Cảnh báo trực tuyến phương tiện khiếm khuyết
Ngày 20/9, tại Trung tâm đăng kiểm (TTĐK 89-05D) ở Hưng Yên, anh Lê Văn Q. (trú tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đưa chiếc xe ô tô đầu kéo 89H - 028.54 tới làm thủ tục kiểm định.
Cập nhật cảnh báo phương tiện khiếm khuyết, hư hỏng lên hệ thống quản lý kiểm định trực tuyến giúp nâng cao chất lượng xe, đảm bảo ATGT và hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực kiểm định
Sau khi xe được đưa vào dây chuyền kiểm định, các đăng kiểm viên phát hiện chiếc ô tô đầu kéo thiếu bình dầu thuỷ lực nâng hạ ben và ngay lập tức thông báo cho chủ xe và yêu cầu đưa xe đi khắc phục trước khi quay lại trạm.
Đồng thời, TTĐK 89-05D cũng nhập dữ liệu phương tiện lên hệ thống cảnh báo phương tiện trực tuyến của Cục Đăng kiểm VN, để các TTĐK khác nắm được thông tin phương tiện và kiểm tra kỹ hơn nếu xe này tới kiểm định. Cùng ngày, tại TTDK 29-03S (Hà Nội), xe ô tô nhãn hiệu Chevrolet BKS 29H - 067.96 cũng được đưa đến thực hiện thủ tục kiểm định.
Sau khi đưa xe vào dây chuyền kiểm tra, đăng kiểm viên tại TTĐK 29-03S phát hiện hiệu quả phanh xe trên băng thử có hệ số sai lệch lực phanh giữa hai bánh trên cùng một trục Ksl lớn hơn 25%.
TTĐK liền làm văn bản thông báo hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng đến chủ xe, đồng thời yêu cầu, phương tiện không được tham gia giao thông và phải khắc phục các khiếm khuyết, hư hỏng để kiểm định lại. Thông tin này cũng được TTĐK 29-03S cập nhật lên hệ thống cảnh báo phương tiện trực tuyến của Cục Đăng kiểm VN.
Trước đó, vào ngày 19/9, tại TTĐK 89-07D (tỉnh Hưng Yên) cũng thực hiện kiểm định cho 2 phương tiện lần lượt mang BKS: 29B - 107.52 và 29C - 969.09 phát hiện loạt khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng.
Trong đó, xe BKS 29B - 107.52 có đèn phanh không sáng khi phanh xe; Thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và Camera giám sát không truy cập được vào website quản lý.
Xe BKS 29C – 969.09 có đèn phanh không sáng khi phanh xe; Gương, camera quan sát phía sau bị nứt, vỡ, không điều chỉnh được; Cửa, khoá cửa và tay nắm cửa có bản lề, chốt bị mất, lỏng, hư hỏng; Hiệu quả phanh đỗ khi thử trên băng thử nhỏ hơn 16%.
TTĐK 89-07D lập tức thông báo với các chủ xe và đề nghị đưa phương tiện đi sửa chữa, khắc phục trước khi quay lại trạm thực hiện kiểm định lần 2 để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Đồng thời, những thông tin trên cũng được cập nhật ngay trên hệ thống cảnh báo phương tiện trực tuyến.
Phương tiện 89H - 028.54 được cập nhật thông tin khiếm khuyết lên hệ thống cảnh báo phương tiện trực tuyến
Nâng cao chất lượng xe, đảm bảo ATGT và hạn chế tiêu cực
Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc TTĐK 29-03S (Hà Nội) cho biết, các khiếm khuyết mà phương tiện thường gặp trong quá trình thực hiện kiểm định tại TTĐK này chủ yếu liên quan đến khí thải phương tiện, đèn điện, độ chụm lái và hệ thống phanh xe.
“Những phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) sẽ được cập nhật thông tin cụ thể các khiếm khuyết lên hệ thống cảnh báo phương tiện trực tuyến của Cục Đăng kiểm VN. Chủ phương tiện phải sửa chữa, khắc phục các hư hỏng để đăng kiểm lại. Nếu xe vào kiểm định lại ngay trong ngày tại cùng đơn vị đăng kiểm, chỉ kiểm định lại các hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng được thông báo.
Riêng với hạng mục, chi tiết hư hỏng thuộc hệ thống phanh, lái, phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống phanh, lái. Trường hợp kiểm định lại vào ngày khác hoặc tại đơn vị khác, phải kiểm định lại tất cả các hạng mục”, ông Hải nói thêm.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tại Hưng Yên cũng cho biết, chủ phương tiện được lựa chọn bất kỳ TTĐK nào để kiểm định lại, cũng như thời điểm để đưa xe đi đăng kiểm lại.
Phương tiện được TTĐK kết luận không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật có thể sang ngay trung tâm đăng kiểm khác để kiểm định lại. Tuy nhiên, đơn vị đăng kiểm sau khi kiểm định xe phải cập nhật ngay các hạng mục hư hỏng, khiếm khuyết kỹ thuật của xe lên mục “cảnh báo phương tiện” trên hệ thống quản lý kiểm định trực tuyến để các trung tâm đăng kiểm khác biết, chú ý hơn khi kiểm tra.
“TTĐK nào kiểm tra, xác nhận các hư hỏng kỹ thuật đã được khắc phục thì mới xóa cảnh báo. Điều này giúp giám sát, ngăn chặn việc xe không sửa chữa, khắc phục hư hỏng nhưng “chạy” sang đơn vị đăng kiểm khác để mong được kiểm định dễ dãi, bỏ qua nhằm nâng cao chất lượng phương tiện và hạn chế những tiêu cực trong lĩnh vực kiểm định”, đại diện TTK ở Hưng Yên nói thêm.
Việc kiểm định xe ô tô có 5 công đoạn, gồm: kiểm tra nhận dạng, tổng quát; kiểm tra phần trên của phương tiện; kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang; kiểm tra môi trường (đo khí thải) và kiểm tra phần dưới (gầm) xe.
Mỗi lần xe vào kiểm định, đơn vị đăng kiểm phải chụp ảnh (thể hiện ngày, giờ) tổng thể xe, biển số để lưu trữ trong hồ sơ kiểm định và in trên giấy chứng nhận.