫn đang diễn ra; sửa đổi quy định đối với thang hoa tiêu; xem xét quy định về bảo dưỡng thiết bị cứu sinh; cấm sử dụng công chất chữa cháy perfluorooctane sulfonic acid (PFOS) do chất này ảnh hưởng đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ thông qua các bổ sung sửa đổi Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS), Bộ luật quốc tế về đóng và trang thiết bị tàu chở xô khí hóa lỏng (IGC Code), Bộ luật quốc tế về đóng và trang thiết bị tàu chở xô hóa chất nguy hiểm (IBC Code), Bộ luật quốc tế về an toàn đối với tàu sử dụng khí hoặc các nhiên liệu khác có điểm chớp cháy thấp (IGF Code) và Bộ luật quốc tế về chương trình kiểm tra nâng cao khi giám sát tàu dầu và tàu hàng rời (ESP Code, 2011).
Đặc biệt tại Hội nghị này sẽ thông qua bộ luật mới là Bộ luật quốc tế về an toàn tàu chở nhân viên công nghiệp (IP Code). Bộ luật này áp dụng cho các tàu chở người ra các trạm điện gió ngoài khơi và các công trình dầu khí biển. Quy định này được đề xuất bởi đoàn đại biểu Đức tại MSC 85 (2008) do việc xuất hiện ngày càng nhiều các trạm điện gió ngoài khơi tại các nước châu Âu kéo theo là việc đóng các tàu chở người ra các trạm điện gió làm công tác bảo dưỡng sửa chữa hệ thống thiết bị của trạm. Bộ luật này dự kiến sẽ có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2026.
Hệ thống dịch vụ thông tin Bắc Đẩu (BeiDou Message Service System BDMSS) của Công ty TNHH Tập đoàn thông tin viễn thông vận tải Trung Quốc (CTTIC) đã được hội nghị thông qua dưới dạng nghị quyết công nhận hệ thống này là hệ thống cung cấp thông tin vệ tinh cho hệ thống thông tin an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu (Global Maritime Destress and Safety System – GMDSS). Đây là hệ thống thứ ba sau IMMASAT và IRIDIUM được công nhận là hệ thống cung cấp thông tin vệ tinh cho hệ thống GMDSS.