Cuộc sống phát triển kéo theo đòi hỏi về công nghệ tiên tiến trên những sản phẩm giá trị cao như ôtô ngày càng khắt khe. Thị trường xe hơi trong nước từ đó cũng chuyển biến liên tục, các mẫu ôtô nâng cấp lần lượt giới thiệu đến người dùng, tuy nhiên cái giá để chủ xe sở hữu tiện nghi thông minh, nhất là từ trí tuệ nhân tạo vẫn không mấy dễ chịu.
Bài toán “địa phương hóa” trên xe hơi
Theo tổ chức Vietnam Briefing, mặc dù Việt Nam là một trong bốn nhà sản xuất ôtô lớn nhất Đông Nam Á, nhưng lại có tỷ lệ nội địa hóa xe hơi trung bình thấp nhất trong khu vực, chỉ khoảng 10-15% và còn kém xa Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Theo Bộ Công Thương, đến năm 2025 nhu cầu ôtô của Việt Nam khoảng 800.000-900.000 xe và con số này sẽ lên đến 1,5-1,8 triệu xe vào năm 2030, trong đó có đến 70% là ôtô cá nhân. Bộ Công Thương cũng nhận định, cần nâng thị phần ôtô sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa cao hơn.
Dự đoán nhu cầu sở hữu ôtô sẽ tăng cao trong những năm tới.
Thị trường ôtô hứa hẹn là mảnh đất màu mỡ cho các “ông lớn” thúc đẩy đầu tư và thay đổi thị phần trong tương lai gần. Chính vì thế, một số hãng xe ngoại hiện tích cực mang trí tuệ nhân tạo lên ôtô nhằm bước đầu gia tăng lợi thế cạnh tranh. Trong đó phải kể đến Honda, Toyota, Mitsubishi hay Hyundai, Kia là những hãng đi đầu trong việc nâng cao trải nghiệm người dùng với các tính năng từ AI như trợ lái thông minh, hỗ trợ lái xe an toàn, cảnh báo tai nạn…
Việc trang bị những tính năng thông minh từ trợ lý giọng nói (voice assistant) của BMW, Mercedes… cũng được xem là một trong những hướng đi tăng sức hấp dẫn của thương hiệu. Thậm chí, nhiều nhà sản xuất, phân phối ôtô còn mang những trợ lý giọng nói nổi tiếng toàn cầu như Alexa, Siri, Google Assistant… lên xe. Do trợ lý giọng nói đang được đánh giá là phương tiện giao tiếp hiệu quả nhất giữa người và máy móc.
Nhiều hãng xe trang bị sẵn trợ lý giọng nói nhằm tăng lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc tiếp cận với tiện ích thông minh đến từ trợ lý giọng nói của người dùng phổ thông tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, do thường chỉ có mặt trên các dòng xe sang.
Mặt khác, các trợ lý ngoại nhập chưa thật sự thân thiện với trải nghiệm sử dụng của người Việt, trong bối cảnh không phải ai cũng thông thạo tiếng Anh. Việc không sở hữu nguồn nội dung bản địa cũng là rào cản khiến các trợ lý ngoại nhập chưa thật sự thu hút người đi xe trong nước.
Một trợ lý giọng nói có thể hiểu và giao tiếp tốt với người Việt đang được kỳ vọng có thể góp phần giải bài toán “địa phương hóa” trên xe hơi trong tương lai không xa.
Người Việt có nhiều lựa chọn với xe hơi thông minh
Trước đây, người Việt phụ thuộc vào hệ thống thông tin giải trí trên xe hơi (IVI System - In-Vehicle Infotainment System) để trải nghiệm những tác vụ giải trí, tìm đường khi điều khiển phương tiện. Điều này đồng nghĩa người dùng không cần có thêm thao tác kết nối, cài đặt vẫn có thể điều khiển một số tác vụ thông thường nhờ vào IVI system có sẵn trên xe khi xuất xưởng.
