Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa

27/08/2020

Chiều 26/8, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu đã chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa năm 2020 với các điểm cầu tại Hải Phòng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội nghị có Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải, Đại tá Nguyễn Minh Giang, Trưởng phòng 10 Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công An, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ ATGT, Ban ATGT các tỉnh, thành phố, Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam…

Theo báo cáo của Phòng Vận tải - An toàn giao thông, Cục ĐTNĐ Việt Nam, năm 2019 và 8 tháng đầu năm 2020, Cục ĐTNĐVN đã ban hành 82 văn bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm ATGT đường thủy nội địa, các văn bản gửi đến UBND tỉnh, Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa đối với vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, hoạt động của phương tiện vận tải khách ngang sông, phương tiện thủy thô sơ…

Trưởng phòng Vận tải - An toàn giao thông trình bày báo cáo

Trong năm 2019, liên ngành 03 Cục (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông và Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã phối hợp thực hiện cao điểm kiểm tra bảo đảm, trật tự ATGT mùa lễ hội, trên hồ Hòa Bình và tuyến sông Đà; kiểm tra tình hình bảo đảm ATGT đường thủy tại hai địa phương Lào Cai, Hà Giang. Năm 2020 đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông trên hồ Tam Trúc, Kim Bảng, Hà Nam; trên hồ Hòa Bình và khu vực Đền Thác Bờ thuộc tỉnh Hòa Bình.

Năm 2019, lực lượng liên ngành 03 Cục tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đối với 236 chủ phương tiện, 03 đại diện tổ vận tải tự quản, 04 đại điện Hợp tác xã vận tải, 05 chủ cảng, bến thủy nội địa, 01 chủ động, 01 chủ đền, 03 bến khách ngang sông; lực lượng thanh tra chuyên ngành đường thủy nội địa đã cấp phát 16.860 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền các quy phạm pháp luật, tổ chức cho 3.996 lượt chủ bến, chủ phương tiện cam kết chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật giao thông vận tải đường thủy nội địa và kiểm soát tải trọng phương tiện thủy nội địa.

Năm 2020, các đơn vị tổ chức cho 2.997 lượt chủ bến, chủ phương tiện, người lái, thuyền viên làm việc trên phương tiện cam kết chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và kiểm soát tải trọng  của phương tiện thủy nội địa; phát 2.936 tờ rơi có nội dung phổ biến các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa. 

Theo thống kê, toàn quốc hiện có 292 cảng, trong đó: 217 cảng hàng hóa, 12 cảng hành khách, 63 cảng chuyên dung; 8.283 bến thủy nội địa, trong đó bến đã được cấp phép hoạt động là 6.614 bến, bến không phép là 1.669 bến; 2.526 bến khách ngang sông, trong đó bến có phép là: 2.058 đạt 81,5%.

Trong năm 2019 và 8 tháng đầu năm 2020, các lực lượng thanh tra, Cảng vụ đã triển khai 711 cuộc thanh, kiểm tra và phối hợp liên ngành cơ sở, phát hiện 7.212 trường hợp vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 6.168 trường hợp vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động 189 bến, 302 phương tiện và 60 trường hợp khác.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến về tăng cường các giải pháp bảo đảm TT ATGT đường thủy nội địa

Trong thời gian qua, số lượng phương tiện được đăng ký, thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa qua đào tạo tăng lên rõ rệt: tổng số phương tiện được đăng ký là 15.716 phương tiện; đạt 6.905.990 tấn, 42.463 ghế, 3.798.771 mã lực; tổng số người được đạo tạo cấp GCNKNCM, CCCM là 122.233 người, trong đó: 71.255 người được đạo tạo cấp GCNKNCM và 50.987 người được đạo tạo cấp CCCM.

Về tình hình tai nạn giao thông, báo cáo cho biết năm 2019, xảy ra 61 vụ làm chết 26 người, làm bị thương 09 người. Trong khi đó, 8 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 44 vụ, làm chết 37 người, làm bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 06 vụ (15,79%), tăng 18 người chết (tang 94,74%) và giảm 02 người bị thương.

