Khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo của Bộ GTVT về việc triển khai thực hiện cam kết của VN tại Hội nghị COP26

14/02/2022

Sáng 14/02, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp cùng với các đơn vị liên quan về việc Triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về việc Triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Vụ Môi trường tham mưu chính, xem xét đề xuất việc thành lập Ban chỉ đạo Triển khai thực hiện cam kết của VN tại Hội nghị COP26 của Bộ GTVT. “Trong đó, nêu rõ trách nhiệm các đồng chí trong Ban Chỉ đạo cũng như đưa ra Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo...”, Bộ trưởng yêu cầu.

“Đầu tuần sau, Vụ Môi trường phải có báo cáo về lộ trình kết nối các đơn vị để thực hiện thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Bộ trưởng giao nhiệm vụ và nhấn mạnh đến việc muốn xây dựng kế hoạch tốt phải có lộ trình cụ thể từng công việc thì mới đảm bảo được chất lương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các Cục, Tổng cục cũng như các đơn vị phải tham mưu cho thủ trưởng ban hành kế hoạch, chương trình để thực hiện cam kết của VN tại Hội nghị COP26 liên quan đến các đơn vị.

Trước đó, báo cáo về việc triển khai, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Hội nghị COP26 của Bộ GTVT, Vụ trưởng Vụ Môi trường Trần Ánh Dương cho biết, hiện nay, phương tiện, thiết bị giao thông vận tải trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch (như: xăng, dầu, ...) gây phát thải khí nhà kính. 

Theo xu hướng của quốc tế, để đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, ngành GTVT phải thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính chính là chuyển đổi các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sinh học, hydrogen, amôniắc, xăng tổng hợp, …; phát triển giao thông công cộng.

“Triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Vụ Môi trường đã tham mưu, trình Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ban hành 05 văn bản gửi Bộ TN&MT và chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong đó có một số nhiệm vụ chính sau: Các cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý được giao rà soát, đề xuất điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”, ông Trần Ánh Dương nhấn mạnh.

Cùng với đó, Tổng cục ĐBVN, các Cục quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố rà soát các hoạt động, các đối tượng gây phát thải khí nhà kính thuộc lĩnh vực quản lý; nghiên cứu, xây dựng Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê-tan cho lĩnh vực quản lý; gửi hồ sơ dự thảo Chương trình hành động về Viện CL&PT GTVT trước ngày 01/3/2022....

Tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ

Được biết, tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…

Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cacbon thấp.

Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó thủ tướng Lê Văn Thành là Phó Trưởng ban, thành viên là các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.

Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành 05 văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành triển khai cam kết; trong đó Bộ GTVT được giao thực hiện 07 nhiệm vụ.


Tác giả: KA