Dự án 44 cầu trên tuyến Thống Nhất khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian chạy tàu khách trên tuyến còn từ 26-28 giờ, riêng đoạn Nha Trang - TP.HCM có thể đạt tốc độ 100 - 110 km/h. Dự án đường sắt Hà Nội - Sân bay Nội Bài, Dự án đường sắt trên cao Trảng Bom - Hòa Hưng cũng sẽ được triển khai và đưa vào sử dụng từng phần, .v.v. Ngoài ra, Chính phủ và Bộ GTVT đã giao cho Tổng công ty ĐSVN tiếp nhận hỗ trợ từ JICA để lập Dự án đầu tư xây dựng (F/S) hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang thuộc Dự án ĐSCT Hà Nội - TP.HCM để đánh giá tính khả thi của từng đoạn, phân kỳ đầu tư cũng như tổng hợp đầy đủ hơn, toàn diện hơn thông tin về Dự án ĐSCT để báo cáo Quốc hội.
Để thực hiện kế hoạch, có 4 nhiệm trọng tâm trong thời gian tới mà ngành Đường sắt cần phải làm. Về tổ chức sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức và các quy chế hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Công ty mẹ ĐSVN, đảm bảo gọn nhẹ, năng động, minh bạch và hiệu quả. Các công ty vận tải đường sắt sẽ hoàn thành cổ phần hóa và ĐSVN nắm chi phối, trong đó ưu tiên cổ phần hóa trước Công ty Vận tải hàng hóa để rút kinh nghiệm tiến hành với các công ty vận tải hành khách. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng các khối trên 7%, trong đó doanh thu tăng trưởng trên 10%. Không để người lao động không có việc làm và thu nhập không ngừng được cải thiện.
Đề án đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 và 2020 của ĐSVN đã được thông qua. Theo Đề án này, ngành sẽ huy động mọi hình thức để đào tạo các nhà quản lý đường sắt, cán bộ khoa học công nghệ và công nhân kỹ thuật để quản lý, vận hành và kinh doanh đường sắt quốc gia cũng như đường sắt đô thị, đảm bảo có một đội ngũ cán bộ có trình độ để quản lý và khai thác hạ tầng đường sắt trong hiện tại và tương lai.