Để tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa, nhằm ngăn chặn không để tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường thủy nội địa, các cơ quan đơn vị cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường thủy nội địa của người tham gia giao thông đường thủy nội địa. 

Cục triển khai thực hiện thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vận tải đường thủy nội địa và kiểm soát tải trọng phương tiện tại cảng thủy nội địa; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo trì luồng, tuyến đường thủy nội địa; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, cấp giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa cho phương tiện; Tập trung lực lượng phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực, Thanh tra Sở Giao thông vận tải thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn một số tỉnh, thành phố.

Các Chi cục, Cảng vụ triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được Cục trưởng phê duyệt và kế hoạch phối hợp liên ngành cơ sở, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông; phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện tại cảng, bến thủy nội địa; công tác quản lý, bảo trì tuyến luồng, báo hiệu đường thủy nội địa; đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa khi thi công các công trình trên đường thủy nội địa; điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách trên đường thủy nội địa và kiểm soát trọng tải, sức chở người của phương tiện tại cảng, bến thủy nội địa.

Các điểm cầu tham dự Hội nghị trực tuyến

Bên cạnh đó các giải pháp về công tác quản lý phương tiện, luồng tuyến, công tác quản lý thuyền viên, người lái, công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa… cũng được đề xuất cụ thể trong báo cáo.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận của Ban ATGT các tỉnh, thành phố, đơn vị quản lý bảo trì đường thủy nội địa, đại diện các Cảng vụ Đường thủy nội địa, đại diện lực lượng Thanh tra - An toàn, Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam… về công tác đảm bảo ATGT đồng thời đề xuất các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải cho biết, số liệu các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong những tháng đầu năm tang rất đáng lo ngại. Hầu hết các vụ tai nạn chết người đều là các phương tiện dân sinh dân dụng nhỏ lẻ, không được đăng ký đăng kiểm, hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, không được kiểm tra, kiểm soát. Ông Hải đề nghị cần có kế hoạch nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT trong đó cần có sự tham gia quyết liệt của chính quyền địa phương cấp xã, cùng phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị đăng kiểm rà soát, thống kê số lượng phương tiện thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện góp phần đảm bảo ATGT cho các phương tiện dân sinh dân dụng…

Theo Đại tá Nguyễn Vĩnh Giang, để đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trong thời gian tới, nên chia các phương tiện vận tải thủy thành 03 nhóm đối tượng gồm: Phương tiện vận tải hành phục vụ du lịch, lễ hội; Phương tiện nhỏ hoạt động tại khu vực vùng sâu, vùng xa; phương tiện vận tải đi qua các công trình vượt sông trong mùa bão lũ và những nơi có điều kiện thủy văn phức tạp. Từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp để quản lý từng nhóm đối tượng một cách hiệu quả nhất.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Bùi Thiên Thu phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu cho biết, 50-60% các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa có nguyên nhân do ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi chưa đi sâu đi sát, công tác tuyên truyền phổ biến cũng như kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế. Cục trưởng khẳng định phải có kế hoạch phối hợp liên ngành 03 cục với chính quyền cấp xã, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, đặc biệt thông qua các kênh thông tin truyền thống để người dân sớm cập nhật thông tin, nhằm tăng cường giải pháp đảm bảo ATGT.

Đồng chí Cục trưởng cũng yêu cầu nhanh chóng hoàn chỉnh phần mềm quản lý dữ liệu về phương tiện, người lái… Hiện nay, số lượng phương tiện không đăng ký đăng kiểm còn nhiều, các chi cục cần phối hợp với các địa phương để có số liệu chính xác nhất. Về quản lý bến đò ngang, bến khách ngang sông, đồng chí đề nghị các Cảng vụ cần lên kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với UBND các xã triển khai rà soát, hướng dẫn các thủ tục hỗ trợ quản lý tốt cảng bến, phương tiện và người lái.

Cục trưởng Bùi Thiên Thu khẳng định, phối hợp liên ngành 03 cục có vai trò hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, các đơn vị cần tăng cường phối hợp liên ngành đồng thời cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng địa phương để đảm bảo quản lý tốt các phương tiện vận tải thủy nội địa, đảm bảo ATGT./.


Tác giả: K. Cúc