Tuyến đường biển ngắn nhất nhưng đắt nhất
Theo thông báo của Tập đoàn vận tải thủy A.P. Moller-Maersk, tàu container chuyên dụng Venta Maersk có chiều dài 200m, rộng 36m. Đây là loại tàu thế hệ mới vừa được đóng trong năm nay, được thiết kế để chịu được nhiệt độ tới -25 độ C. Trên tàu có 26 thủy thủ được huấn luyện đặc biệt để chịu đựng trong điều kiện khắc nghiệt.
Theo lịch trình, ngày 1-9, tàu Venta Maersk sẽ rời thành phố cảng Vladivostok chở theo 3600 container cá đông lạnh và hàng hóa các loại, dự kiến đến thành phố St. Petersburg vào cuối tháng. Tuy nhiên, thay vì đi theo tuyến đường biển phía Nam, đi qua miền nam Ấn Độ và Kênh đào Suez trước khi đến Biển Baltic, tàu Venta Maersk sẽ đi theo tuyến đường biển Bắc. “Tuyến đường này trải dài từ eo biển Bering đến Na Uy, được coi là một đối thủ tiềm năng lâu dài của kênh đào Suez cho tuyến thương mại Á-Âu, kể từ khi băng Bắc Cực bắt đầu tan chảy. Mùa hè này, nhiệt độ ở Bắc Cực đã đến gần 30 độ C ở một số nơi”, trang mạng Fraceinter.fr cho hay.
|

|
Tàu container lớn nhất thế giới Edith Maersk, dài 397m, đi qua kênh đào Suez. (ảnh: Franceinter.fr). |
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đã cắt ngắn tuyến Đông Á-châu Âu, giữa các cảng lớn nhất thế giới và châu Âu, Shanghai (Trung Quốc) và Rotterdam (Hà Lan) xuống còn 15.100 km, chứ không phải 19.700 km như trước. Điều này đồng nghĩa với việc giảm thời gian đi lại từ 10 đến 15 ngày so với hiện nay. Tuy nhiên, tuyến đường này sẽ đội giá chi phí lớn do cần phải có tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân đi cùng với tàu và chỉ có các tàu container nhỏ sử dụng được.
“Nếu thành công, hải trình thử nghiệm này sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong vận tải thương mại Bắc Cực giữa 3 khu vực gồm châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu, vốn có lượng hàng xuất khẩu chiếm gần 90% thương mại thế giới”, thông cáo của Tập đoàn Moller-Maersk khẳng định.
Tuy nhiên, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới cho biết, hiện chưa có kế hoạch triển khai dịch vụ thương mại trên hải trình này - vốn chỉ có thể đi được trong khoảng 3 tháng mỗi năm do băng phủ kín. Tập đoàn này cho biết cũng sẽ cần phải đầu tư vào đội tàu có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực.
Kỷ nguyên mới cho các tuyến đường thương mại
Khi Kênh đào Suez được khánh thành tại Ai Cập vào năm 1869, tác động của công trình này đến thương mại toàn cầu mang tính cách mạng. Bởi thay vì phải đi vòng quanh châu Phi, các tàu biển có thể đi thẳng từ Ấn Độ Dương đến Địa Trung Hải - tuyến đang kết nối châu Âu với châu Á. Tuy vậy, khoảng cách giữa Đông Á và châu Âu khi đi qua Kênh đào Suez vẫn rất lớn, lên tới 20.921km.
|

|
Tuyến đường biển Bắc ngắn hơn 4600km so với Tuyến đường biển Nam (ảnh Radio France). |
Việc xem tuyến đường qua Bắc Cực là khả thi bắt nguồn từ những dự báo cho biết khu vực này sẽ tan băng trong ít nhất một khoảng thời gian trong năm do tình trạng nóng lên toàn cầu. Việc băng mỏng đi cũng có thể mở ra các tuyến đường mới cho thương mại toàn cầu, giúp các công ty tiết kiệm được chi phí so với các hải trình dài hơn qua những tuyến đường biển phía Nam.
Năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Copenhagen (Đan Mạch) từng dự báo các tàu container có thể dễ dàng sử dụng tuyến đường biển Bắc trong vòng 25 năm tới. Tuy nhiên, trước đó, Tập đoàn Cosco, thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc đã thử nghiệm tuyến đường qua Bắc Cực trong nhiều năm qua với hàng loạt chuyến tàu chở hàng như thiết bị tuabin gió. Năm ngoái, tàu chở khí gas Christophe de Margerie của Nga trở thành tàu thương mại đầu tiên băng qua Bắc Cực mà không cần trợ giúp của tàu phá băng, hoàn thành hải trình trong khoảng thời gian kỷ lục. Tàu này đã đi từ Na Uy tới Hàn Quốc chỉ trong 19 ngày, nhanh hơn 30% so với hải trình thông thường qua Kênh đào Suez. Một chuyến đi được đánh giá là sự khởi đầu "kỷ nguyên mới" cho các tuyến thương mại.