Một cách khác là người dùng có thể gắn thêm màn hình rời từ bên thứ ba để trải nghiệm hệ thống thông tin, giải trí trên xe. Tuy nhiên, thao tác chạm vuốt điều khiển trên bề mặt màn hình khiến việc lái xe không được đảm bảo an toàn.
Sự phát triển của những “big tech” còn cho phép người dùng sử dụng trợ lý giọng nói thông qua kết nối với hai hệ thống phổ biến là Android Auto và Apple Carplay, các tác vụ trên xe được hỗ trợ đáng kể, người lái xe có thể tập trung hơn khi điều khiển phương tiện.
Thực tế, việc am hiểu thói quen, văn hóa người Việt và có nguồn nội dung bản địa dồi dào không phải đơn vị nào cũng có khả năng thực hiện. Đó là lý do vì sao Google Assistant tiếng Việt đã không còn hỗ trợ trên xe hơi sau khoảng thời gian thử nghiệm.
Từ cuối năm 2020, sự ra đời của trợ lý tiếng Việt Kiki góp phần giải quyết được bài toán “địa phương hóa” và giúp người Việt lái xe rảnh tay, an toàn hơn.
Đầu tháng 12/2021, hãng màn hình chiếm 70% thị phần Zestech tích hợp trợ lý tiếng Việt Kiki trên các sản phẩm thế hệ mới của hãng, thêm cơ hội trải nghiệm tiện ích thông minh trên xe hơi cho người Việt.
Zestech tích hợp trợ lý tiếng Việt Kiki, kỳ vọng thúc đẩy thị trường xe hơi thông minh.
Việc trang bị sẵn trợ lý giọng nói trên màn hình Zestech giúp người dùng xe hơi phổ thông có thể dễ dàng sử dụng những tiện ích thông minh, vốn được xem là đặc quyền trên các dòng xe cao cấp.
Theo đó, người dùng có thể yêu cầu Kiki thực hiện các tác vụ quen thuộc như tìm bản đồ, chỉ đường, tìm địa điểm, cập nhật và đọc tin tức mới nhất, tra cứu thông tin, mở điều hòa… Ngoài ra, với lợi thế từ nguồn nội dung phong phú của Zing MP3, Kiki có thể mở nhạc phục vụ người dùng theo tên bài hát, tên ca sĩ, tên album, lời bài hát, thêm vào danh sách yêu thích…
Vừa trang bị màn hình Zestech cải tiến cho chiếc Kia Cerato đời cũ, anh Nguyễn Hoài Vũ (TP.HCM) cho biết: "Không nghĩ là chiếc Cerato của tôi có thể trở nên thông minh như vậy chỉ với việc lắp màn hình Zestech có tích hợp Kiki. Trợ lý giọng nói hiểu cả những lúc tôi nói giọng địa phương, nghe giọng nói của Kiki cũng ngọt ngào, dễ chịu”.
Kiki thực hiện tác vụ chỉ đường, tìm địa điểm thông qua câu lệnh giọng nói một cách chính xác.
Trước đó, hãng màn hình xe hơi Gotech cũng tích hợp trợ lý tiếng Việt Kiki trên các dòng sản phẩm của hãng và kỳ vọng tăng thị phần từ 30% lên 50% trong tương lai. Sự “vào cuộc” nhanh chóng và kịp xu hướng của những hãng màn hình xe hơi một mặt thúc đẩy thị trường xe thông minh phát triển, mặt khác đang giúp kéo gần khoảng cách giữa tiện nghi thông minh trên xe và người dùng phổ thông.
Các hãng màn hình xe hơi tích hợp trợ lý tiếng Việt giúp người dùng dễ dàng tiếp cận tiện ích thông minh trên ôtô hơn.
Giờ đây với nhiều lựa chọn hơn, xe hơi thông minh tại Việt Nam đã không còn là trang bị “xa xỉ” với người dùng. Sự tham gia của Kiki vào thị trường xe hơi góp phần thay đổi góc nhìn của phần đông người dùng về tiện ích hiện đại trên xe, vốn được mặc định sâu sắc chỉ được trang bị trên dòng xe đắt tiền từ nhiều năm nay.