Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Công ước MLC 2006 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bảo đảm cho các tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hoạt động bình thường phù hợp với yêu cầu của Công ước MLC 2006 ngay từ thời điểm Công ước phát sinh hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2013; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thuyền viên, nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên để khai thác hiệu quả đội tàu biển của Việt Nam phù hợp với các yêu cầu của Công ước MLC 2006.
Kế hoạch quy định nhiệm vụ cụ thể của các Cục: Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, Y tế Giao thông vận tải và các Vụ trực thuộc Bộ Giao thông vận tải trong công tác triển khai thực hiện Công ước MLC 2006. Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam được phân công thực hiện phê duyệt Bản công bố phù hợp lao động hàng hải phần 2 (DMLC 2) và kiểm tra, đánh giá để cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải (MLC) cho các tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 500 trở lên hoạt động tuyến quốc tế.
Nhận thức tầm quan trọng đặc biệt trong việc triển khai thực hiện các quy định quốc tế về lao động hàng hải, ngay từ năm 2006, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông qua hệ thống tác nghiệp của mình, bằng kinh nghiệm 15 năm đánh giá chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý an toàn và an ninh hàng hải, đã chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các hiệp hội chủ tàu, các doanh nghiệp vận tải biển, đóng tàu và cung ứng thuyền viên nghiên cứu và chuẩn bị cho việc triển khai Công ước MLC 2006, để đảm bảo cho việc sẵn sàng thực hiện của đội tàu biển Việt Nam và các tàu thuộc sở hữu của các công ty vận tải biển Việt Nam mang cờ quốc tịch nước ngoài, bao gồm:
- Thành lập nhóm chuyên trách nghiên cứu triển khai Công ước với sự tham gia của các chuyên gia và các bộ phận liên quan bên trong và ngoài Cục Đăng kiểm Việt Nam;
- Biên dịch Công ước MLC 2006 sang tiếng Việt, biên soạn các tài liệu hướng dẫn cho các đối tượng áp dụng Công ước, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp vận tải biển, đóng tàu và các cơ sở đào tạo, cung ứng thuyền viên... ;
- Phối hợp với các cơ quan liên quan (Cục Hàng hải Việt Nam, các vụ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, …) chuẩn bị các báo cáo nghiên cứu, lập đề án triển khai, xúc tiến thủ tục Việt Nam gia nhập Công ước;
- Dự thảo và tham gia quá trình xây dựng dự thảo các sửa đổi thông tư, quy định, quy chuẩn,… liên quan đến việc triển khai Công ước;
- Tiến hành việc nghiên cứu phân tích hiện trạng pháp luật và các quy định của Việt Nam hiện hành so với yêu cầu của Công ước để đề xuất các sửa đổi, bổ sung cần thiết;
- Phổ biến và hướng dẫn cho các công ty vận tải biển, các chủ tàu chuẩn bị thực hiện Công ước (bao gồm các hội thảo, khóa đào tạo, hướng dẫn, phân tích hệ thống, đánh giá và kiểm tra thí điểm tại một số công ty và tàu, …);
- Cử các chuyên gia tham gia các hội nghị, hội thảo và khóa tập huấn liên quan đến lao động hàng hải của ILO;
- Đào tạo các chuyên gia và đánh giá viên lao động hàng hải theo tiêu chuẩn của ILO, với sự hỗ trợ và hợp tác của ILO và các tổ chức đăng kiểm quốc tế hàng đầu thế giới: Đăng kiểm Anh (LR), Đăng kiểm Pháp (BV), Đăng kiểm Hoa Kỳ (ABS);
- Xây dựng các quy trình, hướng dẫn, danh mục đánh giá và các biểu mẫu cần thiết phục vụ cho quá trình đánh giá và chứng nhận tàu;
- Đề nghị các Chính quyền Hàng hải thành viên Công ước MLC 2006 (Panama, Tuvalu, Kribati, …) ủy quyền cho VR thực hiện các công việc liên quan đến đánh giá, chứng nhận và phê duyệt theo theo quy định của Công ước đối với các tàu mang cờ quốc tịch của các nước này;
- Thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ năm 2013 do Bộ Giao thông vận tải giao, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bố trí khu vực sinh hoạt của thuyền viên phù hợp với quy định của Công ước MLC 2006, bao gồm các quy định về khu vực sinh hoạt và phương tiện giải trí trên tàu dành cho thuyền viên, điều kiện chiếu sáng, thông gió, kiểm soát nhiệt độ, chấn động, tiếng ồn, phương tiện vệ sinh, phương tiện y tế, … Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này đã được Bộ Giao thông vận tải ký ban ngày 02 tháng 5 năm 2013, và sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 01 tháng 11 năm 2013.
