Cả thế giới đang trở mình vì xe điện. Ngành công nghiệp ôtô đổ hàng tỷ tỷ USD cho những chiếc xe không tiếng động. Các chính phủ tìm mọi cách ưu đãi, hỗ trợ phát triển hạ tầng. Tất cả những việc này tới sau khi các nhà khoa học đưa ra những con số báo động về khí thải và hiệu ứng nhà kính. Các nước chạy đua về một tương lai không phát thải, ở đó xe hơi được chỉ định phải chịu trách nhiệm lớn cho việc này. Lối thoát sáng sủa nhất ngành bốn bánh làm được, là điện khí hóa.
Xe cộ phải điện khí hóa càng nhiều càng tốt, yếu tố điện càng nhiều, lượng khí thải càng ít. Và xe thuần điện là đích tới. Nhưng trên con đường tới thuần điện có nhiều chướng ngại về hạ tầng, công nghệ pin, sạc, lưới điện. Vẫn còn những dòng điện khí hóa khác dễ tiếp cận hơn, không vướng nhiều trở ngại, là hybrid và plug-in hybrid.
Thế giới tranh cãi để rồi tự trả lời câu hỏi, không có đúng/sai trong việc lựa chọn hãng hay quốc gia nên đi theo con đường nào ngay lúc nào, xe điện hoặc hybrid, chỉ có phương án nào phù hợp hơn mà thôi.
Bắc Âu, nơi đất rộng, người thưa, dễ dàng phát triển xe điện. Chính phủ các nước này đủ giàu có để có thể xây số lượng trạm sạc công cộng nhiều hơn cả số hộ gia đình. Nhưng các nước đông dân nếu muốn phát triển xe điện thì khó khăn là không ít. Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, nhưng vào những ngày nghỉ lễ kéo dài, hàng chục xe chờ chung một cổng sạc điện là chuyện bình thường.
Việt Nam cũng là một nước đông dân, lại chưa thực sự hình thành xã hội xe hơi (phương tiện chính của người dân là xe máy) thì việc chuyển sang xe điện lại càng cần nhiều nguồn lực, và thời gian. Quãng quá độ này cũng phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký hồi 26/7. Theo đó, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng sẽ bằng 0 vào 2050.
Hiện thực hóa chiến lược này của ngành Giao thông vận tải là Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan. Theo đó, Việt Nam sẽ bắt đầu hạn chế xe xăng, dầu từ 2040 và chuyển hoàn toàn sang xe thuần điện vào 2050. Điều này đồng nghĩa với việc lựa chọn phát triển dần từ xe xăng, dầu lên hybrid, plug-in hybrid rồi tới xe điện của nhiều hãng xe hiện nay ở Việt Nam là có cơ sở.
Hybrid là cầu nối, bởi loại xe này tận dụng được ưu điểm và triệt tiêu bớt nhược điểm của cả xe xăng và xe điện. Xe vẫn đổ xăng như bình thường, nhưng chạy êm như xe điện, tiết kiệm nhiên liệu hơn rất nhiều so với xe xăng. Chạy xe hybrid đồng nghĩa với việc người dùng không cần thay đổi thói quen sử dụng xe, vẫn đổ xăng khi sắp cạn bình và không cần quan tâm đến cột pin.
"Những thứ to tát như không phát thải hay bảo vệ môi trường quá to tát với người dùng cá nhân, họ cần những đặc trưng khác từ một sản phẩm điện hoá", một chuyên gia bán hàng lâu năm nhận định. Vị này cho biết, tất nhiên nếu ở nhà, nơi làm việc, trung tâm mua sắm của một ai đó luôn có sẵn cổng sạc thì sử dụng xe điện là lý tưởng.
Nhưng mọi thứ sẽ trở nên khó khăn và bất tiện hơn, khi chung cư không có cổng sạc, văn phòng ở trên phố đông và trung tâm mua sắm luôn kẹt cứng chỗ đỗ mỗi cuối tuần. Hệ thống cần có thời gian để làm đầy, và trong lúc đó, người dùng chọn phương tiện lai kiểu hybrid sẽ khá phù hợp.
