ECSA và ETF đề xuất Hội đồng châu Âu các biện pháp điều tiết khẩn cấp cho ngành vận tải biển

25/03/2020

Trong tuần trước, Hiệp hội Chủ tàu Liên minh châu Âu (ECSA) và Liên đoàn Công nhân vận tải châu Âu (ETF) đã gửi một bức thu chung đến Hội đồng châu Âu đề xuất các biện pháp điều tiết khẩn cấp cho ngành vận tải biển đang bị tác động hết sức nặng nề do dịch bệnh COVID-19.


Sự bùng phát của virus corona (COVID-19) đã phát triển thành sự kiện thảm khốc ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và người dân toàn cầu. ECSA và ETF cân nhắc điều cốt yếu là ngành vận tải biển Liên minh châu Âu (EU) vẫn có thể thực hiện chức năng quan trọng của mình đối với nền kinh tế châu Âu và toàn bộ công dân EU. 76% thương mại đối ngoại và 32% vận chuyển hàng hóa nội bộ bên trong EU do vận tải biển đảm nhiệm. Phải đảm bảo các hàng hóa thiết yếu, năng lượng, thực phẩm, thuốc men và nhiều sản phẩm khác từ bên ngoài EU có thể được chuyển đến thị trường nội bộ EU, cho các công dân, các ngành công nghiệp quan trọng ở tất cả các quốc gia thành viên; và được vận chuyển thuận lợi nhất có thể giữa các quốc gia thành viên EU. Nếu không thực hiện được điều  này, nhiều chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc bị đình trệ hoàn toàn, khiến cho tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn nhiều so với những gì đã xảy ra.

Do đó, ECSA và ETF kêu gọi các tổ chức thuộc EU hỗ trợ vận tải biển và lực lượng lao động của ngành này đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Các biện pháp và hành động đặc biệt phải được thực hiện với mức độ khẩn cấp lớn nhất để đảm bảo ngành vận tải biển có thể đóng vai trò hỗ trợ tối đa có thể đối với nền kinh tế EU.

Tác động xã hội

Những người đi biển từ khắp nơi trên thế giới đang đóng góp thiết yếu để đảm bảo chuỗi cung ứng quốc tế đến và từ châu Âu tiếp tục hoạt động. Các biện pháp được các quốc gia thành viên EU áp dụng để hạn chế sự di chuyển của người dân, nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm COVID-19, đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sự đi lại của thuyền viên. Ngoài ra, việc đóng cảng cũng là một yếu tố có liên quan. Kết quả là người lao động, cả trên biển và trên bờ, đang gặp một số vấn đề đòi hỏi phải hành động ngay lập tức.

Sự di chuyển của thuyền viên: điều cực kỳ quan trọng là các tàu có thể cập cảng khi cần thiết và thuyền viên có thể đến, rời khỏi tàu của họ với càng ít trở ngại càng tốt. Với các hạn chế tại cảng - và việc giảm các chuyến bay - điều này ngày càng trở nên khó khăn. Vì lý do này, ngành vận tải biển kêu gọi sự linh hoạt và hỗ trợ để giúp thuyền viên tiếp tục vận hành tàu và được phép rời khỏi tàu, trở về nhà của họ. ECSA và ETF kêu gọi việc miễn các lệnh cấm đi lại của các quốc gia đối với thuyền viên, để họ có thể lên tàu làm việc và giữ cho các chuỗi cung ứng hoạt động. Thuyền viên cũng cần được đối xử một cách thực tế khi họ rời tàu để lên đường trở về nhà. Trong thời điểm quan trọng này, giống như nhân viên y tế và lực lượng an ninh, thuyền viên là những người lao động chủ chốt và các chính phủ cần công nhận họ như vậy để có sự cân nhắc đặc biệt đối với họ.

tau bien.jpg

Thời gian phục vụ tối đa: Theo yêu cầu cá nhân của thuyền viên, hoặc do không có thuyền viên thay thế, không có chuyến bay từ cảng dự kiến đến nơi thuyền viên cư trú; những người đi biển có thể phải ở trên tàu lâu hơn như được quy định trong hợp đồng lao động thuyền viên hoặc theo Công ước Lao động hàng hải. ECSA và ETF kêu gọi các quốc gia tàu mang cờ quốc tịch và quốc gia có cảng áp dụng cách tiếp cận thực dụng cho các tình huống như vậy và, trong từng trường hợp cụ thể do tác động của đại dịch, cho phép thuyền viên ở lại trên tàu trong thời gian hợp lý ngoài thời gian làm việc trên tàu theo quy định, với lưu ý tàu luôn cần được định biên đầy đủ thuyền viên.

Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên: Do các hạn chế đi lại, những người đi biển có thể bị buộc phải ở lại trên tàu lâu hơn bình thường vì họ không được phép rời tàu. Hơn nữa, một số cơ sở đào tạo thuyền viên đã đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Thực tế này có thể dẫn đến việc thuyền viên không thể thực hiện các khóa đào tạo cần thiết cho việc gia hạn chứng chỉ chuyên môn của mình và do đó, một hoặc nhiều chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên có thể bị hết hạn. Từ đó phát sinh vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận định biên an toàn của tàu và năng lực của thuyền viên thực hiện nhiệm vụ trên tàu. ECSA và ETF kêu gọi các quốc gia tàu mang cờ quốc tịch và quốc gia có cảng thể hiện tính thực dụng bằng cách gia hạn hiệu lực của các chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên ít nhất 3 tháng. Để có hiệu quả, điều này đòi hỏi phải có hành động phù hợp từ các thể chế kiểm soát của quốc gia có cảng tại các khu vực trên toàn thế giới.

