Hoàn thiện và ban hành 5 Hướng dẫn tạm thời tổ chức vận tải thống nhất trên cả nước
Tại
buổi làm việc, sau báo cáo của Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN và Vụ Vận tải cho
thấy, trong 01 tuần qua, tình hình giao thông cơ bản ổn định, các vướng
mắc tại một số địa phương cơ bản đã được thống nhất tháo gỡ để đảm bảo
lưu thông hàng hóa. Riêng ở khu vực phía Nam, vận tải đường thủy nội địa
được tập trung, phát huy hiệu quả để lưu thông hàng hóa đặc biệt là
hàng nông sản. Chỉ tính riêng tàu cao tốc đã vận chuyển được 207 tấn
hàng hóa, nông sản cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh, đã huy động thêm
tàu hải quân để tham gia vận tải. Dự kiến trong tuần sau, sẽ nâng sản
lượng vận chuyển qua đường thủy nội địa lên trên 1.000 tấn.
Thực
hiện Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về
tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19,
Bộ đã hoàn thiện và ban hành 05 hướng dẫn tạm thời về tổ chức vận tải 05
lĩnh vực để thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Bộ
GTVT cũng là một trong số các Bộ, ngành đầu tiên xây dựng Kế hoạch phối
hợp, hỗ trợ tối đa về vận tải và tổ chức giao thông cho thành phố Hồ
Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An, trong đó có phương
án huy động phương tiện ô tô các loại và lái xe dự phòng để kịp thời sử
dụng khi cần thiết, tạo điều kiện tối đa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
cho các doanh nghiệp và người dân trên mọi lĩnh vực quản lý của ngành
GTVT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi họp trực tuyến từ Bộ GTVT tới lãnh đạo các Bộ, ngành và các Sở GTVT
Cũng
trong tuần qua, Bộ GTVT cũng đã ban hành Công điện 12, một số văn bản
yêu cầu các địa phương rà soát, bãi bỏ các văn bản của địa phương có nội
dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảm đảm vận
tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt.
Tại
buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Phan Thị Thu Hiền cho biết, Tổng cục
ĐBVN đã bám sát và kịp thời có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tháo
gỡ khó khăn cho phương tiện lưu thông thuận lợi (Gia Lai, Cần Thơ, Cà
Mau, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế).
"Số
điện thoại đường dây nóng của TCĐBVN hàng ngày giải đáp hơn 200 cuộc
điện thoại của các doanh nghiệp vận tải và lái xe về các nội dung liên
quan đến luồng xanh vận tải. Hiện nay hệ thống cấp mã QR Code đã cấp
được cho 457.895 xe. Những vướng mắc khi chuyển sang hệ thống cấp mã tự
động cũng đã được Viettel giải quyết và đã tổ chức tuyên truyền, thông
tin rộng rãi hơn để DN và lái xe biết để thực hiện", bà Phan Thị Thu
Hiền cho biết.
Tại
buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Phòng Công nghiệp Việt Nam cũng như đại diện lãnh đạo
của nhiều Sở GTVT trên cả nước có nhiều ý kiến xung quanh vướng mắc nhất
định tại một số ít địa phương về quy định thời hạn giấy xét nghiệm,
công nhận test nhanh và PCR, hàng hóa được phép vận chuyển…
"Tuy
nhiên các địa phương cũng đã cố gắng nỗ lực để tổ chức giao thông kết
hợp với kiểm soát, tạo điều kiện xét nghiệm cho các lái xe nên cơ bản
không để ùn tắc kéo dài", Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Tổ trưởng Tổ công tác
của Bộ GTVT, thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đang trực
tiếp công tác chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam khẳng định.
Tuyến đường nào cũng là " luồng xanh", hàng hóa nào cũng là thiết yếu
Đồng
tình với ý kiến của Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng như ý kiến của lãnh đạo
các Bộ, ngành, của lãnh đạo các Sở GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn
mạnh và ghi nhận sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực của cán bộ, công
chức, viên chức và NLĐ ngành GTVT. Bộ trưởng cũng đặc biệt coi trọng sự
nỗ lực của các Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong suốt thời gian qua,
cùng với cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã phát huy
trách được vai trò trong việc tổ chức giao thông, cơ bản đáp ứng được
yêu cầu về công tác phòng chống dịch.
Bộ
trưởng một lần nữa nhấn mạnh về việc cần thống nhất quan điểm về “luồng
xanh”, hiện nay chỉ trừ tuyến đường nào phải bắt buộc hạn chế để phòng
chống dịch còn lại tất cả đều phải được coi là “luồng xanh”, quan điểm
là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả hàng hóa (trừ hàng hóa
cấm) được lưu thông phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, phục vụ sản
xuất, xuất nhập khẩu, duy trì chuỗi sản xuất không để bị đứt gãy.
"Cần
phải có kế hoạch linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế của vận tải đường
sắt, đường thủy nội địa và cả hàng hải để giảm tải áp lực cho vận tải
đường bộ vì tính hiệu quả cũng như an toàn phòng dịch do đặc trưng loại
hình vận tải riêng biệt, ít tiếp xúc", Bộ trưởng nói đồng thời yêu cầu
Sở GTVT căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản
hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế để chủ động tham mưu cho Tỉnh/thành ủy,
UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, thành phố ban hành những
quy định phù hợp, đảm bảo không để ách tắc giao thông, cản trở việc lưu
thông hàng hóa.
Bộ
trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo việc triển khai phần mềm cấp QR Code
phải đảm bảo thông suốt, kịp thời, minh bạch và tuyệt đối không để tiếp
tục xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi. Đề nghị các địa phương tăng
cường kiểm tra việc chấp hành quy định y tế, quy định về vận tải hàng
hóa của các doanh nghiệp vận tải, lái xe tại các điểm tập kết hàng hóa,
bến, bãi, kho hàng hóa, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
"Đối
với các địa phương đang là vùng xanh, trong dịp nghỉ lễ 2/9, Sở GTVT
phải chủ động tham mưu các phương án tổ chức giao thông cho người và
hàng hóa đảm bảo thuận tiện, an toàn giao thông và đảm bảo các biện pháp
phòng chống dịch COVID-19", Bộ trưởng yêu cầu.