Nhóm chuyên trách Công ước MLC 2006 của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiến hành việc phân tích so sánh (Gap Analysis) các quy định của Việt Nam với các yêu cầu của Công ước, kết hợp cùng các tổ chức đăng kiểm LR và DnV tiến hành đánh giá khảo sát (Pilot Audit) một số hệ thống quản lý lao động hàng hải của công ty và tàu Việt Nam, để từ đó xác định các vấn đề cần hoàn thiện và chuẩn bị các công việc cần thiết khác. Kết quả đánh giá phân tích cho thấy, phần lớn các quy định của Việt Nam đã phù hợp với các quy định của Công ước MLC 2006. Chỉ có một số điểm cần phải bổ sung, sửa đổi trong hệ thống quy định của văn bản quy phạm pháp luật, trong phương thức quản lý điều hành và thực hiện của các đối tượng áp dụng, bao gồm thuyền viên, dịch vụ cung ứng thuyền viên, công ty chủ tàu, các cơ sở khám sức khỏe thuyền viên, cung cấp thực phẩm cho thuyền viên.
Cho đến nay Cục Đăng kiểm Việt Nam đã được giao thực hiện đánh giá và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải theo Công ước MLC cho tàu mang cờ quốc tịch các nước: Việt Nam, Panama, Belize, Mông Cổ, Campuchia và Lào.
Các hiệp hội chủ tàu và các công ty vận tải biển Việt Nam đã rất tích cực trong việc chuẩn bị và triển khai thực hiện Công ước MLC, cụ thể là:
- Chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của Công ước MLC 2006;
- Tiến hành phân tích hệ thống quản lý lao động hiện thời của công ty và đánh giá hiện trạng đội tàu so với các yêu cầu của Công ước MLC 2006 và pháp luật lao động hàng hải Việt Nam;
- Lập kế hoạch chuẩn bị triển khai thực hiện Công ước;
- Sửa đổi, bổ sung các quy trình quy định trong hệ thống quản lý hiện hành (bao gồm các quy trình của Hệ thống quản lý an toàn (SMS) theo Bộ luật Quốc tế về quản lý an toàn (ISM), Hệ thống quản lý chất lượng, các quy định nội bộ công ty liên quan đến hợp đồng lao động, trả lương, bảo hiểm, hồi hương, an sinh xã hội, chế độ chăm sóc ý tế đối với thuyền viên, …);
- Đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên tại công ty và sỹ quan, thuyền viên trên tàu về Công ước MLC 2006;
- Xác định trách nhiệm và các nguồn lực cần thiết trong việc đảm bảo thực hiện Công ước;
- Đánh giá thử hệ thống quản lý lao động hàng hải tại công ty và tàu;
- Dự thảo Bản công bố phù hợp lao động hàng hải Phần II (DMLC II);
- Thiết lập kế hoạch thực hiện, soát xét và đánh giá nội bộ liên quan đến Công ước.
Những bước chuẩn bị trên chính là chìa khóa để các công ty vận tải biển nói riêng, và các bên liên quan nói chung, có thể triển khai thực hiện thành công Công ước MLC 2006 đối với đội tàu biển Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu quả của đội tàu trên các tuyến hành hải quốc tế, đồng thời bảo đảm được các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của những người đi biển, khi mà thời điểm có hiệu lực của Công ước đang đến rất gần.