Sự dư thừa nhân công ảnh hưởng đến người làm việc trên tàu và trên bờ: Do tác động đáng kể của các hạn chế đi lại đối với hoạt động vận chuyển hành khách và lưu lượng hàng hóa giảm, các công ty đã phải điều chỉnh hoạt động và chi phí để hạn chế tác động này. Các quốc gia thành viên EU cần cân nhắc áp dụng các biện pháp hỗ trợ đặc biệt, nếu có thể, để bảo vệ việc làm tại EU. Các chính phủ cần trao đổi về các thực tiễn tốt nhất đã được thực hiện ở một số quốc gia, chẳng hạn như các biện pháp bảo trợ xã hội cho người đi biển hoặc chi trả một tỷ lệ phần trăm lương cho nhân viên.

Việc lên tàu để kiểm tra của các nhân viên chuyên môn: các hạn chế đi lại cũng gây khó khăn cho các nhân viên chuyên môn, chẳng hạn như các nhân viên kiểm tra, trong việc lên tàu để thực hiện kiểm tra theo luật định (về an toàn, môi trường và đào tạo). Các chính phủ nên dành cho họ sự xem xét đặc biệt phù hợp với những cân nhắc về khả năng di chuyển của thuyền viên.

Tác động hoạt động

Một số biện pháp và sự phát triển đanggây  ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tàu biển khắp thế giới. Có nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp vật tư, thiết bị y tế và các phụ tùng cơ khí, điện tử cho tàu. Giao thông đường biển giữa một số địa điểm cụ thể đã bị dừng hoàn toàn. Hơn nữa, các hạn chế hoạt động đã được áp dụng đối với tàu vào cảng. Số lượng tàu phải tạm dừng khai thác đang gia tăng nhanh chóng do những hạn chế hoạt động mạnh mẽ, thiếu hàng hóa hoặc thiếu thuyền viên.

Do đó, Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên cần phải:

Giữ cho các chuỗi cung ứng mở: Điều quan trọng sống còn là các chuỗi cung ứng phải được mở để các sản phẩm, vật tư có thể đến được tàu, và điều này phụ thuộc vào việc tàu có thể cập cảng khi cần thiết.

Giấy chứng nhận của tàu: Tính sẵn sàng  của các cơ sở sửa chữa tàu bị hạn chế nghiêm trọng do các biện pháp phòng ngừa kiềm chế virus corona, nên tình trạng tàu không thể lên đà sửa chữa đúng hạn để được cấp mới các giấy chứng nhận đăng kiểm ngày càng gia tăng. Tính linh hoạt của các quốc gia tàu mang cờ quốc tịch và tổ chức đăng kiểm được yêu cầu thông qua việc gia hạn hiệu lực của các giấy chứng nhận hiện có ít nhất 3 tháng. Để đảm bảo tính hiệu quả, tính linh hoạt này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cầu.

170320.jpg

Tàu du lịch chưa được phép cập cảng tại một số quốc gia: Nhiều tàu du lịch đang trong quá trình quay trở lại "cảng nhà" của mình ở châu Âu. Có những cách tiếp cận mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên EU về vấn đề này. Cần có hướng dẫn rõ ràng và nhất quán để cho phép tàu du lịch cập bến càng sớm càng tốt; hành khách, thuyền viên được rời tàu và hồi hương.

Ảnh hưởng kinh tế

Tác động kinh tế trực tiếp đang được thấy trong tất cả các phân khúc vận tải biển. Vận chuyển hành khách bằng tàu du lịch và phà ngay lập tức bị ảnh hưởng do ngày càng nhiều quốc gia đóng cửa biên giới hoặc hạn chế đi lại. Vận tải biển toàn cầu sẽ suy giảm do sụt giảm tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại đường biển. Nhu cầu đối với đội tàu thế giới sẽ giảm, đặc biệt là tàu chở container và tàu chở hàng rời viễn dương. Giá dầu giảm đáng kể đang tác động đến khả năng tồn tại trong trung và dài hạn của các tàu tham gia hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi.

Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên cần cung cấp hỗ trợ tài chính cho ngành vận tải biển:

• Các ngân hàng châu Âu nên được hỗ trợ bởi khung pháp lý phù hợp ở cấp EU để giải quyết các vấn đề thanh khoản ngay lập tức của các chủ tàu.

• Gói ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu), theo thỏa thuận ngày 13/3/2020, nên được cung cấp không chậm trễ để các ngân hàng có thể tiếp tục tài trợ cho ngành vận tải biển. Hỗ trợ của EU cũng nên trang trải tài chính cho các khoản đầu tư sẽ rất quan trọng để ngành vận tải biển tự tái tạo trong dài hạn.

• Linh hoạt trong việc áp dụng các hướng dẫn hỗ trợ quốc gia hàng hải, để viện trợ nhà nước, như các chương trình giảm chi phí lao động, có thể được đảm bảo cho tình huống rất đặc biệt mà ngành vận tải biển và thuyền viên EU hiện đang phải đối mặt.

Do tầm quan trọng sống còn của vận tải biển và các dịch vụ liên quan đối với EU, ECSA và ETF kêu gọi Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên EU hành động quyết đoán, dứt khoát trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng và việc đi lại của thuyền viên, cung cấp hỗ trợ rất cần thiết cho ngành vận tải biển cũng như lực lượng lao động liên quan./.

Tác giả: Nguyễn Vũ