Tiên phong là Toyota. Hãng này đã giới thiệu chiếc Prius ở Việt Nam từ nhiều năm trước, và bán chiếc xe hybrid đầu tiên vào năm 2020, mẫu Corolla Cross. Từ đó tới nay là thêm các bản hybrid của Camry, Corolla Altis. Thực tế, các phiên bản HEV (hybrid) của cả ba mẫu xe này dù là bản cao cấp nhất vẫn ghi nhận doanh số tốt, chiếm tỷ trọng đáng kể trong số bán của từng dòng xe. Cụ thể, đến hết tháng 9, có 5.031 xe hybrid bán ra, chiếm khoảng 11% tổng doanh số ba mẫu Camry, Altis và Corolla Cross.
Bên cạnh đó còn có Lexus chung nhịp với Toyota. Trên toàn cầu, nếu tính cả Lexus, doanh số xe điện hóa của Toyota là hơn 21 triệu, chiếm 19,38%. Trong đó, riêng xe HEV đã chiếm tới 20 triệu chiếc, theo hãng xe Nhật.
Ở mảng xe phổ thông, Suzuki cũng mới giới thiệu chiếc Ertiga hybrid và sắp tới là Nissan với chiếc Kicks "chạy điện nhưng nạp xăng". Ở mảng xe sang, Volvo có những sản phẩm hybrid dạng HEV và PHEV, Mercedes với hybrid dạng nhẹ. Từ chỗ là phiên bản "bán cho vui", các dòng xe hybrid đang dần được khách hàng quan tâm và cân nhắc thực sự, sau khi đã có cơ hội trải nghiệm.
Tại Thái Lan, hybrid là phiên bản bán chạy nhất của các dòng xe, các mẫu HEV của Toyota chạy đầy đường. Đơn thuần là bởi, ngoài những lợi ích trong vận hành, xe hybrid thường rẻ bởi được hưởng các chính sách. Chính phủ nước này từ lâu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô theo lượng phát thải CO2 theo nguyên tắc xả càng nhiều, thuế càng cao.
Bảng quy định mức thuế tiêu thụ đặc biệt dựa vào mức phát thải CO2 tại Thái Lan:
Mức phát thải CO2 (g/km) | Xe ICE | HEV/ PHEV | BEV |
150-200 | 35% | 26% | 8% |
100-150 | 30% | 21% |
50-150 | 25% | 16% |
0-50
| 8%
|
ICE: động cơđốt trong, HEV/PHEV: hybrid/plug-in hybrid, BEV: thuần điện
Ngoài thuế TTĐB, xe điện hóa dạng hybrid còn được ưu đãi nhiều loại thuế, phí khác, giúp dòng xe này rẻ tương đối so với xe xăng, dầu. Ở Việt Nam hybrid chưa được coi trọng như vậy, với thuế phí vẫn như xe xăng. Tức là, xe hybrid đã sạch hơn xe xăng, tiết kiệm hơn xe xăng, nhưng chưa được ghi nhận là một dòng xe có ích cho môi trường để hưởng những ưu đãi như xe điện.
Đây cũng là lý do khiến Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) mới đây tiếp tục kiến nghị để mong được giảm thuế TTĐB và lệ phí trước bạ cho xe hybrid tương tự xe thuần điện, như một cách khuyến khích các phương tiện bảo vệ môi trường.
Hiệp hội này cho rằng cần tạo điều kiện cho cả xe HEV và PHEV thì khi đó sẽ thu hút người dùng, doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn để phát triển hệ thống trạm sạc, hệ thống nguồn phát đảm bảo điện sạch. Những ưu đãi này sẽ giảm dần trong tương lai và từ sau 2050 thì không cần hỗ trợ nữa khi mà xe điện hóa đã trở nên phổ cập toàn thị trường.
Xe điện hóa thực tế chỉ là tên gọi cho giải pháp về công nghệ để ngành bốn bánh đối phó với những yêu cầu về khí thải và bảo vệ môi trường. Trong tương lai, khi có giải pháp khác toàn diện hơn xe điện, thì lúc ấy những EV hay HEV, PHEV lại trở nên lạc hậu như xe xăng, dầu hiện nay. Sản phẩm đỉnh cao lúc này có thể sẽ chỉ là trung gian ở những giai đoạn kế tiếp, vì vậy theo chủ tịch một hãng xe Nhật, việc sử dụng loại nào phù hợp mới là điều quan trọng, chứ không phải cố gắng để leo tới cái đích cao nhất đang tồn tại.