Xe điện không hề thân thiện môi trường như quảng cáo

17/02/2016

Mặc dù không phát sinh khí thải trong quá trình hoạt động nhưng xe điện (xe máy và ôtô) góp vai trò gián tiếp xả vào không khí lượng hóa chất và chất thải dạng hạt lớn hơn cả động cơ đốt trong.


Ảnh: Xe điện luôn đi kèm với hình ảnh "xanh rì " hòa đồng với thiên nhiên, nhưng thực tế nó lại đang gián tiếp gây ô nhiễm môi trường

Sự tréo ngoe trên đang dần được khẳng định bằng các nghiên cứu thực tế ở 2 thị trường xe điện phát triển rất nhanh là Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, các chuyên gia cảnh báo sự phát triển quá nhanh của xe điện kéo theo mối lo ngại về chất lượng không khí.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2015 đã tính toán, xác định lượng điện năng trung bình mà xe chạy điện “ngốn” từ hệ thống lưới điện quốc gia. Sau đó họ sử dụng dữ liệu về mức độ phát thải khí ô nhiễm trong mỗi giờ của hơn 1.486 nhà máy điện trên toàn nước Mỹ để làm căn cứ đánh giá xe điện gây tổn hại đến môi trường như thế nào.

Kết quả, tác động của xe điện và chi phí vận hành thực sự cho thấy nó phụ thuộc các khu vực khác nhau trên cả nước. Để minh họa, nhóm nghiên cứu sử dụng dòng xe Ford Focus gồm chạy điện hoàn (EV) và phiên bản dùng động cơ xăng.


Ảnh: Xe điện ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ bị cho là gây hại hơn cả xe dùng động cơ đốt trong, và đang bị đề nghị đánh thuế cao

Tại các bang ở khu vực miền Tây Hoa Kỳ, phiên bản chạy điện được cho là sạch hơn do hệ thống lưới điện được sản xuất bởi một phương pháp sạch. Tuy nhiên, ở các bang miền Đông, đặc biệt là Đông Bắc Mỹ mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Điện lưới ở khu vực này hiện phụ thuộc lớn vào nguồn nhiệt điện than đá, khiến chi phí vận hành cũng như tác động hủy hoại môi trường của xe điện lớn hơn cả xe dùng động cơ đốt trong, đặc biệt là nếu sử dụng lâu dài.

Mỹ có thể là nơi để các hãng xe điện khoe công nghệ, nhưng Trung Quốc mới là nơi bùng nổ người sử dụng loại xe này. Hãng xe điện của Mỹ là Tesla tuyên bố trong năm 2015 họ đã đạt kỷ lục giao hơn 50.000 xe trên toàn cầu và sớm gặt hái thành công ở Trung Quốc để tiến tới sẽ đặt nhà máy sản xuất tại đây. Tuy nhiên, hãng xe điện có lượng bán lớn nhất thế giới trong năm vừa qua lại là “gà nhà” của người Trung Quốc: BYD. Theo như công ty này cho biết, họ đã bán được 31.898 chiếc Qin, 18.375 chiếc Tang và 7.029 chiếc E6 trong năm 2015. Cùng với một số ít xe thùng T3 và E5 chạy điện đã được giao, và 2.888 chiếc Denza hatchback được sản xuất hợp tác với Daimler, BYD đã bán được tổng cộng 61.722 chiếc xe điện, đủ để đoạt chức quán quân xe điện trên toàn cầu.


Ảnh: BYD Qin, chiếc sedan hybrid sạc điện ngoài đang được chú ý ngay tại Trung Quốc

Ước tính, lượng bán xe điện ở Trung Quốc trong năm 2015 đã tăng gấp đôi nhờ vào các chính sách kích cầu từ chính phủ. Để thúc đẩy quá trình phổ cập xe điện, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chương trình khuyến khích trong những năm qua (bao gồm cả giảm thuế) và đặt mục tiêu có 5 triệu xe điện trên đường phố vào 2020, tức cao gấp 8 lần mức hiện tại.

Chính quyền ở một số thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân thậm chí còn phân biệt đối xử với các xe chạy xăng dầu khi không đặt ra bất cứ giới hạn đăng ký cũng như ngày hoạt động cho xe điện. Ngay cả một tỉnh mới phát triển là Hà Bắc còn yêu cầu mỗi khu dân cư phải có trạm sạc điện.

Xe điện được ưu ái phát triển ở Trung Quốc và những doanh nghiệp nội địa như BYD hay Chery đã chớp lấy thời cơ để giành được “miếng bánh” thị phần lớn ngay tại sân nhà. Chỉ với giá 6.500 USD, mẫu Chery QQ3 EV dễ dàng đến tay những người dân có thu nhập bình thường. Không chỉ được mua xe giá rẻ mà một số thành phố như Thượng Hải còn miễn phí tiền đăng ký vốn rất đắt đỏ nếu là xe chạy động cơ đốt trong.


Ảnh: Chery QQ3 chạy điện giá rẻ mà hầu hết người Trung Quốc đều có thể mua được

Tuy vậy, trong khi người dân đang hào hứng với sự thiên vị xe điện từ chính quyền thì vẫn có những tiếng nói đi ngược lại trào lưu. Theo kết quả thống kê của ĐH Thanh Hoa, nhiệt điện từ than đốt hiện đang chiếm tới 90% sản lượng điện tại Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc, là những nơi đang trải “thảm đỏ” với xe điện. Loại điện kém sạch này đã được chỉ ra như một nguyên nhân gây ra tình trạng "sương mù hóa chất " ở Trung Quốc, gây tổn hại sức khỏe con người nghiêm trọng. Giáo sư Huo và đồng sự cho rằng, việc phát triển xe điện sẽ chỉ đẩy sự ô nhiễm từ vùng này sang vùng khác, từ nơi đông dân cư ra ngoại ô.

Các nghiên cứu của ĐH Thanh Hoa đã cho thấy cái nhìn không thực sự thân thiện với môi trường của xe điện trong vòng ít nhất là 1 thập kỷ sắp tới. Nó không trực tiếp nhưng gián tiếp tạo nên bầu không khí ngột ngạt hơn. Trừ khi chương trình cải tổ lưới điện được đẩy mạnh với các nhà máy “xanh” hơn. Nhưng đó là bài toán khó bởi sự phát triển kinh tế “quá nóng” của Trung Quốc trong thời gian qua, góp phần không nhỏ bởi than đá và dầu mỏ dùng cho nhu cầu sản xuất điện.

Tác giả: Xedoisong.vn, mt.gov.vn